1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai giết Tổng thống J.F. Kennedy?

Câu hỏi này được đặt ra vì nhiều người tin rằng Lee Harvey Oswald hành động theo lệnh của một tổ chức bí mật nào đó.

Trong gần 3.000 hồ sơ mật về vụ ám sát Tổng thống J.F. Kennedy mà Cục Dự trữ Liên bang quốc gia Mỹ (NA) công bố trên mạng chiều 26-10, một số tài liệu phản ánh nghi ngờ L.H. Oswald - người được cho là thủ phạm duy nhất trong vụ án cách nay 54 năm tại Dallas, bang Texas - từng làm việc cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Oswald cũng bị nghi ngờ hành động theo lệnh của cơ quan tình báo Liên Xô KGB.

Nhân viên CIA?

Tuy không khẳng định điều gì một cách rõ ràng song những tiết lộ kể trên đã hâm nóng các thuyết âm mưu lan truyền dai dẳng mấy chục năm qua xung quanh sự kiện Tổng thống J.F. Kennedy bị ám sát.


Sau 30 năm xảy ra vụ việc, năm 1993, người biểu tình yêu cầu điều tra lại vụ sát hại Tổng thống J.F. Kennedy Ảnh: SYGMA/CORBIS

Sau 30 năm xảy ra vụ việc, năm 1993, người biểu tình yêu cầu điều tra lại vụ sát hại Tổng thống J.F. Kennedy Ảnh: SYGMA/CORBIS

Theo các thuyết này, thủ phạm thật sự trong vụ án là một tổ chức tình báo khét tiếng. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết và câu hỏi "Ai là thủ phạm thật sự giết chết Tổng thống J.F. Kennedy" có lẽ mãi mãi không có câu trả lời một cách minh bạch.

Một trong những hồ sơ mới giải mật có ghi lại một cuộc trao đổi giữa Giám đốc CIA Richard Helms và luật sư David Belin, một thành viên Ủy ban Rockefeller (RC), về mối liên hệ có thể có giữa Oswald và CIA. Năm 1975, Tổng thống Gerald Ford cho thành lập RC để điều tra hoạt động của CIA ở Mỹ. Chủ nhiệm ủy ban này là phó tổng thống Nelson Rockefeller.

Sự ra đời của RC là nhằm làm sáng tỏ loạt bài báo đăng trên tờ The New York Times năm 1974 phanh phui những hoạt động trái phép của CIA ở Mỹ vào thập niên 1960, như: đọc lén thư tín, theo dõi hoạt động của các nhóm bất đồng chính kiến... Trong vụ án Tổng thống J.F. Kennedy, dường như CIA cũng đóng một vai trò nào đó mà RC phải điều tra làm rõ.

Một hồ sơ J.F. Kennedy tường thuật rằng David Belin từng chất vấn ông Helms quanh cáo buộc CIA dính líu đến vụ ám sát vị tổng thống. Luật sư này hỏi: "Thời Ủy ban Warren (điều tra về vụ ám sát Tổng thống J.F. Kennedy), có đúng là ông giữ chức vụ phó giám đốc kế hoạch?".

Sau khi Helms xác nhận là đúng, Belin truy tiếp: "Có thông tin nào liên quan đến vụ ám sát cho thấy Oswald dường như từng làm việc cho CIA hay cho…". Trang hồ sơ chỉ in đến đây thì bị ngắt đoạn. Các trang sau đó không được công bố nên không biết giám đốc CIA đã trả lời như thế nào.

Theo nhà báo Jon Austin viết trên tờ Express (Anh), việc cắt ngang đó đủ để làm những người theo thuyết âm mưu nổi cáu. Họ tin rằng với sự che giấu này - nói là giải mật nhưng hồ sơ đã bị chỉnh đốn, CIA chính là thế lực ngầm dùng Oswald để khử Tổng thống J.F. Kennedy cũng như từng âm mưu ám sát Chủ tịch Cuba Fidel Castro không dưới một lần từ năm 1960 đến 1963.

Tại sao CIA muốn khử Tổng thống J.F. Kennedy thì những người theo thuyết âm mưu không giải thích đến nơi đến chốn. Song, họ tin chắc rằng Oswald bị tay chủ quán bar Jack Ruby bắn chết 2 ngày sau là một kiểu "giết người diệt khẩu" nằm trong một kế hoạch đã được định sẵn. Theo Cục Điều tra Liên bang (FBI), Ruby là tên có số má trong giới mafia Mỹ. Lý do hắn giết Oswald là để trả thù cho Tổng thống J.F. Kennedy. Các thuyết âm mưu lại tin rằng Ruby hành động theo lệnh CIA.

Ủy ban Rockefeller cuối cùng đã kết luận rằng "không có chứng cứ nào đáng tin cậy cho thấy CIA tham gia vụ án Tổng thống J.F. Kennedy ". Cho nên, tấm màn bí mật bao phủ vụ án này có lẽ còn lâu lắm mới được vén lên.

Người của KGB?

Khá nhiều dữ kiện cho thấy Oswald có mối quan hệ với KGB. Từ đây, có giả thuyết cho rằng KGB đứng đằng sau vụ sát hại Tổng thống J.F. Kennedy.

Một hồ sơ vừa được giải mật đề ngày 23-11-1963 viết: "Theo một cú điện thoại nghe lén được ở TP Mexico, Oswald đã đến Đại sứ quán Liên Xô ngày 28-9-1963 gặp và nói chuyện với lãnh sự Valeriy Vladimirovich Kostikov". Theo CIA, Kostikov là điệp viên Liên Xô, công tác ở Cục 13 của KGB - một đơn vị được cho là chuyên trách nhiệm vụ ám sát ở nước ngoài.

Vậy có phải Oswald làm việc cho KGB? Yuri Nosenko, một sĩ quan cao cấp KGB đã đào ngũ sang Mỹ, từng khai báo trước Ủy ban Warren rằng Oswald chưa bao giờ làm việc cho KGB. Trong vụ án Tổng thống J.F. Kennedy, Nosenko tin rằng Oswald hành động một mình.

Tuy nhiên, lời khai của Nosenko không thuyết phục được người Mỹ. Theo The New York Times, Giám đốc CIA Richard Helms từng hoài nghi sự thành thật của Nosenko khi điều trần trước Ủy ban Hạ viện về vụ ám sát Tổng thống J.F. Kennedy (gọi tắt là CA). Ông ta nói: "Tôi không thể nuốt nổi (lời khai của Nosenko)".

Ông Tennent H. Bagley - đội trưởng đội phản gián CIA phụ trách khối Liên Xô, một trong những người móc nối lôi kéo Nosenko đào ngũ sang Mỹ - cũng không tin lời Nosenko. Một trong những hồ sơ giải mật là lá thư của Bagley gửi CA. Trong thư, ông ta xác nhận Nosenko từng là nhân viên KGB. Tuy nhiên, những gì Nosenko kể về Oswald khi ở Liên Xô là do KGB gợi ý.

Theo đó, Oswald không liên quan gì đến KGB. Bagley cho rằng việc này chứng tỏ KGB muốn che giấu điều gì đó, có thể là chuyện Oswald "thực sự có làm việc cho KGB".

Kỳ tới: Hồ sơ J.F. Kennedy và lòng tin

Sẽ sớm công bố số hồ sơ còn lại

Ngày 30-11 vừa qua, FBI cho biết đã cho phép công bố hơn 200 hồ sơ J.F. Kennedy mà Tổng thống Donald Trump quyết định hoãn lại 6 tháng vì lý do an ninh quốc gia. NA đã sẵn sàng công khai trên website của mình tất cả số hồ sơ này trong vài tuần tới, theo tin của báo Politico.

Trước đây, FBI và CIA đã yêu cầu ông Donald Trump hoãn công bố những hồ sơ đụng chạm đến các vấn đề tế nhị, như liên quan đến những nhân chứng còn sống. Tính mạng những người này có thể bị đe dọa nếu danh tính và nơi ở được công khai. Tổng thống Donald Trump đã quyết định hoãn lại 6 tháng. FBI cho biết sau khi rà soát lại nội dung, loại bỏ những chi tiết có thể xâm hại an ninh quốc gia hoặc tính mạng những người liên quan đến vụ Tổng thống J.F. Kennedy bị sát hại cách nay 54 năm, họ sẽ cho giải mật số hồ sơ còn lại sớm hơn dự kiến.

Theo Nguyễn Cao

Người lao động