1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Ấn Độ - Pakistan
  3. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày
  4. Mỹ thúc đẩy đàm phán về xung đột Ukraine

3 bài toán lớn nhất của ông Trump trên "mặt trận" đối ngoại

Bảo Châm

(Dân trí) - Dù từng cam kết chấm dứt xung đột Nga - Ukraine ngay ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận đây là một trong những quan ngại lớn nhất của ông trên "mặt trận" đối ngoại hiện nay.

3 bài toán lớn nhất của ông Trump trên mặt trận đối ngoại - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Phát biểu trước các nhà tài trợ tại câu lạc bộ ở bang Florida hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả việc chấm dứt xung đột Nga - Ukraine là một nỗi trăn trở ngày càng lớn khiến ông mất ngủ, theo lời những người có mặt tại sự kiện.

Ông Trump cho rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin rất khó đàm phán và "muốn có được tất cả", một người tham dự sự kiện cho biết.

Những bình luận trên được đưa ra để trả lời câu hỏi của một nhà tài trợ về mối quan ngại lớn nhất của ông chủ Nhà Trắng trong chính sách đối ngoại.

Ông Trump đồng thời cho biết cuộc chiến ở Dải Gaza cũng là một thách thức không nhỏ. Tìm kiếm một giải pháp gần như là bất khả thi vì "họ đã chiến đấu trong một nghìn năm".

Khi tranh cử trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 2, ông Trump từng cam kết sẽ chấm dứt cả hai cuộc chiến trên bằng con đường ngoại giao, và lập luận rằng cả hai cuộc xung đột đều sẽ không xảy ra nếu ông còn là tổng thống vào thời điểm đó. Thậm chí, ông tuyên bố sẽ kết thúc cuộc giao tranh tại Ukraine "ngay trong ngày đầu nhậm chức".

Tuy nhiên, khi đã bước qua mốc 100 ngày trong nhiệm kỳ thứ hai, chưa có cuộc xung đột nào tiến gần hơn đến giải pháp, các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran cũng bị đình trệ, và một cuộc chiến thương mại đang gây căng thẳng với các đồng minh.

Ông chủ Nhà Trắng sau đó nói rằng ông chỉ đùa khi tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong thời gian kỷ lục, và rằng những người ủng hộ hiểu ông đang nói phóng đại.

Ông Kyle Haynes, giáo sư chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Purdue, cho biết: "Nếu ông ấy không lặp lại lời hứa đó liên tục trong suốt chiến dịch tranh cử thì những lời chỉ trích lúc này có thể bất công. Nhưng sự thật là ông đã nói rất nhiều lần".

Người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly cho biết ông Trump và đội ngũ đã "tập trung cao độ trong việc đem lại hòa bình trên toàn thế giới và ngăn chặn các thế lực xấu gây hại cho người Mỹ và các đồng minh".

"Cách tiếp cận của họ đã mang lại kết quả. Cụ thể, phiến quân Houthi đồng ý ngừng bắn, 47 công dân Mỹ bị giam giữ ở nước ngoài đã trở về, các nước NATO đang tăng chi tiêu quốc phòng, Trung Quốc bị kiềm chế, và chúng ta đang tiến gần hơn bao giờ hết đến hòa bình trong xung đột Nga - Ukraine", bà Kelly nhấn mạnh.

Xung đột Nga - Ukraine

Trong những tuần gần đây, ông Trump thường xuyên than phiền với các cố vấn rằng cả Nga và Ukraine đều từ chối thỏa hiệp. 

Ông Trump cũng hỏi các cố vấn rằng liệu họ có nghĩ ông Putin đã thay đổi kể từ khi ông kết thúc nhiệm kỳ đầu hay không, và bày tỏ sự bất ngờ trước một số động thái quân sự của Nga.

Hồi đầu năm nay, Tổng thống Trump cho rằng Kiev sẽ khó thuyết phục hơn Moscow, trừ khi các điều khoản đàm phán là theo ý họ. Nhận định này đã dẫn đến một cuộc đối đầu căng thẳng ngay tại Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, được truyền hình trực tiếp.

Gần đây hơn, các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump lại thừa nhận Nga vẫn là trở ngại lớn nhất, khi tiếp tục từ chối một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày mà Kiev đã ủng hộ, thay vào đó tìm kiếm thêm nhiều nhượng bộ từ phía Ukraine.

