5 sự kiện có thể tác động tới bầu cử tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, với việc đương kim Tổng thống Barack Obama nhiều khả năng sẽ đối đầu với ứng viên Cộng hoà Mitt Romney. Một câu hỏi được đặt ra là những nhân tố nào có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử lần này?<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1881/Dang-Cong-hoa-My-bau-cu-so-bo.htm'><b> >> Đảng Cộng hoà Mỹ bầu cử sơ bộ</b></a>
Hồi tháng 1, Trung tâm nghiên cứu Pew cho hay công chúng Mỹ ngày càng quan tâm tới chính sách nội địa hơn bất kỳ vấn đề nào trong 15 năm qua.
Nhưng bất kỳ chính trị gia nào cũng sợ những tình huống bất ngờ có thể ảnh hưởng tới các kế hoạch tranh cử được lên kế hoạch kỹ càng. Dưới đây là 5 sự kiện toàn cầu có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012.
Các cường quốc thế giới mới đây đã kết thúc các vòng đàm phán hạt nhân thứ 2 với Tehran và Liên minh châu Âu đang chuẩn bị thực thi một lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran vào tháng 7. Nhưng nếu chiến thuật ngoại giao này thất bại trong việc tìm kiếm những nhượng bộ có ý nghĩa từ Iran, có khả năng là Israel - hoặc trong một viễn cảnh ít xảy ra hơn là Mỹ và các đồng minh - có thể đi đến thống nhất trước tháng 11 rằng hành động quân sự là cách duy nhất để ngăn chặn các tiến bộ hạt nhân của Iran (một số người thậm chí còn cho rằng các lãnh đạo Israel muôn tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trước thềm cuộc bầu cử Mỹ).
Người Mỹ xem Iran là nước gây ra mối đe doạ lớn nhất với nước này và một cuộc thăm dò gần đây của trung tâm Pew cho thấy 63% người Mỹ sẵn sàng tham gia chiến tranh nếu cần thiết để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí nguyên tử - một phương án mà ông Romney đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn ông Obama, mặc dù cả hai ứng viên điều nói rằng mọi giải pháp vẫn đang để ngỏ.
Một số nhà phân tích thị trường dự báo rằng một cuộc xung đột quân sự với Iran có thể đẩy giá dầu tại Mỹ tăng lên 5-6USD/gallon, gây ảnh hưởng mạnh tới các cử tri và ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế thất thường của nước này.
Và có một lý do khiến chuyên gia chính trị Charlie Cook của tạp chí National Journal gọi Iran là “nhân tố khó đoán” trong mùa vận động tranh cử lần này: 5 lần gần đây nhất khi giá dầu tăng vọt trong một chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ, đảng đương nhiệm đã thất bại. Tờ New York Times nhận định hồi tháng 1 rằng cuộc đối đầu với Iran khiến ông Obama phải “lựa chọn rằng điều đó có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế hoặc hình ảnh của ông với tư cách là một nhà lãnh đạo vững vàng”.
Viễn cảnh về một đảng chống các biện pháp khắc khổ tại Hi Lạp giành chiến thắng trong một cuộc tổng tuyển cử mới vào tháng 6 tới đã làm bùng phát lo ngại trên diện rộng rằng Hi Lạp sẽ vỡ nợ và rút khỏi khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone), điều có thể làm gây ảnh hưởng xấu tới phía nam châu Âu và khiến nền kinh tế toàn cầu rơi trở lại suy thoái. Nhưng có một cuộc thảo luận về mức độ cuộc khủng hoảng nợ tại Mỹ sẽ ảnh hưởng tới bầu cử Mỹ.
Nếu sự rút lui của Hi Lạp làm eurozone sụp đổ, học giả William Galston của Viện Brookings cho rằng đó sẽ là một thảm họa với châu Âu và Mỹ. Nhưng ông nói thêm rằng sự tăng trưởng GDP của Mỹ có thể chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp nhiều khả năng vẫn tồi tệ thậm chí nếu eurozone không tan rã sau sự ra đi của Hi Lạp.
“Những diễn biến này có thể khiến ông Obama gặp khó khăn khi khẳng định chúng ta đang đi đúng hướng, và … tôi cho rằng sự tăng trưởng kinh tế ở mức độ trì trệ này có thể là chiến thắng cho Mitt Romney”, ông Galston viết.
Nhà báo Ezra Klein của Washington Post viết hồi đầu năm nay rằng chiến dịch tái tranh cử của ông Obama “phần lớn sẽ được quyết định bởi tình hình kinh tế. Và tình hình kinh tế phần lớn sẽ được quyết định bởi các sự kiện ở châu Âu. Mà tình hình kinh tế châu Âu dường như không sáng sủa lắm”.
Nhưng những người khác cho rằng Hi Lạp sẽ không rời khỏi khu vực eurozone trước tháng 11, và nếu điều đó xảy ra đi nữa, hệ thống tài chính Mỹ sẽ không bị tổn hại nặng nề trước sự rút lui của Hi Lạp.
Sự tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc, giảm xuống mức 8,1% trong quý đầu của năm 2012 - mức thấp nhất trong gần 3 năm qua - đã khiến các lãnh đạo Trung Quốc phải đưa ra cam kết về các biện pháp mới nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa. Các nhà bình luận cũng lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra tại nước này.
Hồi tuần này, Ngân hàng thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế với Trung Quốc và cảnh báo rằng một cuộc suy thoái tại châu Âu có thể thể ảnh hưởng nặng nề tới Trung Quốc và sự tăng trưởng tại các quốc gia Đông Á khác.
Nhưng khi Bắc Kinh “hắt hơi”, liệu Washington có bị "cảm lạnh"? Campbell Harvey, một giáo sư tại Đại học Duke (Mỹ), nhận định rằng sự tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc có thể gây ra “nguy cơ lớn” đối với Mỹ khi cuộc tổng tuyển cử đang đến gần.
Mỹ chưa chứng kiến một cuộc tấn công khủng bố lớn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama và chính quyền đã ngăn chặn vài âm mưu - mà gần đây nhất là một âm mưu của al-Qaeda tại bán đảo Ả-rập nhằm cho nổ tung một máy bay đi Mỹ. Ngoài ra, Mỹ đã tiêu diệt vài phần tử khủng bố cấp cao thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay do thám và ông Obama xem vụ tiêu diệt Osama bin Laden là một trong những thành tựu lớn nhất.
Nhưng một cuộc tấn công trên đất Mỹ có thể ngay lập tức huỷ hoại lớp bảo vệ mà ông Obama đã xây dựng đối với an ninh quốc gia, đảo ngược lo ngại đang giảm dần của công chúng về khủng bố và làm thay đổi chiến dịch tranh cử.
Viễn cảnh đó không phải là không có khả năng. 2 âm mưu tấn công lớn nhất trong những năm gần đây - vụ đánh bom ngày Giáng sinh năm 2009 và âm mưu đánh Quảng trường Thời đại năm 2010 - đã bị ngăn chặn phần lớn nhờ may mắn vì những kẻ mang bom đã không thể kích hoạt được thiết bị nổ.
Và như tờ Washington Post đã chỉ ra gần đây, chính sách ngoại giao đã đóng vai trò nòng chốt chỉ 1 trong số 5 chiến dịch tranh cử gần đây: cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, cuộc đua đầu tiên kể từ sau vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất trên đất Mỹ trong lịch sử nước này. Và tất cả chúng ta đều biết kết quả ra sao.
5. Những nhân tố bất ngờ
Bên cạnh những nhân tố có thể dự đoán được, còn những nhân tố bất ngờ có khả năng ảnh hưởng tới kết quả cuộc đua mà không ai tiên đoán được - gọi là “điều bất ngờ tháng 10”. Trong lịch sử bầu cử Mỹ đã từng xảy ra vài tình huống bất ngờ làm thay đổi kết quả bầu cử. Ví dụ như vào năm 2004, ứng viên John Kerry đã đổi lỗi thất bại của ông trước đối thủ George W. Bush cho một video được trùm khủng bố Osama bin Laden công bố chỉ vài ngày trước bầu cử. (“Chúng tôi đang giành lợi thế trong các cuộc thăm dò cho tới ngày cuối cùng khi xuống băng xuất hiện”, ông Kerry từng nói”).
Nói cách khác, vẫn còn một chặng đường để đi cho tới cuộc bầu cử tháng 11 và bất kỳ điều gì, từ vấn đề an ninh tại Afghanistan cho tới bạo lực tại Syria hay các cuộc bầu cử tại Venezuela, đều có thể trở thành nhân tố thay đổi cuộc đua. Khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 diễn ra, mọi người điều cho rằng chính sách ngoại giao - đặc biệt là cuộc chiến tại Iraq - là nhân tố chủ chốt trong chiến dịch. Nhưng sau đó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, đưa kinh ttế trở thành vấn đề hàng đầu. Vì thế, còn quá sớm để loại trừ những biến cố bất ngờ trong năm 2012.
An Bình
Theo Foreign Policy