8.500 binh sĩ Mỹ chờ lệnh triển khai tới Đông Âu
(Dân trí) - Mỹ đã đặt 8.500 binh sĩ vào tình trạng báo động cao, sẵn sàng triển khai đến Đông Âu, trong bối cảnh biên giới Ukraine - Nga leo thang căng thẳng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 24/1, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã chỉ đạo đặt 8.500 binh sĩ vào tình trạng báo động cao, sẵn sàng triển khai đến Đông Âu trong trường hợp NATO quyết định kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh để đối phó với tình hình Ukraine hiện nay.
"Mỹ đã nâng cao mức độ sẵn sàng của lực lượng trong nước và ở nước ngoài để có thể sẵn sàng đối phó với các tình huống cấp bách, trong đó bao gồm hỗ trợ lực lượng phản ứng nhanh của NATO nếu lực lượng này được kích hoạt", ông Kirby nói. Ông cho biết thêm, lực lượng phản ứng nhanh của NATO gồm khoảng 40.000 binh sĩ đa quốc gia.
Đến cuối ngày 24/1, Mỹ chưa có quyết định về việc triển khai lực lượng. Trước đó, các nguồn thạo tin cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp hoàn tất quá trình xác định các đơn vị quân sự cụ thể mà Washington muốn điều động đến Đông Âu.
Không tiết lộ về địa điểm mà lực lượng của Mỹ có thể triển khai, nhưng ông Kirby cho biết, Washington đã tuyên bố rõ với các đồng minh ở sườn đông châu Âu rằng Mỹ sẵn sàng giúp họ tăng cường năng lực quân sự nếu cần.
"Trong trường hợp NATO kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh hoặc tình hình an ninh diễn biến xấu, Mỹ sẵn sàng nhanh chóng triển khai các nhóm tác chiến, các nguồn lực y tế, hàng không, tình báo, trinh sát, vận tải ở châu Âu", ông Kirby nhấn mạnh.
Ông Kirby nhấn mạnh, mục đích của việc tăng cường lực lượng quân sự tại Đông Âu là nhằm tạo ra sự răn đe (với Nga) và trấn an đồng minh, mà không có dấu hiệu nào cho thấy binh sĩ Mỹ sẽ được triển khai đến Ukraine hay tham gia vào bất cứ nhiệm vụ tác chiến nào. Tuy nhiên, ông cho biết, Mỹ đã cử một số cố vấn quân sự tới Ukraine.
Tổng thống Biden được cho là đã thảo luận với các quan chức cấp cao của quân đội về các phương án nhằm tăng cường quy mô hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Đông Âu và khu vực Baltic. Ông Biden cũng điện đàm với các lãnh đạo châu Âu để hợp tác, tham vấn về phương án đối phó việc Nga tăng cường hiện diện quân sự sát Ukraine.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh phương Tây lo ngại Nga đang chuẩn bị cho một hành động quân sự với Ukraine khi triển khai hơn 125.000 binh sĩ và khí tài đến sát biên giới Ukraine.
Bất chấp Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc này, một số nước phương Tây đã rục rịch cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời rút bớt nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine. Mỹ và Anh đã bắt đầu rút một số nhân viên ngoại giao của đại sứ quán ở Kiev sau khi chuyển các lô vũ khí cho Ukraine hồi tuần trước. Trong khi đó, các đồng minh châu Âu tuyên bố sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có nếu Nga "động binh" với Ukraine.