1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

3 nước châu Âu đồng loạt trục xuất nhà ngoại giao Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Đức, Ba Lan và Thụy Điển đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ Moscow trục xuất các nhân viên ngoại giao châu Âu vì biểu tình ủng hộ nhà hoạt động đối lập.

3 nước châu Âu đồng loạt trục xuất nhà ngoại giao Nga - 1

Nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny tham gia biểu tình tại Moscow năm 2019. (Ảnh: Getty)

"Văn phòng Đối ngoại hôm nay tuyên bố "không chào đón" một nhân viên đại sứ quán Nga ở Berlin. Nga đã trục xuất một số nhà ngoại giao EU, trong đó có một người tại đại sứ quán Đức. Quyết định này là hoàn toàn vô lý", thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức ngày 8/2 cho biết.

Ba Lan tuyên bố trục xuất một nhân viên ngoại giao tại lãnh sự quán Nga ở Poznan, trong khi Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cũng tuyên bố trục xuất một nhà ngoại giao Nga.

"Chúng tôi đã thông báo cho Đại sứ Nga rằng một người ở đại sứ quán Nga đã được yêu cầu rời khỏi Thụy Điển. Đây là phản ứng rõ ràng đối với quyết định không thể chấp nhận được khi (Nga) trục xuất một nhà ngoại giao Thụy Điển - người chỉ đang làm nhiệm vụ của mình", Ngoại trưởng Thụy Điển viết trên Twitter.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng chỉ trích quyết định trục xuất của Đức, Ba Lan và Thụy Điển.

"Quyết định ngày hôm nay của Ba Lan, Đức và Thụy Điển là không có cơ sở, không thân thiện và là sự tiếp nối của một chuỗi những hành động mà phương Tây vẫn đang làm nhằm vào đất nước của chúng tôi và chúng tôi coi đó là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi", bà Zakharova nói với kênh truyền hình Nga.

Nga ngày 5/2 thông báo trục xuất các nhà ngoại giao từ 3 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Ba Lan, Thụy Điển và Đức vì tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Đức đã lên tiếng bảo vệ nhà ngoại giao bị Nga trục xuất.

"Nhà ngoại giao Đức chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của ông ấy là báo cáo về các diễn biến trên thực tế theo cách hợp pháp", Bộ Ngoại giao Đức giải thích.

Nga đưa ra thông báo trục xuất sau khi quan chức cấp cao của EU Josep Borrell kêu gọi Nga thả ông Navalny ngay lập tức. Ông Borrell trước đó từng tuyên bố vụ việc của Navalny là vấn đề gây rạn nứt mối quan hệ giữa Nga và EU.

Trước đó, cảnh sát Moscow đã bắt giữ chính khách đối lập Alexei Navalny tại sân bay thủ đô vào đêm 17/1 ngay sau khi ông từ Đức trở về. Cơ quan nhà tù liên bang Nga xác nhận ông Navalny đã bị bắt giữ do không ra trình diện theo yêu cầu của cơ quan chức năng. 

Việc bắt giữ ông Navalny diễn ra khi ông trở về nước sau 5 tháng ở Đức được cho là để điều trị. Giới chức Đức nói rằng, ông Navalny nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh tại sân bay ở Nga hồi tháng 8/2020. Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc liên quan đến vụ đầu độc ông Navalny. Phiên tòa mới đây đã quyết định chuyển án treo 2 năm 8 tháng với ông Navalny thành án tù giam.

Trong khi một số nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Đức, Pháp và Anh, kêu gọi Nga thả nhà hoạt động đối lập, Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích động thái của phương Tây là "chiến dịch phối hợp toàn cầu nhằm kiểm soát Nga và can thiệp vào công việc nội bộ của Nga". Nga yêu cầu các nước bên ngoài tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như việc Nga xử lý các vấn đề trong nước.