1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ai là “cha đẻ” chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng?

(Dân trí) - Sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của CHDCND Triều Tiên ngày 9/10 vừa qua, thế giới bắt đầu đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Ai là “cha đẻ” chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng?

Theo các chuyên gia, thì rất khó có thể chỉ ra đích xác một nhà khoa học Bình Nhưỡng nào đó là “cha đẻ” của bom hạt nhân như ở một số nước Pakistan, Iran hay Lybia.

 

Tại CHDCND Triều Tiên “không có A.Q. Khan”, Bertil Lintner, tác giả của một cuốn sách viết về các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng cho hay. A.Q.Khan chính là nhân vật đã đưa Pakistan từ một nước với “hai bàn tay trắng” thành một nước nằm trong câu lạc bộ hạt nhân của thế giới. Và chính Khan cũng từng thú nhận đã chuyển giao, phổ biến công nghệ hạt nhân cho CHDCND Triều Tiên, Iran và Libya.

 

Ở nước nào cũng vậy, chương trình phát triển hạt nhân thường do một nhóm người đảm nhiệm. Tuy nhiên trong chương trình đó luôn có một “nhân vật chính”, một cá nhân có khả năng xuất chúng dẫn dắt. Và nhân vật này thường được ca tụng như động lực thúc đẩy hay “cha đẻ” cho công cuộc phát triển hạt nhân ở nước đó.

 

“Với Pakistan và một số nước khác, họ đều có “Mr. Bomb””, Peter Beck, một nhà phân tích về CHDCND Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc, nhận xét. “Đến một lúc nào đó, nhân vật này sẽ lộ diện. Nhưng trong trường hợp của CHDCND Triều Tiên, chúng ta chỉ biết khi họ muốn để chúng ta biết mà thôi.”

 

Tuy nhiên, theo Joseph Bermudez, một nhà phân tích cấp cao thuộc Cơ quan thông tin Janes, chuyên nghiên cứu về quốc phòng và tình báo của Bình Nhưỡng, cho rằng vẫn “có một vài người đóng vai trò làm nòng cốt, và nếu không có sự thúc đẩy cũng như kinh nghiệm của họ, thì chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ không đạt được đến mức như ngày hôm nay.”

 

Có thể nói, chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã bắt đầu từ cuối thế chiến II. Trong số các nhà khoa học được xem là đã đặt nền móng cho chương trình hạt nhân đó sau năm 1945 có To Sang Rok và Lee Sung Ki. Hai nhân vật này từng theo học ở các trường đại học ở đất nước mặt trời mọc trong thời kỳ bán đảo Triều Tiên vẫn còn nằm dưới sự đô hộ của Nhật. Tuy nhiên, hiện nay cả hai đều không còn sống nữa.

 

Một nhân vật có ảnh hưởng lớn khác nữa là Seo Sang Guk. Trong những năm 1950 ông đã cùng với nhiều nhà khoa học của CHDCND Triều Tiên theo học ở Liên Xô. Được biết, ông hiện vẫn đang sống tại CHDCND Triều Tiên. “Ông ấy được coi là một thiên tài,” Hwang Jang Yop, kẻ đào tẩu từng giữ vị trí quan trọng trong Đảng lao động hiện nay của Triều Tiên, cho hãng AP biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

 

Ngoài ra, còn có một nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng khác, thường được báo chí nước ngoài gọi là Kyong Won Ha.

 

Tháng 4/2003, một tờ báo của Australia tiết lộ ông là một trong những chuyên gia hạt nhân chủ chốt của CHDCND Triều Tiên và miêu tả ông như vị “cha đẻ của chương trình hạt nhân” nước này. Mới đầu tờ báo cho biết ông Kyong đã tới Mỹ, nhưng sau đó lại đính chính ông ở Tây Ban Nha.

 

Thậm chí tờ nhật báo Asahi Shimbun của Nhật, năm 2005, còn cho đăng bài dài 9 kỳ nói về cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông Kyong. Theo tờ báo, thời trai trẻ, ông Kyong sống và học tập ở Hàn Quốc, sau đó là Brazil và Canada. Năm 1972 ông đã trở về CHDCND Triều Tiên.

 

Kim Tae-woo, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Học viên phân tích quốc phòng Triều Tiên tại Seoul cũng khẳng định Kyong đóng một vai trò “hết sức quan trọng” trong chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng. Và có lẽ hiện ông vẫn đang ở Triều Tiên.

 

Siegfried Hecker, cựu giám đốc Phòng thí nghiệm hạt nhân Los Alamos đã từng được đến thăm Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon bí mật của CHDCND Triều Tiên hồi tháng 1/2004. Theo ông, các nhà khoa học ông đã gặp ở đây “đều rất giỏi, và không có gì phải nghi ngờ về điều đó cả”. Song ông từ chối bình luận về một cá nhân xuất sắc nào đó được coi là “cha đẻ” chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

 

Còn đối với người dân CHDCND Triều Tiên, chỉ có một câu trả lời duy nhất cho câu hỏi trên: Đó là Chủ tịch Kim Jong-il.

 

HT

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm