1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

7 lí do khiến Donald Trump sẽ tung 10.000 quân sang Syria

Lầu Năm Góc muốn chính quyền Donald Trump điều thêm lính Mỹ đến Syria giúp đỡ người Kurd đẩy mạnh cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Lầu Năm Góc muốn triển khai thêm quân ở Syria

Kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 18/1 cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ trình bày một kế hoạch mới lên chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump, hy vọng điều này sẽ cho phép Mỹ đẩy nhanh cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

CNN dẫn nguồn tin từ một quan chức quân sự Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc tin rằng tổ chức Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) mà nòng cốt là lực lượng vũ trang của người Kurd Syria là lực lượng duy nhất có năng lực quân sự và chính trị để đánh bại IS, đặc biệt là tại thành phố Raqqa.

Một trong các tùy chọn trong kế hoạch của Lầu Năm Góc là Mỹ có thể gửi hàng ngàn binh sĩ tới Syria để hỗ trợ người Kurd chiếm thành phố Raqqa. Tuy nhiên, cùng lúc đó, CNN lưu ý rằng số binh lính Mỹ được triển khai tới Syria sẽ phụ thuộc vào nhiều vấn đề.

Đầu tiên là tiến độ thực hiện kế hoạch cung cấp trang bị vũ khí và huấn luyện cho SDF, do liên minh quân sự, đứng đầu là Mỹ thực hiện.

Hiện nay, SDF có khoảng 50.000 tay súng, trong đó có hơn 27.000 chiến binh của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG). Ngoài ra, Liên minh các tay súng Ả Rập Syria của SDF bao gồm khoảng 23.000 quân hỗn hợp, trong đó cũng có không ít người Kurd.

Theo CNN, Lầu Năm Góc có thể đặt một số đơn vị chiến đấu biên chế ngang cấp Lữ đoàn của lục quân Mỹ, mỗi đơn vị sẽ có biên chế khoảng 4.000 quân. Như vậy, tổng số binh lính mà Washington triển khai trong đợt này ở Syria sẽ vào khoảng 10.000 quân.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ sẽ không trực tiếp tham gia tái chiếm thành phố, mà sẽ chỉ hoạt động bên ngoài Raqqa, thực hiện các cuộc không kích, tấn công hỏa lực, trinh sát chỉ thị mục tiêu, kiểm soát các tuyến đường và trấn thủ các thị trấn xung quanh Raqqa.

Mỹ sẽ điều quân sang giúp người Kurd đánh chiếm Raqqa
Mỹ sẽ điều quân sang giúp người Kurd đánh chiếm Raqqa

Được biết, lực lượng vũ trang của SDF tuyên bố mở chiến dịch giải phóng Raqqa bắt đầu từ ngày 5/11/2016. Theo thông báo, cuộc tấn công trên mặt đất chỉ do người Kurd thực hiện, Không quân Mỹ chịu trách nhiệm hỗ trợ hỏa lực không kích.

Người Kurd ở Syria mở chiến dịch giải phóng Raqqa nửa tháng sau khi lực lượng vũ trang Iraq mà nòng cốt là lực lượng người Kurd Iraq (Peshmerga) cũng mở chiến dịch giải phóng Mosul - thành phố lớn thứ 2 và cũng được coi là thủ phủ của IS ở Iraq.

Trong chiến dịch này, Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd sử dụng khoảng 30.000 tay súng để tấn công đánh chiếm các cứ điểm ngoại ô, không triển khai tấn công ồ ạt mà tiến hành bao vây thành phố và dần dần đánh bật các lực lượng đồn trú của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ra ngoài.

Hôm 18/1, SDF cũng thông báo rằng, kể từ khi bắt đầu Chiến dịch Cơn thịnh nộ Euphrates (Euphrates Wrath), họ đã giải phóng 3.200 km vuông lãnh thổ Syria, trong đó có 236 làng, giết chết hơn 620 tay súng IS và giải phóng hàng nghìn người dân ở nông thôn miền Tây Raqqa.

7 lí do khiến Trump chấp thuận điều thêm quân sang Syria

CNN cũng cho biết, quyết định triển khai thêm binh sĩ Mỹ đến khu vực người Kurd kiểm soát ở xung quanh thành phố Raqqa - thủ phủ của IS ở Syria sẽ chỉ được thực hiện nếu chính quyền của ông Donald Trump chấp thuận.

Giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc hiểu rằng, việc đưa quân sang hỗ trợ người Kurd là một hành động chắc chắn sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận, bởi chính quyền của ông Recep Tayip Erdogan luôn coi SDF như một phần của Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Trong khi chính quyền Ankara xếp PKK là một tổ chức khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ thì giới chức lãnh đạo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc luôn khẳng định rằng, SDF chỉ là một lực lượng địa phương Syria, có đủ khả năng để đánh bại khủng bố IS ở thành phố Raqqa.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ là ông James Mattis nói rằng chính phủ mới sẽ cố gắng đẩy nhanh chiến dịch Raqqa. Ông này cũng cho rằng, chiến lược Syria cần phải được xem xét lại và Mỹ có thể tăng cường lực lượng trong khoảng thời gian ngắn tới.

Đồng thời, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Elissa Slotkin thêm rằng mục tiêu cuối cùng của chiến dịch là để bao vây, cô lập thành phố Raqqa. "Các tướng lĩnh Mỹ đang có một kế hoạch, đó là bao vây, cô lập Raqqa, đây sẽ là phương án hiệu quả nhất - Slotkin lưu ý.

Theo đó, các tay súng dân quân người Kurd sẽ trực tiếp tham chiến và lực lượng thuộc các nhóm dân quân người Arab của SDF sẽ là những người cuối cùng tiến vào Raqqa, bởi thành phố chủ yếu là người Ả Rập" - CNN dẫn lời các quan chức của Lầu Năm Góc.

Theo giới phân tích, ông Trump sẽ phải phê duyệt quyết định này của Lầu Năm Góc, bởi những lí do sau:

Thứ nhất là chiến dịch giải phóng Raqqa của người Kurd đang tiến triển thuận lợi, cơ hội thành công là rất cao, trong bối cảnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS đang phải căng sức trên nhiều chiến trường. Là người thực dụng, hẳn ông Trump hiểu rõ điều này.


Người Kurd hiện được coi là lực lượng chống khủng bố IS hiệu quả nhất

Người Kurd hiện được coi là lực lượng chống khủng bố IS hiệu quả nhất

Thứ 2: Việc binh lính Mỹ triển khai đến Syria lần này được sự đồng thuận của nhiều quan chức trong chính quyền ông Trump, ví dụ như tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, hơn nữa dư luận Mỹ cũng sẽ không quá căng thẳng do quân đội nước này chỉ đảm nhận nhiệm vụ phục vụ, bảo đảm, khó gây ra những tổn thất lớn về con người.

Thứ 3: Nếu Donald Trump từ chối gửi thêm quân sang Syria giúp đỡ người Kurd sẽ là đòn đánh vào chính ông ta bởi giới tinh hoa chính trị Washington sẽ không bỏ lỡ cơ hội này để tiếp tục quy chụp tân Tổng thống Mỹ tiếp tay cho Nga để hạ bệ uy thế của Hoa Kỳ ở Syria, gây thêm nhiều khó khăn trong bối cảnh ông vừa nhậm chức.

Thứ 4: là nếu giúp người Kurd giành lại được Raqqa, uy tín của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc sẽ lên rất cao, đánh dạt uy tín và ảnh hưởng lớn của Moscow, sau khi lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga hỗ trợ Quân đội Syria đánh chiếm thành công thành phố Aleppo.

Thứ 5: Thỏa thuận ngừng bắn giữa SAA và phe đối lập Syria vừa qua đạt được dưới sự bảo lãnh của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã gạt Mỹ “ra rìa”, đồng thời người Kurd cũng không được mời tham dự. Nếu Mỹ giúp họ giành được Raqqa, Mỹ và YPG mới là người có công lớn nhất trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thứ 6: Việc người Kurd đánh chiếm thành công cứ địa Raqqa cũng đồng nghĩa với việc đuổi vài chục ngàn tay súng IS tràn sang đánh Aleppo, Deir Ezzor và Homs, gây thêm nhiều khó khăn cho quân đội Syria, trong khi vài chục nghìn phiến quân đối lâp ở Idlib đang là mầm họa không nhỏ.

Thứ 7: Mục đích quan trọng nhất trong hành động của Washington là việc người Kurd giành được thêm càng nhiều đất đai cũng đồng nghĩa với việc khu tự trị của họ sẽ ngày càng rộng hơn, sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ càng được mở rộng, lãnh thổ chính quyền Assad sẽ càng thu hẹp lại.

Lí do thứ 7 này sẽ được chúng ta sẽ tìm hiểu trong một bài viết riêng.

Theo Thiên Nam

Đất Việt