500 tấn vàng của nước Nga đang ở đâu?
Trong một thời gian dài, người Nga dường như quên bẵng họ từng có một kho tàng khổng lồ nằm rải rác ở nhiều nước phương Tây từ giai đoạn sau thế chiến thứ nhất. Nhưng bây giờ, họ bắt đầu nhớ đến kho tàng này và mong mỏi một ngày nào đó “châu về hợp phố”.
Vấn đề kho tàng của nước Nga được gợi lên khi cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev ký một văn bản thỏa thuận tại Paris với Chính phủ Pháp. Theo đó, Liên Xô là chủ kế thừa hợp pháp tất cả di sản của các đời Nga hoàng trước kia, kể cả tài sản của những chính phủ kế tục có trên lãnh thổ Liên bang Xô Viết, tính từ cột mốc tháng 11/1991 trở về trước.
Tài sản cầm cố cho người Anh
Năm 1992, cũng tại Paris, Tổng thống Nga Boris Yeltsin tái xác nhận công bố trên của Gorbachev. Hiện nay, kho tàng được xem là khổng lồ của nước Nga nằm ở hải ngoại là bao nhiêu? 500 tấn vàng! Quả thật khó có thể làm ngơ trước một tài sản có giá trị lớn đến như vậy.
Chính phủ Nga hoàng bắt đầu những chuyến vận chuyển vàng đến nước Anh vào tháng 10/1914. Trị giá của số lượng vàng tương đương 200 triệu bảng Anh và được xem như là tài sản cầm cố cho người Anh. Để làm gì? Người Anh sẽ bán chịu cho Nga hoàng tàu chiến, súng ống đạn dược và trang thiết bị quân sự khác.
Cuộc mua bán có văn bản ghi nhận hẳn hoi, được ký giữa giới chức quân sự cao cấp hai bên. Tài sản thế chấp của Nga, theo quy định của hai phía, là những đồng tiền vàng 5 và 10 rúp, cùng với vàng thỏi (ước tính hiện nay, một đồng tiền vàng Nga hoàng trị giá 11 USD theo tỉ giá tại thị trường hối đoái London). Các cuộc vận chuyển vàng sang Anh được phân bổ như sau:
Tháng 10/1914: 75,1 triệu tiền vàng được chở trên chiếc tàu Drake đến Anh qua ngả Arkhangelsk.
Tháng 12/1915: 375 triệu tiền vàng được chở trên những chiếc tàu thuê của Nhật đến London qua ngả Vladivostok và Canada.
Tháng 6/1916 và 11/1916: Tiền vàng lại được chuyển trên các con tàu của Nhật đến London, qua ngả Vladivostok, Canada và Mỹ. Số lượng không được biết rõ.
|
Cầm vàng mua vũ khí
Những đồng rúp vàng và các thỏi vàng nén từ nước Nga ra hải ngoại không chỉ có bấy nhiêu. Chính phủ lâm thời của Alexander Kerensky - nắm quyền từ sau khi Nga hoàng Nicholas II thoái vị ngày 2/3/1917 - lại tổ chức các cuộc chuyển vàng quy mô, cũng với danh nghĩa là tài sản cầm cố để mua vũ khí: tháng 5/1917, 187 triệu rúp vàng được chở đến London, và đến tháng 10 cùng năm - người ta lại chở 4,85 triệu rúp vàng trên những chiếc tàu của Thụy Điển, từ St. Petersburg đến Stockholm.
Theo hồ sơ mới công bố (từ báo Russia Today), Chính phủ Nga hoàng và Kerensky đã đem đến Anh và Thụy Điển khoảng 200 tấn vàng. Số còn lại, Nga đem đến nhiều nước khác như Pháp, Mỹ, Nhật, Tiệp Khắc và Trung Quốc. Điều kỳ lạ là tuy Anh nhận đủ số vàng nhưng họ không giao số vũ khí như hai bên thương lượng. Đến tháng 3/1917, Nga hoàng chỉ nhận được khoảng từ 20%-25% số quân dụng yêu cầu, và sau đó Chính phủ Kerensky không nhận được gì thêm.
Các ngân hàng London giữ lại 2/3 số vàng và họ không có ý trả lại cho Nga vì cho rằng thương vụ đã kết thúc. Hàng chục năm qua, Anh đã dùng số vàng trên cho các cuộc mua bán trên thị trường tài chính quốc tế.
Bạch vệ cướp vàng
Sau khi chế độ phong kiến Nga hoàng bị lật đổ, tình hình chính trị nước Nga rất phức tạp. Nhiều phe phái hình thành, đặc biệt là bạch vệ và hồng quân. Bạch vệ đóng vai trò đáng kể đối với số phận của kho vàng Nga hoàng và họ cũng là một trong những nguyên tố dẫn đến nội chiến.
Nga hoàng khi thoái vị vẫn để lại rất nhiều vàng tại Kazan. Quân bạch vệ muốn chiếm hữu kho vàng này, không để rơi vào tay hồng quân. Một cuộc đánh cướp đã xảy ra để tranh giành tài sản khổng lồ.
Đầu tháng 8/1918, một đội quân bạch vệ - thành phần ô hợp gồm Nga, Serbia và Czech - dưới sự chỉ huy của đại tá Kappel đã tấn công lấy vàng. Quân bạch vệ đi trên tàu hơi nước, lợi dụng bóng đêm, tiến gần sát kho trữ vàng ở Kazan.
Rạng sáng 6/8/1918, chúng công kích bất ngờ, vớ được hơn 350 tấn vàng thỏi, chưa kể lô lốc tiền vàng, bạc và vô số trang sức... Sau đó, toàn bộ số vàng được đưa lên tàu, theo đường sông Volga về đến căn cứ tại Samara.
Hồng quân vội vã tung ra nhiều đơn vị đặc biệt truy đuổi. Họ đi bằng tàu thủy lẫn tàu hỏa đến Samara. Bạch vệ sức yếu, không địch lại, đành thất thủ ngày 10/9/1918. Tuy nhiên, tại căn cứ bạch vệ ở Samara, người ta không thấy vàng. Trước khi rút lui, bọn bạch vệ đã nhanh chân chuyển vàng trên 5 chiếc xe lửa, đến Ufa (thành phố cách xa địa phận Volga).
Theo Lê Thảo Chi
Người Lao Động