1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Algeria: 30 con tin thiệt mạng trong chiến dịch giải cứu gây tranh cãi

(Dân trí) – Chiến dịch quân sự giải cứu hàng chục con tin bị các tay súng Hồi giáo cực đoan bắt cóc tại một cơ sản xuất khí đốt ở Đông Nam Algeria đã kết thúc với việc có tới 30 con tin thiệt mạng.

Algeria: 30 con tin thiệt mạng trong chiến dịch giải cứu gây tranh cãi
Nhóm tay súng Hồi giáo thuộc nhánh “al-Qaeda tại Bắc Phi” chủ ý nhắm vào người nước ngoài để trả đũa hành động quân sự của Pháp.


Quyết định liều lĩnh

Trong thông báo vắn ngày hôm qua, hãng thông tấn APS của Algeria chỉ cho biết chiến dịch giải cứu con tin đã kết thúc song không cho biết thêm thông tin chi tiết.

Trước đó, quân đội Algeria đã quyết định tiến hành tấn công quân sự nhằm vào cơ sở sản xuất khí đốt In Amenas ở tỉnh Inllizi sau khi những kẻ khủng bố tại đây từ chối thương lượng. Cuộc giải cứu đã khiến hàng chục con tin thiệt mạng.

“Đã có nhiều con tin thiệt mạng và bị thương trong nỗ lực tấn công này”, truyền hình Algeria dẫn lời Bộ trưởng Thông tin Mohamed Said xác nhận song không nêu con số cụ thể.

Tuy nhiên theo một số nguồn tin an ninh, có tới 30 người đã phải trả giá cho quyết định tấn công vội vàng này, trong đó có 8 người Algeria, 2 người Nhật Bản, 2 người Anh và 1 người Pháp. Những nạn nhân còn lại chưa được xác định danh tính.

Nhóm bắt cóc thì tuyên bố cuộc tấn công bằng máy bay trực thăng và trên bộ của quân đội Algeria đã khiến 34 con tin thiệt mạng và 15 thành viên của nhóm này bị tiêu diệt.

Trong khi đó, nguồn tin an ninh Algeria nói chỉ tiêu diệt 11 phần tử khủng bố, trong đó có chỉ huy nhóm này là Abu al-Baraa. Những đối tượng còn lại gồm 3 người Ai Cập, 2 người Tunisia, 2 người Libya, 1 người Mali và 1 người Pháp.

Nhiều nước bày tỏ quan ngại

Chính phủ nhiều quốc gia liên quan như Mỹ, Pháp, Anh, và Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về phương thức giải quyết vụ bắt cóc của chính quyền Algeria.

Thủ tướng Anh David Cameron khuyến cáo người dân nước này sẵn sàng đón nhận "tin xấu". Ông cũng quyết định hoãn bài phát biểu quan trọng về tương lai của Liên minh châu Âu (EU) tại Hà Lan vào ngày 18/1 do cuộc khủng hoảng này.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu quân đội Algeria ngừng ngay chiến dịch tấn công, đồng thời cử phái viên tới quốc gia Bắc Phi này để phối hợp với chính quyền sở tại.

Trong chiến dịch giải cứu con tin, quân đội Algeria đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và thâm nhập cơ sở khí đốt In Amenas, vốn nằm sâu trong sa mạc Sahara.

Bảng chỉ đường gần khu khai thác khí đốt In Amenas.
Bảng chỉ đường gần khu khai thác khí đốt In Amenas.

“Những kẻ bắt cóc đã buộc các con tin đeo thuốc nổ bên mình, đồng thời dọa sẽ giết tất cả con tin nếu như lực lượng an ninh Algeria thâm nhập thành công vào cơ sở khí đốt”, kênh truyền hình France 24 của Pháp dẫn nguồn tin từ những kẻ bắt cóc cho biết.

Cho đến trước khi chiến dịch giải cứu kết thúc, hãng thông tấn APS cho biết quân đội đã giải cứu gần 600 công nhân người Algeria và 4 người nước ngoài.

Tuy nhiên, nhóm tay súng tự xưng là "Tiểu đoàn máu" vẫn giam giữ hàng chục con tin, trong đó có 41 công dân nước ngoài mang quốc tịch Mỹ, Anh, Pháp, Ireland, Na Uy và Nhật Bản. Nhóm này tuyên bố vụ bắt cóc nhằm trả đũa việc Pháp phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali hiện nay.

Trước khi chiếm giữ mỏ khí đốt và bắt giữ các con tin hôm 16/1, những kẻ bắt cóc đã giết một người Anh và một người Algeria .

Cơ sở khí đốt In Amenat thuộc sở hữu liên doanh giữa tập đoàn BP của Anh, Statoil của Na Uy và Sonatrach của Algeria.


Linh Giang
Tổng hợp