1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

4 chuyện lớn chi phối cục diện thế giới thời gian tới

Thượng đỉnh G20 Argentina cho thấy, quan hệ Nga-Mỹ không có cải thiện, trong khi đó, Bắc Kinh đã phải xuống thang trước Washington.


Hội nghị thượng đỉnh G20 2018 ở Argentina được coi là thành công và đã ra được tuyên bố chung

Hội nghị thượng đỉnh G20 2018 ở Argentina được coi là thành công và đã ra được tuyên bố chung

Thượng đỉnh G20: Nga hài lòng nhưng chưa mãn ý

Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina trong mấy ngày qua đã thông qua tuyên bố chung. Tuy nhiên hầu hết những ‘góc nhọn’ (những vấn đề gai góc trên trường quốc tế) trong văn kiện này đều đã được mài cho mềm mại đi.

Trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh và trong quá trình thảo luận, các vấn đề được tập trung chú ý nhất là chuyển đổi kỹ thuật số, sự bùng nổ của chủ nghĩa bảo hộ, thậm chí đến mức chiến tranh thương mại, vấn đề nợ quốc gia của nhiều nước, số phận của hệ thống thương mại tự do đa phương và nhiều vấn đề khác.

Ngoài ra, vấn đề độ tin cậy của đồng tiền dự trữ, lệnh trừng phạt, việc áp dụng các loại thuế quan khác nhau cũng được đề cập tới.

Nga đã lên tiếng bày tỏ sự nghi ngờ về năng lực làm việc của định dạng G20, vì Moscow cho rằng, phương Tây không sẵn sàng thảo luận các quy tắc toàn cầu trên cơ sở bình đẳng giữa các cường quốc trên thế giới và xu hướng và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia.

Theo giới phân tích quốc tế, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina mặc dù đã ra được tuyên bố chung và được coi là “thành công”, nhưng những vấn đề bên lề của nó mới là những điều được giới phân tích quan tâm lưu ý.

Sau đây là 4 vấn đề lớn nổi lên trong Hội nghị thượng đỉnh G20, sẽ tiếp tục chi phối đến cục diện chính trị, kinh tế của thế giới trong thời gian tới.

Mỹ lạc lõng giữa các đồng minh và đối thủ

Ông Boris Mezhuyev, tổng biên tập trang web Politanalytic ngày 02/12 đã nhận định về sự lạc lõng của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Argentina.

Theo ông, chương trình nghị sự của ông chủ Nhà Trắng đã không nhận được sự đồng tình ủng hộ tại hội nghị thượng đỉnh G20, ông Trumg đã bị cô lập.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không tổ chức họp báo, bỏ dở chương trình sự kiện của mình để bay về Mỹ dự lễ tang cựu Tổng thống George Bush (cha). Tuy nhiên, ông Boris Mezhuyev không ngoại trừ khả năng ông Trump đã rời diễn đàn này không chỉ vì đám tang, mà còn vì chương trình nghị sự của ông không nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía các nước khác.

"Trump cảm thấy phần nào bị cô đơn không chỉ giữa các quốc gia đồng minh châu Âu, mà cả giữa các nước được coi là bạn bè ở châu Á. Chính tại hội nghị thượng đỉnh này, nhà lãnh đạo Mỹ đã có cảm giác rõ ràng về sự tách biệt của Mỹ đối với thế giới" - nhà khoa học chính trị giải thích.

Theo ông, G-20 được tổ chức chủ yếu bởi Hoa Kỳ và một khi người được coi là “Nhà lãnh đạo thế giới” bị cô lập, điều này cho thấy Mỹ đang mất dẫn vai trò thống trị thế giới, không có đủ khả năng kết nối các đồng minh và thu hút các nước đang phát triển theo quỹ đạo của Mỹ.

Thượng đỉnh G20 hay tập hợp của các cuộc Hội đàm song phương?

Ông Boris Mezhuyev, tổng biên tập trang web Politanalytic nhận định rằng, Hội nghị G20 ở Argentina năm nay không còn đúng nghĩa là Hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia “Nhóm các nền kinh tế lớn” (20 nền kinh tế lớn, gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất và Liên minh châu Âu - EU).

“Theo cách nhìn nhận của tôi thì hội nghị thượng đỉnh không thành công. Hầu như không ai chú ý đến hội nghị thượng đỉnh, mọi người chỉ chú ý đến các cuộc họp song phương giữa các vị lãnh đạo - trước hết là các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ hoặc Nga với Trung Quốc” - vị chuyên gia nói.

