Ca bệnh ở vùng dịch tăng "sốc" 7.600%, Indonesia căng mình chống Covid-19
(Dân trí) - Indonesia đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới Covid-19 tại các đảo đông dân nhất, trong đó một khu vực ghi nhận số ca tăng mạnh gần 7.600%.
Số ca Covid-19 tăng vọt ở 2 hòn đảo đông dân nhất Indonesia khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại rằng kịch bản tồi tệ nhất với quốc gia Đông Nam Á vẫn rình rập ở phía trước.
Hai đảo Java và Sumatra ghi nhận số ca Covid-19 tăng phi mã 3 tuần sau kỳ nghỉ lễ nối tiếp tháng ăn chay của người Hồi giáo, sự kiện thu hút hàng triệu tín đồ di chuyển mà không tuân thủ lệnh cấm đi lại tạm thời, trong bối cảnh các biến chủng dễ lây nhiễm hơn của SARS-Cov-2 đang lây lan chóng mặt tại Đông Nam Á.
Tại Kudus, trung tâm Java, số ca bệnh tăng "sốc" 7.594% chỉ trong một thời gian ngắn. Lực lượng y tế bổ sung đã được điều động tới hỗ trợ, nhưng các bệnh viện đã bị lấp kín tới 90% vào lúc này.
Defriman Djafri, một nhà dịch tễ học từ Đại học Andalas ở Padang, cho biết số ca tử vong ở Tây Sumatra trong tháng 5 đã đạt mức cao kỷ lục, chưa từng có tiền lệ.
Tại Riau, Sumatra, số ca Covid-19 ghi nhận trong 24 giờ tăng gấp đôi từ đầu tháng 4, lên 800 ca vào giữa tháng 5. Trong khi đó, vào tuần trước, tỷ lệ dương tính là 35,8%, tức là hơn 1/3 tổng số người đi xét nghiệm cho kết quả mắc Covid-19.
Theo nhà dịch tễ học Wildan Asfan Hasibuan, thành viên nhóm chống dịch của Sumatra, số ca bệnh ở Indonesia tăng mạnh có thể là do các biến chủng mới dễ lây nhiễm, vốn đang hoành hành ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Tuy nhiên, việc đo lường tác động của các biến chủng ở Indonesia không phải là việc dễ, vì họ có năng lực giải trình tự gen khá hạn chế, dẫn tới việc không thể phân tích các mẫu virus để có thể hiểu được sự thay đổi của chúng.
Ngoài ra, Indonesia bị đánh giá là cũng chưa nhanh trong việc truy vết mầm bệnh và xét nghiệm. Bên cạnh đó, nỗ lực tiêm chủng ở quốc gia Đông Nam Á cũng diễn ra chậm chạp.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng số ca bệnh thực tế ở Indonesia có thể cao hơn con số 1,9 triệu được thống kê. Nước này hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á.
Các chuyên gia kêu gọi Indonesia nên cảnh giác với các biến chủng và có biện pháp quyết liệt hơn với B.1.617.2, biến chủng nguy hiểm lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ.
Dicky Budiman, nhà dịch tễ học ở đại học Griffith (Australia) cho biết chủng trên đang trong giai đoạn lây lan đầu tiên ở Indonesia và nếu quốc gia Đông Nam Á không tăng tốc, số ca bệnh có thể sẽ bùng nổ trong cộng đồng và số người chết sẽ tăng mạnh.