1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Biển Đông: Mỹ-Nhật có chặn được bàn tay Trung Quốc?

Việc Mỹ-Nhật tăng cường tuần tiễu trên biển Đông cũng không chắc đã ngăn chặn được bàn tay Trung Quốc, bởi Mỹ còn tính đến mối quan hệ lợi ích Trung-Mỹ.

Mỹ tăng cường máy bay tuần tiễu, tàu chiến trên biển Đông

Biển Đông: Mỹ-Nhật có chặn được bàn tay Trung Quốc?
 
Hôm 18-7, chỉ huy mới của Hạm đội Thái Bình Dương là Đô đốc Hải quân Mỹ Scott Swift đã thực hiện chuyến bay tuần tra trên vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ở Biển Đông. Vị tân tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương tuyên bố điều này hôm 20-7 tại Seoul.

Ông Swift đã ngồi trên chiếc máy bay trinh sát chống ngầm P-8A Poseidon, thực hiện chuyến bay trinh sát liên tục trong bảy giờ đồng hồ liền. Điều này được vị Đô đốc gọi là "thói quen". Nó báo hiệu một điều rằng, những chuyến tuần tra kiểu này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Đây là chuyến bay thứ hai của loại máy bay tuần tiễu hàng hải Boeing P-8A Poseidon Mỹ - được mệnh danh là sát thủ tàu ngầm Trung Quốc - trên khu vực mà Bắc Kinh ngang ngược coi là lãnh thổ của mình. Tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở đây có Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Trước đó, chiều ngày 20 tháng 5, chiếc máy bay trinh sát loại này của không quân Mỹ, trên đó có các nhà báo CNN đã thực hiện chuyến tuần tiễu đầu tiên, trên khu vực Trung Quốc đang nạo hút cát, cải tạo đất đá để xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.

Chiến hạm Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận trên biển
Chiến hạm Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận trên biển

Khi đó, các lực lượng hải quân của Trung Quốc 8 lần yêu cầu phi công Mỹ phải rời khỏi vùng trời gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Nam Sa). Tuy nhiên, chiếc máy bay Mỹ đã phớt lờ những cảnh báo đó, tiếp tục tuần tra nhiều giờ trên vùng biển đó.

Trong khi đó, các nguồn Hoa Kỳ cho biết rằng Hoa Kỳ đang xem xét khả năng thực hiện các chuyến bay do thám gần sát hơn với vùng đảo tranh chấp. Và không loại trừ khả năng tàu chiến của Mỹ sẽ tiếp cận ở khoảng cách chỉ vài km, nằm trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là vùng lãnh hải (trái phép) 12km.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, có vẻ Mỹ đã chuyển từ lời nói sang hành động. Vị tân tư lệnh của Hạm đội Thái Bình Dương trực tiếp tham gia chuyến bay khảo sát, và cuộc do thám được gọi là "thói quen" nói lên rằng cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông đã lên một cấp độ mới.

Chuyên gia quân sự Nga Konstantin Sivkov bình luận, hành động này sẽ gieo rắc thêm căng thẳng trên Biển Đông. Đối với Trung Quốc, những hành động này chỉ có nghĩa là, nếu Bắc Kinh cố gắng giải quyết vấn đề bằng vũ lực, Washington sẽ sử dụng lực lượng quân sự chống lại Trung Quốc.

Mỹ sẽ tăng cường máy bay, tàu chiến đến Biển Đông
Mỹ sẽ tăng cường máy bay, tàu chiến đến Biển Đông

Gần đây, South China Morning Post của Hồng Kông dẫn lời ông Scott Swift lưu ý rằng nếu cần thiết, Hoa Kỳ sẵn sàng phái tới Biển Đông ít nhất bốn tàu chiến trong trường hợp căng thẳng bùng phát. Họ cũng rất quan tâm đến việc mở rộng các cuộc tập trận thường niên với các đồng minh ở đó, có thể với cả Nhật Bản.

Nhật tăng cường hiện diện, giám sát hành động Trung Quốc

Sau khi Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, Đô đốc Scott Swift đã bay trên vùng biển tranh chấp hôm 18-7, ngay ngày hôm sau, phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đăng tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.

Ông Thường đã nhấn mạnh việc "cần thiết phải đẩy mạnh tốc độ phát triển Cảnh sát biển của Trung Quốc", tăng cường các tàu tuần tiễu hạng nặng, gia tăng các hoạt động giám sát biển trên các vùng biển đang tranh chấp và kêu gọi cải thiện công nghệ thông tin giám sát biển.

Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Viễn Đông Victor Pavlyatenko cho biết, dường như đây là phản ứng của Trung Quốc với quyết định của Hạ viện Nhật Bản, thông qua nghị quyết về vấn đề mở rộng quyền hạn hoạt động quân sự của lực lượng phòng vệ nước này ở nước ngoài.

