4 điểm mấu chốt trong chiến lược quốc phòng châu Á của Tổng thống Trump
(Dân trí) - Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã công khai nói về kế hoạch triển khai các tên lửa tới châu Á và xây dựng thêm các căn cứ quân đội của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không dễ để Mỹ thực hiện các kế hoạch này.
Châu Á đứng ở đâu trong ưu tiên của Mỹ?
Khi tham dự lễ nhậm chức của ông Mark Esper hồi tháng trước, Bộ trưởng quốc phòng thứ 4 chỉ trong 3 năm kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, ông chủ Nhà Trắng nói: “Ông ấy sẽ trở thành một bộ trưởng rất tuyệt”.
Tại châu Á, các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách quốc phòng vốn theo dõi những bất ổn nội bộ lâu nay trong Lầu Năm Góc dưới ông Trump nói rằng họ hi vọng ông Esper sẽ duy trì sự liên tục cần thiết của ban lãnh đạo nền quân đội mạnh nhất thế giới.
Trong nhiều thập niên, các quốc gia ở xa Mỹ - từ Sri Lanka ở Ấn Độ Dương tới đồng minh hiệp ước Philippines tại Đông Nam Á, đã xem việc Mỹ thúc đẩy hiện diện trong khu vực là quan trọng, xem nó như một hàng rào nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Việc ông Trump chấm dứt chính sách “xoay trục” dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cùng với lập trường “nước Mỹ trên hết” và các lục đục gần đây trong nội bộ Lầu Năm Góc đã gây ra những câu hỏi rằng liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương đứng ở đâu trong các ưu tiên của Mỹ.
Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn lời một quan chức quốc phòng châu Á cấp cao cho hay, các thành viên trong giới tinh hoa quân sự tại châu Á từng nỗ lực xây dựng quan hệ với những người tiền nhiệm của ông Esper dưới thời ông Trump, sau đó lại băn khoăn không biết chính sách có tiếp tục hay không khi họ đột nhiên nghỉ việc.
Quan chức trên cho rằng không phải ngẫu nhiên mà tân Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã có chuyến thăm 5 quốc gia trong khu vực trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Ông Esper nhậm chức sau thời gian dài kỷ lục 7 tháng Lầu Năm Góc vắng một bộ trưởng quốc phòng được Thượng viện phê chuẩn. Ông James Mattis, bộ trưởng quốc phòng đầu tiên dưới thời ông Trump , đã từ chức hồi tháng 12 năm ngoái sau khi mâu thuẫn với ông Trump.
Quyền Bộ trưởng quốc phòng được thay thế là ông Patrick Shanahan - người mà các quan chức quốc phòng châu Á chỉ biết sau khi ông tham dự diễ đàn an ninh Shangri-La hồi tháng 6 - đã rút lui do các cáo buộc về bạo lực gia đình.
Trong thời gian ông Shanahan thôi chức và ông Epser chờ phê chuẩn, Bộ trưởng Hải quân James Spencer đã trở thành người đứng đầu Năm Góc chỉ trong vòng 2 tuần.
Kế hoạch triển khai tên lửa
Tên lửa Tomahawk của Mỹ trong một cuộc thử nghiệm ở nam California (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Giờ đây, các quan chức quốc phòng khu vực, các nhà hoạt động và các nhà phân tích chiến lược nói rằng họ đang quan sát kỹ các tín hiệu từ Bộ trưởng Esper về chiến lược quân sự mới, các khoản đầu tư và kế hoạch triển khai trong khu vực.
Thu hút sự chú ý đặc biệt là các phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc mới trong chuyến thăm châu Á, rằng ông hi vọng có thể nhanh chóng triển các tên lửa đạn đạo tầm trung trong khu vực. Ông Esper đưa ra bình luận này chỉ một ngày sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (IFM) ký với Liên Xô năm 1987 trong đó cấm phát triển các vũ khí hành trình và đạt đạo thông thường và hạt nhân tầm xa từ 500-5.500 km.
Mỹ lấy lý do Nga không tuân thủ thỏa thuận và Bộ trưởng Esper trong chuyến thăm châu Á nói ông muốn triển khai các tên lửa bị cấm trước đó - với các khả năng tiên tiến hơn - “dù sớm hạy muộn”.
Đó là một chính sách mà những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc mong muốn từ lâu, viện vẫn các tiến triển nhanh chóng của Bắc Kinh trong khu vực mà không bị kìm hãm. Lo ngại này là có cơ sở khi Trung Quốc được cho là đã phát triển các tên lửa DF-21D có khả năng bắn hạ các tàu sân bay ở tây Thái Bình Dương, có thể gây đe dọa với các căn cứ hải quân Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khi được hỏi về dự đoán phản ứng của Trung Quốc đối với kế hoạch của ông, ông Epser được cho là đã nói: “Hơn 80% các khí tài của họ là các hệ thống tên lửa tầm trung, vì thế không có gì bất ngờ khi chúng tôi muốn có khả năng tương tự”.
Trong một bài bình luận trên Nhật dân Nhật Báo hồi tháng này, Wang Hongguan, một cựu quan chức quân đội, cho rằng khả năng Mỹ triển khai tên lửa ở châu Á giống một vòng kiểm soát hình C quanh lục đại Trung Quốc, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia.
Trả lời một câu hỏi trong cuộc trao đổi qua điện thoại với các phóng viên khu vực hồi tuần trước, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Andrea L. Thompson phụ trách về kiểm soát vũ khí và các vấn đề an ninh quốc tế cho hay vấn đề triển khai tên lửa tại các nước đồng minh của Mỹ là “quyết định chủ quyền do lãnh đạo của các chính phủ này đưa ra”.
“Điều tôi có thể nói với các bạn rằng bất kỳ quyết định nào trong khu vực cũng sẽ được thực hiện với sự tham vấn cùng các đồng minh. Đây không phải là một quyết định đơn phương của Mỹ. Chúng tôi kết hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác”, bà Thompson nói.
Ông Wang đã nêu ra quần đảo Aleutian của Mỹ gần Alaska, đảo Guam ở Thái Bình Dương, căn cứ quân sự Diego Garcia ở Ấn Độ Dương và các quốc gia thân thiện với Mỹ ở trung và tây Mỹ là các địa điểm có thể đặt tên lửa. Ông này đã cảnh báo các quốc gia cho Mỹ đặt tên lửa nên ý thức được rằng những nước này có thể là mục tiêu ưu tiên nhất cả Mỹ nếu xảy ra xung đột Mỹ -Trung.
Tại khu vực Thái Bình Dương, Úc và Hàn Quốc là 2 nước mà các nhà quan sát cho là có thể là nơi đặt các tên lửa Mỹ, dù lãnh đạo 2 nước này đã đưa ra các tuyên bố rằng không có các cuộc thảo luận với Washington về kế hoạch như vậy.
Các nhà phân tích cho rằng các quốc gia châu Á giờ đây có thể cân nhắc trước khi bắt đầu suy nghĩ về các tác động lâu dài từ kế hoạch triển khai tên lửa của Bộ trưởng Esper với khu vực.
“Sẽ rất khó để Mỹ triển khai tên lửa trong năm nay. Vì thế câu nói “càng sớm càng tốt” của ông Esper có thể là một kế hoạch trung-dài hạn”, Ian Bremmer, Chủ tịch tổ chức tư vấn chính trị Eurasia Group tại New York, nhận định.
Các căn cứ quân sự mới
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ neo đậu tại Busan, Hàn Quốc (Ảnh: AP)
Một vấn đề khác cũng gây chú ý trong khu vực là khẳng định của ông Esper trong cuộc điều trần tại Thượng viện rằng Washington cần thêm các căn cứ ở khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mở rộng ra toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương - để đối trọng với các tiến bộ quan trọng về công nghệ của Trung Quốc.
Trả lời các nghị sĩ, ông Esper cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ cần “phát triển các địa điểm hoạt động khác nhau ngoài các căn cứ đã có”.
Mỹ hiện có khoảng 800 căn cứ trên khắp thế giới, ngoại trừ Nam Cực. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các cơ sở này bao gồm căn cứ không quân Kadena tại tỉnh Okinawa (Nhật) và căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, cho tới những địa điểm không lâu dài nhằm phục vụ việc tiếp nhiên liệu và đồn trú các tàu hải quân và máy bay như Singapore và Thái Lan.
