1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Năm 2016:

5 vấn đề quan trọng và loạt câu hỏi lớn về Biển Đông

(Dân trí) - Giáo sư Carl Thayer đã nêu bật 5 sự kiện quan trọng cần chú ý, từ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye đối với đơn Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, cho đến mức độ quân sự hóa 7 hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Trường Sa.

5 vấn đề quan trọng và loạt câu hỏi lớn về Biển Đông - 1

Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc gia tăng tốc độ bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông. (Ảnh: Le Figaro)

Theo Carl Thayer, vị giáo sư đã nghỉ hưu của Học viện Quốc phòng Úc, Đại học New South Wale, trong năm 2016 có 5 vấn đề chính cần theo dõi như sau:

Một là, phán quyết của Tòa án Trọng tài (Thường trực tại La Haye), dự kiến sẽ được đưa ra trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 và phản ứng của Trung Quốc cùng các quốc gia khác có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông về phán quyết này. Bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines chắc chắn đều sẽ bị Trung Quốc bác bỏ - hành động không khác gì Bắc Kinh tự đặt Trung Quốc "ra ngoài vòng luật pháp quốc tế". Vậy các nước ASEAN sẽ làm gì? Các cường quốc hàng hải lớn sẽ làm gì?

Hai là, Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải và hàng không (FONOP). Chiến dịch tuần tra này dự kiến sẽ diễn ra ít nhất mỗi quý một lần, bắt đầu từ tháng 1/2016. Liệu Mỹ có thể sẽ tiến hành những chiến dịch tuần tra FONOP mạnh mẽ hơn hay không? Như cho tàu áp sát các đảo nhân tạo mà Trung quốc bồi đắp trái phép, hay cho phi cơ P-8 Poseidon và B-52 bay qua không phận trên các đảo? Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào về những hoạt động này?

Ba là, khả năng hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc, mà một số nhà quan sát ASEAN coi năm 2016 như là một thời điểm "cấp bách" do hành vi của Trung Quốc ngang nhiên xây dựng trái phép các đảo nhân tạo. Nếu các cuộc đàm phán bị kéo dài mà không mang lại bất kỳ kết quả nào, liệu ASEAN có chuyển hướng sang tấn công ngoại giao hay không?

Bốn là, Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng và củng cố các cơ sở hạ tầng trên 7 hòn đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Tiếp theo đó sẽ là gì ? Ai sẽ cư ngụ trên các thực thể đó? Thiết bị nào sẽ được bố trí trên đó? Loại phi cơ hay tàu biển nào sẽ đồn trú ở đó? Liệu Trung Quốc có đặt căn cứ của lực lượng Hải quân của họ ở đó và sẽ hung hăng hơn trong việc khẳng định quyền tài phán đối với Philippines và Việt Nam hay không? Liệu Trung Quốc có quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép đó bằng cách đặt radar tầm xa, hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm đội, pháo binh, thiết bị chiến tranh điện tử và cầu cảng cho tàu khu trục hay không?

Năm là, bầu cử ở Đài Loan và Philippines sẽ ảnh hưởng ra sao đến các động lực chính trị-ngoại giao đối với những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông? Tại Đài Loan, đảng Dân Tiến DPP liệu có nhấn mạnh hơn trong việc đòi hỏi chủ quyền và tách xa hơn khỏi Trung Quốc hay không? Một Tổng thống mới của Philippines liệu có "hòa hoãn" hơn với Trung Quốc so với đương kim Tổng thống Aquino hay không?

Cũng theo chiều hướng trên, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại học Maine (Mỹ), một người theo dõi rất sát hồ sơ Biển Đông, cho rằng: vấn đề cần theo dõi trong năm 2016 là vụ kiện của Philippines. Việt Nam có thể tận dụng tiến triển cũng như kết quả của vụ kiện này để vận động dư luận thế giới cũng như lập thế trận cho Việt Nam. 

Việc này rất quan trọng trên cả lĩnh vực pháp lý lẫn chính trị. Thành ra, theo chiều hướng này, cũng nên theo dõi tình hình chính trị ở Mỹ trước cuộc bầu cử để có thể có những thúc đẩy đúng lúc và đúng mức.

Trung Quốc cũng có thể lợi dụng việc Mỹ chú ý vào những chuyện nội bộ trong nước để tăng áp lực tại Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

Cũng theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, vấn đề lớn nhất cần quan tâm là cách ứng xử và hành động của Việt Nam thể hiện sự năng động ra sao để các nước khác, trong đó có Mỹ, có thể có những hoạt động tích cực hơn nhiều so với năm 2015.

Quý Cao (theo RFI)