1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ai Cập vội vã biểu quyết dự thảo Hiến pháp mới

(Dân trí) - Hội đồng Lập hiến Ai Cập hôm qua đã vội vã tiến hành biểu quyết về dự thảo Hiến pháp mới trong động thái nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất đang diễn ra tại nước này kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống tháng 6 vừa qua.

Ai Cập vội vã biểu quyết dự thảo Hiến pháp mới

Các thành viên Hội đồng Lập hiến biểu quyết về bản thảo cuối cùng của Hiến pháp mới trong phiên họp khẩn ngày hôm qua, 29/11/2012.


Trước 85 thành viên Hội đồng Lập hiến, 234 điều của dự thảo Hiến pháp đã được biểu quyết lần lượt. Những điều nào nhận được tối thiểu 2/3 số phiếu ủng hộ sẽ được thông qua, trong khi những điều không đạt tỷ lệ trên sẽ được thảo luận lại và thông qua nếu nhận được chấp thuận của 57% thành viên hội đồng.

Trong những điều đầu tiên của dự thảo Hiến pháp được thông qua, đáng chú ý có Điều 2, quy định Luật Hồi giáo Sharia sẽ là nguồn gốc chính của Hiến pháp, bên cạnh đạo Hồi là quốc giáo và tiếng Arập là ngôn ngữ chính thức.

Đây là một điều quan trọng, được giữ lại từ Hiến pháp trước vốn bị đình chỉ sau khi nhà lãnh đạo Hosni Mubarak bị lật đổ đầu năm 2011. Tất cả thành viên Hội đồng Lập hiến nhất trí với điều này.

Hội đồng cũng thông qua điều luật nói rằng các nguyên tắc tín ngưỡng hợp pháp của người Cơ Đốc giáo và Do Thái sẽ chỉ đạo các vấn đề cá nhân và tôn giáo của họ.

Cuộc biểu quyết dự thảo Hiến pháp được tiến hành vội vã trong bối cảnh chính trường Ai Cập đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6 vừa qua.

Phát biểu sau phiên bỏ phiếu, Tổng thư ký Hội đồng Lập hiến Amr Darrag nhấn mạnh giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ai Cập là hoàn tất bản Hiến pháp mới nhằm tránh những diễn biến tương tự đã từng xảy ra trong cuộc chính biến lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Mubarak.

Sau quá trình bỏ phiếu, dự thảo Hiến pháp sẽ được gửi tới Tổng thống Mohamed Morsi và nếu được Tổng thống chấp nhận, dự thảo sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân trong vòng hai tuần.

Trong khi đó, biểu tình và đụng độ vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương ở Ai Cập, đặc biệt là tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo để phản đối sắc lệnh mới đây của Tổng thống. Những người biểu tình tuyên bố sẽ bám trụ cho đến khi Tổng thống Morsi chịu rút lại sắc lệnh thâu tóm quyền lực hôm 22/11.

Đáp lại, Văn phòng Tổng thống Ai Cập cũng khẳng định sẽ không nhượng bộ người biểu tình, trong đó có cả các luật sư và thẩm phán. Dư luận lo ngại tình trạng bạo lực sẽ xảy ra khi các phái chính trị tự do hoặc đối lập phát động biểu tình lớn tại Cairo trong ngày hôm nay, ngày biểu tình thứ 7 liên tiếp kể từ khi sắc lệnh Hiến pháp được ban hành.

Đức Vũ
Theo AFP