Các nhà phân tích trong khu vực nhận định rằng, bất kỳ nỗ lực nào của Washington nhằm bổ sung các căn cứ ở nước ngoài, bên cạnh các cơ sở hiện thời, sẽ gặp nhiều trở ngại, trong số đó có sự phản đối ở các quốc gia sở tại. Sự phản đối của người dân địa phương đối với việc di dời căn cứ của Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản là một ví dụ cho thấy sự phản đối mà Washington gặp phải trong việc duy trì các căn cứ quân sự tại các quốc gia đồng minh.
Thậm chí tại khu vực Nam Thái Bình Dương, được xem là dễ dàng hơn cho các căn cứ của Mỹ, việc tiếp cận cũng không được đảm bảo, đặc biệt khi nhiều quốc gia nhỏ trong khu vực không muốn làm mếch lòng Trung Quốc.
“Bài toán” Ấn Độ
Tại khu vực Ấn Độ Dương, Mỹ đã tìm cách thúc đẩy quan hệ nước trong khu vực, đặc biệt là từ Ấn Độ, trong bối cảnh New Delhi tìm cách bớt phụ thuộc vào đồng minh Nga truyền thống để đối trọng với các khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong khuv ực.
Ông Esper nói với các nghị sĩ trong một cuộc điều trần rằng ông có kế hoạch củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ.
Vào năm 2016, chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký một thỏa thuận cho phép hai ước sử dụng căn cứ của mỗi nước. Hai bên cũng ký các thỏa thuận về thông tin quân sự và đang xem xét ký các thỏa thuận chi sẻ thông tin báo và đẩy mạnh hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Mối quan hệ giữa hai nước gần đây đã bị ảnh hưởng bởi các bình luận của Tổng thống Trump rằng Ấn Độ đang áp dụng mức thuế rất cao nhằm vào hàng hóa Mỹ, dù hợp tác quốc phòng giữa hai nước không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ông Pankaj Jha, một chuyên gia về nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại Đại học toàn cầu O.P. Jindal Global tại bang Haryana (Ấn Độ), cho rằng Lầu Năm Góc dù biết mối quan hệ quân sự với Mỹ hiện rất tốt, nhưng khó có khả năng để New Delhi tham gia vào một chiến lược chống Trung Quốc.
Một số nhà phân tích phương Tây nhận định nhóm được gọi là “Bộ tứ” - gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia - là cách tốt nhất để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng Ân Độ sẽ không bao giờ lại lâm vào chiến tranh với Trung Quốc và Trung Quốc cũng vậy, vì thế các lựa chọn của Mỹ liên quan tới việc đưa Ấn Độ vào một chiến lược chống Trung Quốc sẽ rất hạn chế.
Khả năng thay đổi nhanh chóng
Nhiều chuyên gia chiến lược và quân sự nói, một trong những câu hỏi phổ biến là liệu Mỹ có đáng tin cậy trong lời hứa bảo vệ an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Michael H. Fuchs, một cựu cố vấn của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cho hay dường như Tổng thống Trump không có một chiến lược khu vực như chính quyền của ông khẳng định, và rằng ông Trump dường như chỉ quan tâm về thương mại và Triều Tiên và không có chiến lược cho các vấn đề khác.
“Không quan chức chính quyền nào có thể tin tưởng điều mà chính quyền Mỹ nói vì Tổng thống có thể thay đổi chính sách bằng một câu thông báo trên mạng xã hội bất kỳ lúc nào”, ông Fuchs cho hay.
Trong khi đó, giới chức chính quyền Trump đã bác bỏ các thông tin như vậy, nói rằng các nỗ lực ngoại giao và quốc phòng của họ tại châu Á đều tăng cường so với thời Obama. Nhưng ông Fuchs nói chính ông Trump đã hủy bỏ chiến lược tại châu Á của người tiền nhiệm và thay vào đó mở chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn lời một quan chức quốc phòng cho hay việc hoạch định chính sách quốc phòng tại quốc gia của nước ông bị ảnh hưởng bởi khả năng chiến lược của Mỹ tại châu Á vẫn khó đoán trong nhiều năm, và tình trạng thay đổi nhân sự liên tục tại Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao dự kiến sẽ còn tiếp diễn nếu ông Trump giành chiến thắng thêm nhiệm kỳ 4 năm nữa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Quan chức trên nói thêm, chiến lược quốc phòng quốc gia của nước ông được lên kế hoạch “dựa trên mô hình rằng mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng và chúng tôi phải thích nghi với bối cảnh địa chính trị thay đổi”.
An Bình
Theo SCMP