1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Afghanistan mua Mi-35 Nga và “tiêu chuẩn kép” của Mỹ

Afghanistan đang tìm nguồn ngân sách để mua trực thăng Mi-35 của Nga, sau khi bị Washington cấm dùng viện trợ quân sự của Mỹ để trả cho Moscow.

Mĩ không cho Afghanistan dùng tiên viện trợ mua trực thăng Nga

Thủ tướng Afghanistan Abdullah Abdullah cho biết chính quyền nước này đang thảo luận với Nga việc mua các trực thăng đa năng Mi-35 mà họ thấy rất phù hợp với quân đội nước mình. Tuy nhiên, gói mua sắm này đang có nhiều khúc mắc trong vấn đề tài chính.

Theo hãng thông tấn Mỹ Bloomberg đưa tin hôm 4-2, Afghanistan đang thảo luận với Nga về việc mua các máy bay trực thăng Mi-35, nhưng nước này không thể sử dụng nguồn tiền viện trợ quân sự từ Mỹ và NATO để mua vì các điều khoản quy định của phương Tây.

Nhà lãnh đạo Afghanistan cũng nói rằng, Kabul không thể sử dụng nguồn tiền của Hoa Kỳ để mua máy bay trực thăng do biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt đối với Moscow, kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình hồi tháng 3-2014.

Thủ tướng Abdullah cũng cho biết thêm rằng, hiện Afghanistan và Nga đang thảo luận về vấn đề giá bán trực thăng, đồng thời cũng bàn bạc về giải pháp tìm kiếm ngân sách để hoàn tất hợp đồng mua sắm này.

Vào tháng 12-2015, đại biện lâm thời Afghanistan tại Nga Ahadzade Abdul Ghayyur tuyên bố rằng, quân đội nước này đang rất quan tâm tới trực thăng đa năng Mi-35, cũng như các xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và súng máy hạng nặng của Nga.

Trực thăng đa dụng Mi-35 là phiên bản xuất khẩu của Mi-24
Trực thăng đa dụng Mi-35 là phiên bản xuất khẩu của Mi-24

Phó Tổng thống Afghanistan Abdul Rashid Dostum cũng đã đề nghị Moscow cung cấp hỗ trợ quân sự để chiến đấu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nga cũng đã đưa ra những sự giúp đỡ cần thiết và có kế hoạch ký thêm hợp đồng cung cấp các trực thăng chiến đấu Mi-35.

Trước đó, Mỹ cũng đã “ngậm quả đắng” khi bị quân đội Afghanistan từ chối nhận trực thăng Chinook và ép phải mua hơn 60 chiếc máy bay trực thăng vận tải Mi-17 của Nga vì họ “thích dùng trực thăng của Nga”, do nó hiệu quả hơn trên chiến trường nước họ.

Ngoài ra Nga còn cung cấp thêm các vũ khí thông thường khác cho quân đội Afghanistan như súng máy, pháo hạng nặng, xe chiến đấu. Mới đây, Nga cũng mới cung cấp thêm cho quân đội nước này hơn 10.000 khẩu AK-47 để trang bi cho lực lượng lục quân.

Bất chấp các nhà chiến lược Mỹ đang nỗ lực duy trì chính quyền Afghanistan nằm trong quỹ đạo kiểm soát của mình, Kabul lại đang quay sang Nga, đề nghị hỗ trợ vũ khí để chống các lực lượng cực đoan, vốn ngày càng gia tăng sau khi Mỹ rời khỏi nước này.

Đề nghị này của Kabul là một đòn giáng mạnh vào Washington, khiến chính giới và báo giới Mỹ có những phản ứng “ngay lập tức”. Một số quan chức và nhà báo Mỹ cho rằng, Nga có thể sẽ “nắm lấy” cơ hội này và tạo thêm một lý do để đối đầu với Mỹ.

Một chiếc trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất trong biên chế không quân Afghanistan
Một chiếc trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất trong biên chế không quân Afghanistan

Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại có một cái nhìn thấu đáo hơn. Họ tin rằng, chính sách đối ngoại mới của Moscow sẽ khiến các nhà chính trị Afghanistan xem Nga là một đồng minh mới đáng tin cậy hơn, trong bối cảnh quân đội phương Tây rút dần khỏi nước này.

Mỹ cấm nhưng vẫn mua máy bay trực thăng Nga cho Afghanistan

Hiện nay Mỹ đang áp đặt lệnh trừng phạt với Nga trong lĩnh vực quân sự, nhưng trong một số thương vụ, Mỹ đã thản nhiên gỡ bỏ trừng phạt này để phục vụ lợi ích của mình, ví dụ như trong việc mua sắm các động tên lửa đẩy vệ tinh hay ngay cả trong việc mua sắm vũ khí cho Afghanistan.

Tháng 12-2015, Mỹ phải chấp nhận dỡ bỏ một phần biện pháp trừng phạt về kỹ thuật quân sự với Nga để "nhờ" Moscow bảo dưỡng máy bay trực thăng Mi-17V-5, mà trước đó Mỹ đã phải “cắn răng” chấp thuận ký hợp đồng với Nga để cung cấp cho quân đội Afghanistan.

Theo tạp chí US Federal Register của Mỹ, văn bản quyết định dỡ bỏ trừng phạt cho thấy, Nhà Trắng đã tạm đình chỉ các biện pháp trừng phạt nhà xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, trong việc mua các phụ tùng thay thế và thực hiện các công đoạn bảo dưỡng cho máy bay trực thăng Mi-17.

Quyết định dỡ bỏ trừng phạt kể trên có hiệu lực 2 năm kể từ ngày ký nhưng còn “thòng” thêm một ghi chú là quyết định này có thể được hủy bỏ nếu có quyết định khác thay thế.

Sâu khi Afghanistan từ chối nhận trực thăng vận tải hạng nặng Chinook, Mỹ đã buộc phải ký hai hợp đồng mua máy bay trực thăng Mi-17 với Nga để cung cấp cho quân đội nước này, với tổng số 63 chiếc đã được bàn giao trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2014.

Hợp đồng Mi-17 là chủ đề tranh cãi gay gắt giữa Nhà Trắng, Lầu Năm Góc với quốc hội Hoa Kỳ. Nghị viện nước này và thậm chí là chính quyền Washington cũng biết rằng hành động mua máy bay trực thăng Mi-17 Nga cho Afghanistan khác nào hành động đầu tư cho "kẻ thù tiềm năng".

Bản thân Bộ quốc phòng Mỹ không muốn phải hợp tác quân sự với Nga, cũng như “tiếc” số tiền viện trợ quân sự phải chi cho chính quyền Kabul mua lượng máy bay lớn của Moscow, mà không thèm dùng Chinook của mình.

Tuy nhên, phi công Afghanistan khẳng định họ chỉ muốn lái máy bay Nga và cũng chỉ có trực thăng Nga mới phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở nước này, do đó Mỹ buộc phải chi hơn 1,5 tỷ USD để mua 63 chiếc Mi-17V-5 của nhà máy chế tạo hàng không Kazan.

Mỹ buộc phải nới trừng phạt Nga để bảo dưỡng máy bay Mi-17 cho Afghanistan
Mỹ buộc phải nới trừng phạt Nga để bảo dưỡng máy bay Mi-17 cho Afghanistan

Ông Mikhail Khodarenok, chủ bút tờ Voenno-Promyshlennyi Kurier (một tờ báo phân tích công nghệ quân sự của Nga) giải thích rằng, có khả năng là Afghanistan đã gây áp lực với Mỹ buộc Washington phải nới lỏng lệnh trừng phạt Moscow để Nga cung cấp dịch vụ bảo trì và sửa chữa.

Về vấn đề ngân sách mua sắm các trực thăng Mi-35, do Mỹ không cho Afghanistan dùng tiền viện trợ quân sự của mình để mua, nên Nga có thể dùng biện pháp lách luật là ủy thác mua sắm cho một bên thứ 3 không bị cấm vận, ví dụ như Ấn Độ.

Cuối tháng 12-2015, Afghanistan đã nhận được 4 chiếc máy bay trực thăng tấn công Mi-25 (một biến thể của Mi-24 Hind) do Nga chế tạo, được cung cấp từ Ấn Độ. Quyết định này được thông qua trong chuyến thăm New Dehli của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hôm 8-12-2015.

Do đó, một số nhà phân tích cho rằng, Nga có thể thông qua trung gian là Ấn Độ để cung cấp các trực thăng tấn công của mình cho Afghanistan và Kabul có thể ung dung dùng tiền của Mỹ để trả cho Moscow mà Mỹ khó có thể làm gì được. Hoặc nếu không 2 bên có thể dùng phương pháp “hàng đổi hàng”.

Theo Toàn Thắng

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm