1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

5 binh sĩ Ai Cập bị bắn chết, Cairo rút đại sứ tại Israel

(Dân trí) - Ai Cập tuyên bố sẽ rút đại sứ tại Israel về nước lần đầu tiên trong một thập kỷ qua để phản đối vụ việc 5 cảnh sát nước này bị các lực lượng Israel bắn chết hôm 18/8.

 
5 binh sĩ Ai Cập bị bắn chết, Cairo rút đại sứ tại Israel - 1
Người biểu tình phản đối Israel trước đại sứ quán Israel ở thủ đô Cairo ngày 19/8.

Cairo tuyên bố Israel phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và chính trị, và yêu cầu một cuộc điều tra cũng như một lời xin lỗi.

Israel đã cam kết điều tra cái chết của 5 cảnh sát, giữa những khẳng định rằng các lực lượng Israel đã bắn họ trong khi rượt đuổi những người bị tình nghi là các chiến binh Palestine.

Nội các Ai Cập cho biết đại sứ tại Israel "sẽ được rút về nước cho tới khi giới chức Israel thông báo về kết quả cuộc điều tra về vụ việc trên".

Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, Ai Cập rút đại sứ về nước.

Bạo lực bắt đầu hôm thứ Năm khi các tay súng tấn công các phương tiện gần thành phố nghỉ dưỡng Eilat của Israel ở Biển Đỏ, tiếp giáp với bán đảo Sinai của Ai Cập, làm 8 người thiệt mạng.

Giới chức Ai Cập cho hay các tay súng Israel đã rượt đuổi những người bị tình nghi là các chiến binh  Palestine qua biên giới với Ai Cập và một số người đã thiệt mạng, trong đó có 5 cảnh sát.

Hàng trăm người Ai Cập đã tiến hành biểu tình bên ngoài đại sứ quán Israel ở Cairo và đêm thứ Năm, đốt cờ Israel và yêu cầu đại sứ Israel phải bị trục xuất khỏi Ai Cập.

Hôm thứ Sáu, tại thành phố lớn thứ 2 của Ai Cập, Alexandria, một người biểu tình hạ cờ của Israel tại lãnh sự quán và thay bằng cờ của Ai Cập và Palestine.

Sau vụ tấn công tại Eilat, Israel đã bày tỏ lo ngại về an ninh trên bán đảo Sinai và cho biết các tay súng Palestine đã tới Eilat sau khi vào Ai Cập từ Gaza và di chuyển xuyên sa mạc Sinai.

Nhưng nội các Ai Cập ngày 20/8 đã ra một tuyên bố bác bỏ việc nước này mất khả năng kiểm soát Sinai và yêu cầu một lời xin lỗi từ Israel về “những bình luận vội vàng và đáng trách về Ai Cập”.

Ai Cập nói nước xem vụ tấn công nhằm vào các cảnh sát và vi phạm hiệp ước hòa bình năm 1979 giữa 2 nước và đổ lỗi cho Israel vì kiểm soát biên giới lỏng lẻo.

Dưới thời cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, quan hệ giữa 2 nước đã ở giai đoạn ổn định sau một thời kỳ xung đột.

An Bình
Theo BBC, AP