Ông Kosachev gọi G20 là "Hội nghị thượng đỉnh của các nhóm song phương". Theo ông, các nhà lãnh đạo thế giới cảm thấy dễ đàm phán các về chủ đề nhất định với các quốc gia cụ thể, hơn là hành động vì lợi ích chung của cả nhóm hoặc cả thế giới.

Đây là xu hướng không tốt đối với các nhóm, các liên minh và liên kết, có thể gây ra những hỗn loạn và tự phát trong xu hướng phát triển của một khu vực, một nhóm quốc gia cùng định hướng.

Vị thượng nghị sĩ Nga đánh giá, các cuộc họp song phương của Putin với các nhà lãnh đạo của Saudi Arabia, Argentina, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ G-20, được coi là thành công về phương diện ngoại giao, cho thấy Nga có đủ khả năng tập hợp và lãnh đạo một cực làm đối trọng với Mỹ.

Mỹ tiếp tục bài xích Nga

Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định hủy cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina, sau khi xem báo cáo về vụ đụng độ giữa hải quân Nga với hải quân Ukraine ở eo biển Kerch.

Thay vào đó, Tổng thống Mỹ Donal Trump và Tổng thống Nga Putin đã có một cuộc gặp chớp nhoáng khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 Buenos Aires.

Tuy nhiên, cuộc gặp mặt thoáng qua này không cho phép họ trao đổi, tháo gỡ những bất đồng giữa hai bên và tìm được tiến nói chung về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Có cảm giác rằng, bất cứ khi nào nổi lên thời cơ để các vị nguyên thủ Nga-Mỹ ngồi lại với nhau thì sẽ có sự kiện bất thường nào đó diễn ra và ngăn cản nó. Do đó, không loại trừ rằng, sự kiện ở eo biển Kerch hôm 25/11 và biển Azov những tuần gần đây là nhằm mục đích ngăn cản sự xích lại gần nhau giữa Moscow và Wshington.


Những vấn đề bên lề, đặc biệt là quan hệ Mỹ-Nga-Trung Quốc là những vấn đề được lưu ý hơn cả chương trình nghị sự của G20

Những vấn đề bên lề, đặc biệt là quan hệ Mỹ-Nga-Trung Quốc là những vấn đề được lưu ý hơn cả chương trình nghị sự của G20

Dự kiến, những khúc mắc trong quan hệ Nga-Mỹ và những bất đồng quan điểm trong những vấn đề hai bên cùng quan tâm sẽ không thể giải quyết được trong thời gian tới; dẫn đến quan hệ Nga-Mỹ trong tương lai cũng sẽ không có bất cứ bước đột phá nào.

Trung Quốc nhún nhường trước Mỹ

Sau bữa ăn tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người phát ngôn của Nhà Trắng là bà Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý không tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc từ 10% lên 25% từ ngày 1 tháng 1.

Với quyết định mới nhất này, mức thuế của Mỹ đánh vào các loại hàng hóa có khối lượng nhập khẩu trên 200 tỷ USD mỗi năm từ Trung Quốc tạm thời vẫn sẽ giữ ở mức 10%. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào “thái độ của Trung Quốc”.

Washington cảnh báo rằng, nếu trong vòng 90 ngày tới (tức là đến tháng 2/2019) mà Mỹ không đạt được thỏa thuận với phía Trung Quốc về một số vấn đề thương mại thì thuế suất sẽ tăng lên theo mức dự kiến trước đó, tức là từ 10% tăng lên 25%.

Quyết định tạm ngưng áp thuế của Mỹ đối với Trung Quốc là không có gì khó hiểu khi bà Sanders tiết lộ rằng, ông Tập đã đồng ý mua một số lượng "rất đáng kể" các mặt hàng nông nghiệp và hàng hóa khác từ Hoa Kỳ, để giảm tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai bên.

Bà Sanders nói rằng, mặc dù chưa được thỏa thuận cụ thể về danh mục, nhưng chắc chắn là khối lượng các mặt hàng nông sản, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Mỹ xuất sang Trung Quốc sẽ “rất đáng kể”.

Bắc Kinh đã cam kết mua nông sản của nông dân Mỹ "ngay lập tức", sau đó là đến các mặt hàng khác.

Theo Huy Bình

Báo Đất Việt