Trước đó vài ngày, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua gói sửa đổi luật trong lĩnh vực quốc phòng, theo đó lần đầu tiên sau Thế chiến II, quân đội Nhật Bản được quyền tham gia chiến sự ở nước ngoài. Đây là sự mở rộng rất lớn về quyền hạn, đánh dấu bước chuyển của lực lượng quân sự Nhât Bản.

Trong điều luật, một trong những biện pháp đáng chú ý được nêu là điều khoản phái quân nhân, đặc biệt phái máy bay tuần tiễu hàng hải, phối hợp với Mỹ đi trinh sát vùng Biển Đông. Ngoài ra, quân đội nước này còn được phép hiện diện trong các căn cứ quân sự nước ngoài để tham gia hoạt động chung.

Theo báo chí Nhật Bản, điều đó được thực hiện để theo dõi hành động của Trung Quốc, mà trước hết là đối với hành động xây đảo san hô và bãi đá ngầm phi pháp, nhằm thay đổi hiện trạng biển Đông trái phép mà Bắc Kinh đang ráo riết thực hiện.

Trung Quốc coi trách nhiệm trực tiếp là đối phó với điều luật này, Bộ trưởng quốc phòng nước này đã tuyên bố như vậy. Trước đó, Bắc Kinh đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và lo lắng trước hành động của Tokyo, cho rằng Nhật Bản “vi phạm cân bằng lực lượng trong khu vực”.

Theo phó chủ tịch Học viện Các vấn đề địa chính trị Konstantin Sivkov, chuyến bay của đô đốc Scott Swift và hành động của quốc hội Nhật Bản đã gia tăng căng thẳng trong cấp độ đối đầu giữa Mỹ và đồng minh, với Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhật sẽ điều máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion đến biển Đông
Nhật sẽ điều máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion đến biển Đông

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định là, sẽ không có đụng độ quân sự nào xảy ra trên Biển Đông, bởi trong bối cảnh Trung Quốc đang bối rối trước phiên tòa xét xử do Tòa án trọng tài quốc tế ở Hague thụ lý, trong vụ kiện mà Philippines đã khởi xướng chống lại nước này, Bắc Kinh sẽ không dại gì đổ thêm dầu vào lửa.

Biển Đông không phụ thuộc vào máy bay, tàu chiến mà quyết định bởi quan hệ Trung-Mỹ

Vị chuyên gia này cho rằng, Trung Quốc sẽ không đi đến hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, liên quan đến việc tiêu diệt các thiết bị bay trong vùng tranh chấp. Nguyên nhân cũng bởi Mỹ và Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận nguyên tắc về quy tắc ứng xử trên không, trên biển và trên đất liền.

Những căng thẳng trong quan hệ với Mỹ đã khiến Trung Quốc phải cử một phái đoàn quân sự cao cấp gồm 4 thượng tướng, do ông Phạm Trường Long - Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương dẫn đầu sang thăm Washington nhằm “nâng cao sự hiểu biết, tìm kiếm sự thống nhất trong tránh đối đầu quân sự trên Biển Đông”.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ đầu tháng 6 vừa qua của ông Phạm Trường Long - Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, các quan chức quân sự cao cấp của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa thuận về cơ chế tương tác trong lĩnh vực quân sự.

Nhật sẽ điều máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion đến biển Đông
Đại tướng Raymond Odierno, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ và Thượng tướng Phạm Trường Long trong lễ ký kết hợp tác quân sự

Đây được các quan sát viên quốc tế coi là một “bước tiến lớn” trong quan hệ giữa hai nước, là tiền đề thành công cho những thỏa thuận khác trong khuôn khổ vòng 5 và vòng 6 của “đối thoại chiến lược và kinh tế” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nó phản ánh thực tế là Washington và Bắc Kinh vẫn đang cần nhau.

Cần lưu ý rằng, đây là văn bản chính thức đầu tiên về hợp tác quân sự giữa hai nước trong những năm qua. Dự kiến, sắp tới Mỹ và Trung Quốc có thể tổ chức các cuộc tập trận chung với sự tham gia của lực lượng hải-không quân hai nước, nhằm thông qua quy tắc ứng xử trên không, trên biển và trên đất liền.

Theo các nhà phân tích, những thỏa thuận đạt được của Mỹ và Trung Quốc phản ánh mối quan hệ “vừa xung đột, vừa mặc cả”, thể hiện rõ xu hướng chủ đạo trong quan hệ giữa 2 cường quốc này là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”; “vừa kìm chế lẫn nhau nhưng lại phụ thuộc không thể tách rời”.

Có nhiều khả năng, kết quả của “trận đấu” này sẽ là một kiểu phân chia ảnh hưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giữa một bên là Mỹ với đồng minh và bên kia là Trung Quốc.

Washington, Nhật Bản sẽ vẫn phản đối nhưng mọi chuyện có dừng lại ở đó?

Theo Thiên Nam
Đất Việt
 
Nhật sẽ điều máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion đến biển Đông

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm