1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

6 thách thức trong quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật

Cách Tokyo và Washington lựa chọn để giải quyết những thách thức trong quan hệ đồng minh của mình sẽ góp phần định hướng trật tự khu vực trong tương lai.

Mỹ, Nhật cần tham vấn để đảm bảo quan hệ không bị rạn nứt. (Nguồn: AP)
Mỹ, Nhật cần tham vấn để đảm bảo quan hệ không bị rạn nứt. (Nguồn: AP)

Hitoshi Tanaka, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản đã nhận định như vậy trong bài viết đăng trên East Asia Forum ngày 15/2. Báo Thế giới & Việt Nam xin lược dịch bài viết.

Trong năm 2016, trật tự khu vực Đông Á sẽ tiếp tục bất ổn. Do đó, một câu hỏi quan trọng được đặt ra là hợp tác Mỹ-Nhật sẽ vận hành như thế nào để vừa giải quyết được những thách thức, vừa nắm lấy những cơ hội trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy?

Hiện nay, có sáu vấn đề gai góc có thể làm suy yếu sự hợp tác Mỹ-Nhật. Việc Mỹ và Nhật Bản tham vấn và hợp tác thận trọng là cần thiết để bảo đảm những thách thức này không tạo ra vết rạn nứt trong quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm.

Vai trò lãnh đạo của Mỹ

Thách thức thứ nhất là tương lai lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Thế giới đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như các dấu hiệu về đường lối chính sách đối ngoại của vị Tổng thống Mỹ kế tiếp. Sự chia rẽ, tranh luận trong nước Mỹ liên quan tới cuộc bầu cử đang làm tổn hại tới uy tín lãnh đạo toàn cầu của nước này.

Có thể nói, vai trò lãnh đạo của Mỹ rất quan trọng để duy trì và tăng cường các giá trị tự do, cũng như sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Đông Á. Mỹ, Đông Á và thế giới cần một Tổng thống Mỹ có khả năng lãnh đạo toàn cầu dựa trên sự tham vấn và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của Washington.

Thách thức thứ hai liên quan tới các hiệp định thương mại khổng lồ trong khu vực, bao gồm cả Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hoàn tất vào tháng 10/2015. Trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực khởi động Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) để bảo trợ cho sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với ASEAN và 6 quốc gia khác, TPP có ý nghĩa quan trọng đối với sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho vai trò lãnh đạo khu vực của Mỹ trong tương lai. TPP không chỉ đơn giản là phương tiện để thúc đẩy thương mại, mà còn là phương tiện để hình thành các quy tắc quản lý kinh tế của thế kỷ 21 cũng như thúc đẩy các nguyên tắc thị trường tự do trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việc Indonesia lựa chọn Trung Quốc thay vì Nhật Bản là nhà thầu cho dự án tàu cao tốc nối Jakarta và Bangdung tháng 9/2015 là một ví dụ cho thấy vai trò kinh tế của Nhật Bản hay Mỹ trong khu vực đang bị đe dọa. Vì vậy, việc Mỹ, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế tham gia các sáng kiến kinh tế của Trung Quốc để hướng nước này tới những thông lệ quốc tế tốt nhất là rất quan trọng. Mỹ cũng nên hướng Trung Quốc tham gia vào những tổ chức kinh tế do mình đứng đầu. TPP có một điều khoản mở nhằm tạo ra một quy trình rõ ràng và minh bạch, thông qua đó, các nước khác như Trung Quốc, Indonesia và Hàn Quốc có thể tham gia trong tương lai. Mỹ và Nhật Bản nên tích cực thúc đẩy việc mở rộng thành viên TPP, đặc biệt là với những nước này.

Vấn đề phi quân sự hóa Biển Đông

Thứ ba là Mỹ và Nhật Bản cần nỗ lực phi quân sự hóa Biển Đông. Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã đi ngược lại các nỗ lực thương lượng hòa bình về một giải pháp ngoại giao cho các tranh chấp lãnh thổ hiện nay. Khả năng diễn ra các hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo trong thời gian tới cũng như những nỗ lực của Trung Quốc thực thi vùng cấm bay sẽ đẩy nguy cơ quân sự hóa ở Biển Đông lên cao.

Việc Trung Quốc tăng cường xây dựng quân sự ở Biển Đông chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, dẫn tới nguy cơ xảy ra đụng độ bất ngờ. Cho tới khi Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được một giải pháp ngoại giao, điều quan trọng là tất cả các bên phải cảnh giác trước những thay đổi khó lường của Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ và Nhật Bản phải phối kết hợp để thuyết phục Trung Quốc rằng tự do hàng hải tại tuyến đường biển quan trọng đối với thương mại cũng như an ninh năng lượng khu vực Đông Á là lợi ích chung của tất cả các bên.

Thứ tư là vấn đề Triều Tiên. Ngày 6/1/2016, Triều Tiên đã tiến hành thử thiết bị hạt nhân lần thứ tư. Do vậy, cộng đồng quốc tế phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc cũng vậy. Bên cạnh đó, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ phải tăng cường hợp tác và thông qua một cách tiếp cận thống nhất về chính sách đối với Triều Tiên, đồng thời lên kế hoạch dự phòng chung. Ba quốc gia này cũng cần phải tham khảo ý kiến của Trung Quốc và Nga để tạo thành một mặt trận thống nhất. Việc khởi động lại ngay lập tức quá trình phi hạt nhân hóa thông qua đàm phán sáu bên có thể khó khăn, nhưng nếu không có biện pháp đúng đắn thì sẽ chẳng đạt được gì trong vấn đề này.

Thứ năm, Mỹ và Nhật Bản cần phối hợp chính sách đối với Nga. Kể từ khi trở lại nắm quyền năm 2012, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tỏ rõ quyết tâm giải quyết vấn đề lãnh thổ phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Nam Kuril), vấn đề này là “hòn đá cản đường” việc hai nước bình thường hóa quan hệ sau thế chiến II. Sau đó, do Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào tháng 3/2014 nên kế hoạch đàm phán về quần đảo Nam Kuril bị tạm ngừng. Kể từ đó, Nhật Bản bị mắc kẹt trong nghĩa vụ quốc tế và áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga. Tuy nhiên, Nhật Bản cần nắm bắt cơ hội để đạt được một thỏa thuận về vấn đề lãnh thổ phương Bắc. Hơn nữa, Mỹ và Nhật Bản phải duy trì phối hợp chặt chẽ và không cho phép Nga sử dụng vấn đề lãnh thổ phương Bắc gây chia rẽ hai nước đồng minh.

Thứ sáu là căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa. “Cuộc chiến” giữa chính quyền tỉnh Okinawa và Chính phủ trung ương Nhật Bản liên quan đến việc di dời căn cứ không quân Mỹ vẫn bế tắc. Mỹ và Nhật Bản vẫn cần phải tiến hành các cuộc trao đổi ý kiến nghiêm túc vì nếu không thể xử lý được vấn đề nhạy cảm này, những cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện của Mỹ sẽ tiếp tục là một "cái gai" trong quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật.

Như vậy, sự tham vấn giữa hai đồng minh Mỹ - Nhật cần phải được triển khai liên tục. Cách mà Tokyo và Washington lựa chọn để giải quyết những thách thức trên sẽ góp phần định hướng trật tự khu vực trong thời gian tới.

Theo Hằng Phạm

Thế giới và Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm