5 năm sau cuộc chiến Iraq: Nước Mỹ và những nỗi lo
(Dân trí) - Thế giới đang được chứng kiến một thời kỳ gian khó của nước Mỹ. Năm năm sau khi phát động cuộc chiến tranh Iraq có thể dễ dàng nhận thấy chính quyền của Tổng thống Bush vẫn chưa đạt được những mục tiêu đặt ra tại quốc gia vùng Vịnh này.
Và không chỉ có thế, chính sách của Washington ở cả khu vực Trung Đông cũng chẳng có chút tiến triển nào, nếu không muốn nói rằng đang ở trong ngõ cụt khi mà cuộc xung đột giữa Nhà nước Do Thái Israel và chính quyền Palestine bắt đầu căng thẳng trở lại, và Iran vẫn là một cái gai khó nhổ trong mắt "chú Sam".
Một Iraq vẫn chìm trong bạo lực
Khi Mỹ và đồng minh tiến hành cuộc chiến tranh chống Iraq (tháng 3/2003), Nhà Trắng và Lầu Năm Góc hy vọng rằng, chỉ sau một năm, họ sẽ hoàn toàn khống chế được quốc gia này, nhằm kiểm soát nguồn dầu lửa chiến lược lớn thứ hai trên thế giới và răn đe các nước khác trong khu vực. Và 2 năm sau, dưới sự bảo trợ của Mỹ, một nước Iraq tự do dân chủ sẽ ra đời, để tác động tới các nước khác trong khu vực cũng xây dựng một hình mẫu dân chủ theo kiểu Mỹ, phục vụ các lợi ích chính trị kinh tế của Washington.
Thế nhưng, sự thực lại hoàn toàn ngược lại. Kết quả rõ rệt nhất của cuộc chiến Iraq là lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Saddam Hussein và tạo dựng một chính quyền thân Mỹ. Song cũng chính từ đó, 5 năm qua, Iraq không thể có được một chính phủ vững mạnh và đoàn kết, xung đột sắc tộc gay gắt, tạo cơ hội cho các nhóm khủng bố được mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda hậu thuẫn tiến hành các hoạt động bạo lực nhằm vào liên quân Mỹ và chính đồng bào mình.
Bạo lực và bất ổn đã khiến cuộc sống của người dân Iraq trở thành địa ngục. Những vụ đánh bom liều chết đã trở thành “cơm bữa”, là một phần tất yếu của cuộc sống nơi đây. Năm năm trôi qua nhưng vẫn còn nguyên đó trong lòng người dân Iraq sự sợ hãi, nỗi lo âu, kinh hoàng. Con số 1.000.000 dân thường Iraq bị thiệt mạng, gần 4.000 lính Mỹ bị chết, trong khi 4 triệu người dân nước này phải rời bỏ nhà cửa dường như đã nói lên tất cả.
Mặc dù Mỹ đã phải chi 400 tỷ USD cho cuộc chiến này - khoản tiền lớn nhất trong các cuộc chiến mà Mỹ can dự kể từ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đến nay - nhưng vẫn không ngăn được những hậu quả thảm khốc đó. Và đây chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng.
Cái giá phải trả của nước Mỹ
Ngoài khoản ngân sách khổng lồ phải chi cho cuộc chiến, cái giá mà Mỹ phải trả chính là sự xa lánh của cộng đồng quốc tế, là một nội bộ bị chia rẽ trong sự hoài nghi của người dân, uy tín của người đứng đầu Nhà Trắng Bush xuống thấp tới mức kỷ lục và sự sa sút của nền kinh tế.
Cuộc chiến Iraq hay còn gọi là cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 2 không chỉ tiếp tục gây chia rẽ các tầng lớp xã hội Mỹ mà còn tạo ra các mối lo an ninh cả trước mắt và lâu dài. Cùng với những khó khăn ngày càng chồng chất do kinh tế trên đà phát triển chậm lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái, cuộc chiến tiếp tục đổ máu tại Iraq được xác định là một vấn đề lớn chi phối lá phiếu của cử tri Mỹ trong năm bầu cử 2008. Cho tới thời điểm gần tròn 5 năm này, vẫn có nhiều người trong số hơn 2.000 người trên khắp nước Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng cuộc chiến Iraq là một sai lầm, là một thảm họa cho cả Iraq và Mỹ.
Và chưa hết, “cái giá” mà Mỹ phải trả khi sa lầy vào cuộc chiến tại Iraq còn là sự vươn lên mạnh mẽ của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, thách thức vị thế siêu cường và sức mạnh kinh tế của Mỹ.
Năm năm trước, khi đến Iraq, Mỹ không che giấu tham vọng khuất phục Iran, một trong ba nước bị Nhà Trắng liệt vào ''trục ma quỷ'', song ý đồ này cũng chỉ dừng ở lời nói. Lập trường cứng rắn của Iran trong vấn đề hạt nhân thực sự là một ''gáo nước lạnh'' dội vào những nỗ lực của Mỹ và phương Tây áp đặt một lệnh trừng phạt với nước này. Những thất bại của Mỹ tại Iraq vô hình chung đã tiếp thêm sức mạnh cho ban lãnh đạo Iran trong đối đầu với Mỹ.
Bế tắc tại Iraq, Mỹ tìm cách gỡ gạc lại chút danh tiếng của mình khi quyết định quay trở lại sứ mạng làm trung gian hoà giải giữa Israel và Palestine để làm sống lại tiến trình hoà bình Trung Đông. Song, thực tế lại vượt ra ngoài những toan tính của Washington và Tổng thống Bush đã không gặt hái được thành công đáng kể nào. Tình trạng căng thẳng leo thang gần đây giữa Israel và Palestine dường như đặt dấu chấm hết cho tham vọng ''viết nên một trang mới trong cuốn biên niên sử Trung Đông'' của Tổng thống Bush trước khi mãn nhiệm vào tháng Giêng năm tới.
Rõ ràng, sau 5 năm phát động cuộc chiến chống Iraq, cái giá mà Washington phải trả là quá lớn. Với thực tế này, câu hỏi đặt ra là liệu nước Mỹ sẽ đi về đâu. các quan chức Nhà Trắng sẽ làm gì để khôi phục lại hình ảnh một nước Mỹ siêu cường đã phần nào bị mai một trong con mắt thế giới?
Phương Dung (tổng hợp)