1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

5 khó khăn khiến Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone

(Dân trí) - Cách đây hai năm, khả năng một quốc gia rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu là điều không ai nghĩ tới. Nhưng nay, khi cử tri Hy Lạp quay lưng lại với “thắt lưng buộc bụng” thì nguy cơ Athen phải “khăn gói ra đi” dường như đã trở nên rõ ràng.

5 khó khăn khiến Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone

Nếu rời khối Eurozone, Hy Lạp sẽ trở lại sử dụng đồng Drachma trước đây. Tuy nhiên, đơn vị tiền tệ này sẽ bị giảm giá đáng kể so với đồng euro, làm cho hàng hóa nhập khẩu ở Hy Lạp trở nên vô cùng đắt đỏ.

Hy Lạp là một quốc gia nhỏ nếu xét về quy kinh tế. Hiện nước này chỉ đóng góp 2,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone. Tuy nhiên, việc nước này rút khỏi khối không chỉ tạo ra sự hỗn loạn trong nước, mà còn gây ra những tác động nghiêm trọng tới các quốc gia còn lại trong Eurozone.

Theo đánh giá của Ngân hàng Citygroup của Mỹ, khả năng Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone trong thời gian tới hiện đã lên tới 75% và có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho sự tan rã của liên minh tiền tệ chung khi những nền kinh tế dễ bị tổn thương khác trong khôi như Tây Ban Nha và Italia cũng sẽ lần lượt “nối gót” Hy Lạp trong thời gian tới.

Trong khi đó, Ngân hàng BNP Paribas của Pháp cho rằng việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone không khác gì một quả bom phát nổ trong kinh tế. Quả bom đó, với sức công phá khủng khiếp của nó, sẽ xóa sạch 20% giá trị GDP của Hy Lạp, đẩy lạm phát tại nước này tăng lên tới 50% và tỷ lệ nợ trên GDP vọt lên khoảng 200%.

Tất nhiên, những dự đoán trên mới chỉ là con số ước tính, vì hệ quả thực tế sẽ còn phụ thuộc vào mức độ phá giá đồng nội tệ Drachma.

“Giá trị đồng nội tệ của Hy Lạp sẽ sụt giảm khoảng 50%. Mức giảm này vẫn còn thấp khi so sánh với mức 70% của đồng Peso cách đây một thập kỷ khi Arhentina lâm vào tình cảnh vỡ nợ”, chuyên gia Dawn Holland thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội của Anh nhận định.

Vấn đề là, dù khó khăn ít hay nhiều thì viễn cảnh Hy Lạp phải “ly hôn” với Eurozone là điều rất khó tránh khỏi. Bởi các dấu hiệu cảnh báo ngày càng trở nên rõ ràng. Không khó để vạch ra một loạt khó khăn sẽ xảy đến với “đất nước của những tấm thảm bay” trong những tháng tới.

1. Tê liệt vì bầu cử

Cuộc bầu cử hôm 6/5 vừa qua đã mang lại một kết quả hỗn độn khi hai đảng chủ đạo trong đời sống chính trị ở nước này đã phải  nhận kết cục thảm bại nặng nề. Việc các chính đảng ở Hy Lạp không thể thành lập chính phủ liên minh để thực thi các biện pháp cắt giảm chi tiêu cũng như cải tổ triệt để cơ cấu kinh tế… đã tước đi của Aten cơ hội nhận gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro – thứ duy nhất giúp Hy Lạp tránh được nguy cơ vỡ nợ.   

Trong quyết định mới nhất, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias đã buộc chỉ định chính phủ tạm quyền chịu trách nhiệm điều hành đất nước cho đến khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn lần thứ hai vào ngày 17/6 tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế hiện nay khi phần lớn cử tri Hy Lạp vẫn tiếp tục quay lưng với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ, thì cuộc tổng tuyển cử tới đây xem ra cũng không phải là cứu cánh. Giới phân tích nhận định, cuộc bầu cử lần thứ hai vẫn sẽ là một cuộc bỏ phiếu chống lại các chính sách chi tiêu khắc khổ và do vậy, bế tắc trong việc thành lập nội các mới lại bắt đầu.

2. Hết tiền

Điều gì sẽ xảy ra khi Hy Lạp không thành lập được chính phủ hay chính phủ mới sẽ không tuân thủ các điều kiện khắt khe của gói cứu trợ?

Trong cả hai trường hợp này, nhóm “tam hùng” - gồm Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – sẽ siết chặt vòi rồng khiến nguồn tiền cứu trợ ngừng chảy vào quốc gia đang nợ nần chồng chất này.

Trong khi đó, tất cả các ngân hàng của Hy Lạp cũng sẽ bị ECB cắt nguồn thanh khoản khiến cho các ngân hàng không thể thanh toán nợ cho khách hàng sẽ ùn ùn kéo tới đòi rút tiền. Khi ấy, lượng tiền euro mà các ngân hàng Hy Lạp đang nắm giữ sẽ bị tách khỏi lượng tiền euro ở các nước còn lại và được chuyển dần sang đồng nội tệ Drachma nhưng tình trạng này cũng không thể kéo dài.

“Hy Lạp có thể lâm vào tình trạng hết tiền vào tháng 7 tới. Chính phủ Hy Lạp sẽ không thể chi trả đầy đủ lương cho những người đi làm cũng như cho những người đã về hưu”, chuyên gia kinh tế cao cấp Christian Schultz của Ngân hàng Bloomberg đánh giá.

Khi túi tiễn đã rỗng, Hy Lạp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận từ bỏ Eurozone để quay lại với đồng Drachma trước đây.

3. Khởi động lại máy in tiền

Để chống lại tình trạng người dân rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng, chính phủ mới (nếu được thành lập) sẽ phải ra lệnh đóng băng toàn bộ các tài khoản ngân hàng, đồng thời thực thi các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn công dân chuyển tiền ra nước ngoài.

Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ phải thông qua đạo luật về tiền tệ và bắt đầu cho khởi động lại các máy in tiền đã được “đắp chiếu” suốt 13 năm qua. Tất nhiên, để tránh gây ra tình cảnh hỗn loạn đáng tiếc, chính phủ Hy Lạp sẽ buộc phải tiến hành công việc này một cách lặng lẽ giống như Slovakia đã từng làm trước đây.

Bên cạnh đó, Hy Lạp cũng sẽ phải thành lập một số ngân hàng mới từ đống đổ nát của các ngân hàng vỡ nợ cũ và đặt toàn bộ các ngân hàng mới dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Đây cũng là điều Iceland đã buộc phải làm trong thời kỳ khủng hoảng tài chính trước đây.

Tất nhiên, khi đã có các ngân hàng mới, khi máy in tiền đã được khởi động trở lại thì việc ra khỏi Eurozone chỉ còn là vấn đề thủ tục.

4. Bất ổn kinh tế - xã hội ngày càng nghiêm trọng

Như trên đã đề cập, do Hy Lạp không thành lập được chính phủ hoặc chính phủ mới không thực thi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, mọi nguồn tiền đổ vào nước này sẽ bị chặn lại trong khi các tài khoản bị đóng băng. Kết quả là các doanh nghiệp sẽ “nối đuôi nhau” phá sản, xuất khẩu tụt giảm mạnh, tiêu dùng đình đốn khiến đất nước thụt sâu hơn vào suy thoái.

“Mức tiêu dùng sẽ sụt giảm 30%, kéo theo những hệ quả vô cùng tệ hại”, chuyên gia Jens Nordvig nhận định.

Cũng theo ông Nordvig, việc định giá thấp đồng Drachma sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và làm gia tăng lạm phát.

Đời sống dân chúng vốn đã khó khăn nay càng trở nên kiệt quệ. Các cuộc biểu tình, thậm chí cướp bóc, hoàn toàn có thể xảy ra khiến xã hội Hy Lạp rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng.

Trong khi đó, thất nghiệp trên diện rộng cũng là một hậu quả không tránh khỏi và sẽ dẫn tới tình trạng di cư ồ ạt của các lao động trẻ có tay nghề.

5. Cú sốc lan rộng

Những người nắm giữ nợ chính phủ Hy Lạp sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất, khi mà tài sản của họ sẽ bị định giá lại theo giá trị thấp của đồng Drachma.

Ngoài ra, việc quay trở lại sử dụng đồng Drachma cũng sẽ tạo ra một số thách thức pháp lý đối với các hợp đồng chính phủ và hợp đồng doanh nghiệp đã ký trước đó. Những doanh nghiệp Hy Lạp buộc phải thanh toán bằng đồng euro sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính trên cả phương diện khan hiếm đồng euro lẫn việc phải tăng gấp đôi chi phí thanh toán do giá trị đồng Drachma giảm một nửa trong khi lãi suất vay euro đội lên rất cao.

Với những dấu hiệu kể trên, có thể thấy việc Hy Lạp phải “khăn gói ra đi” sau 13 năm chung sống dưới mái nhà chung Eurozone dường như đã đến rất gần. Nhưng điều đó không nguy hiểm bằng việc, một khi tiền lệ một quốc gia rời bỏ Eurozone được thành lập, nó sẽ làm mất đi sự ổn định và niềm tin vào phần còn lại của khối đồng tiền chung.

Công ty tư vấn Fathom Consulting từng quả quyết: “Chúng tôi duy trì quan điểm cho rằng sau sự ra đi của một nước thành viên, sự sụp đổ của Eurozone là điều rất có khả năng xảy ra”.

Giám đốc điều hành của Lloyd’s of London cũng cảnh báo sự ra đi của Hy Lạp sẽ dẫn tới sự sụp đổ của Eurozone và sự sụp đổ của Eurozone, tới lượt nó, sẽ đưa tới quá trình suy thoái thảm khốc trên toàn cầu.

Đức Vũ