"Tôi không nói rằng người Nga không quan tâm đến việc chấm dứt xung đột. Nhưng chúng tôi cho rằng yêu cầu của họ là quá mức", Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại một sự kiện của Diễn đàn An ninh Munich tổ chức ở Washington hôm 7/5.

Các kế hoạch ban đầu của Tổng thống Trump cho cuộc xung đột cũng nhanh chóng bị đảo lộn chỉ sau vài tuần. Nga đã phàn nàn về ông Keith Kellogg, đặc phái viên về Ukraine đầu tiên của ông Trump, do con gái ông công khai ủng hộ Kiev.

Ông Trump sau đó yêu cầu ông Kellogg chỉ đàm phán với phía Ukraine và chọn ông Steve Witkoff, một người bạn lâu năm, hiện là đặc phái viên phụ trách Trung Đông, thay thế. Theo ông Kellogg và nhóm của ông, nhà ngoại giao này đã thành công trong việc thuyết phục Kiev đồng thuận với tiến trình hòa bình do Tổng thống Trump đề xuất.

Theo đó, ông Witkoff liên tục gây sức ép để hai bên chấp nhận những điều khoản không mong muốn. Giờ đây, ông cho biết ông chỉ muốn đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán - điều mà đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Một số quan chức Mỹ cũng cho rằng ông Trump có thể xem nhiệm vụ của mình là hoàn tất nếu đưa được Nga và Ukraine tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp nghiêm túc. Những gì xảy ra sau đó sẽ tùy thuộc vào hai bên, từ đó giúp Mỹ có thể tập trung vào các ưu tiên khác, các quan chức này cho biết.

Chiến sự ở Dải Gaza

Với tình hình ở Dải Gaza, chính quyền Trump cũng đang thúc đẩy một giải pháp đàm phán để chấm dứt cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

Đặc phái viên Witkoff đang mở rộng nhóm cố vấn để chuẩn bị cho một Gaza hậu chiến, bao gồm cả các cuộc gặp với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và luật sư Alan Dershowitz, theo nguồn tin thân cận.

"Họ thành công hay không thì chưa biết, nhưng họ đang nỗ lực hết sức", ông Dershowitz, cựu giáo sư Đại học Harvard cho biết, đồng thời nói thêm rằng: "Tôi cảm thấy tình hình khó khăn hơn họ tưởng".

Tuần trước, nội các Israel đã thông qua kế hoạch kiểm soát toàn bộ Gaza nếu Hamas tiếp tục chiến đấu và không thả những con tin còn lại. Chính phủ Israel tuyên bố Hamas có thời hạn đến cuối chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Donald Trump vào tuần tới để thả con tin.

Một số quan chức trong chính quyền Trump tỏ ra thất vọng với các cuộc tấn công tái diễn của Israel. Tuy nhiên, ông Trump vẫn nói về việc tái thiết khu vực và trên thực tế đã bật đèn xanh cho Israel tiếp tục các hoạt động quân sự cho đến khi Hamas thay đổi lập trường.

Trước đó, ông Witkoff từng hỗ trợ chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 1, chỉ vài giờ trước khi ông Trump nhậm chức. 

Tuy nhiên, thỏa thuận này sụp đổ vào tháng 3, và chiến sự đã bùng phát trở lại. Israel hiện đã ngừng toàn bộ hoạt động viện trợ cho người dân Palestine ở Gaza, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Chương trình hạt nhân Iran

Tổng thống Trump tuyên bố các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran đang tiến triển tốt. Đặc phái viên Witkoff đã 3 lần gặp phía Iran một cách gián tiếp để thảo luận việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran, và có cuộc gặp thứ tư vào cuối tuần qua tại Oman.

Ông Witkoff đề xuất rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ cấm vận và rút lại đe dọa sử dụng vũ lực nếu Iran đồng ý tháo dỡ chương trình hạt nhân và mua uranium làm giàu từ Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, Iran vẫn tìm cách giữ lại các máy ly tâm và không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ tháo dỡ bất kỳ phần nào trong chương trình hạt nhân.

Chính quyền Trump cũng chưa cho biết việc "tháo dỡ" cụ thể sẽ bao gồm những gì.

"Chúng tôi chưa đưa ra quyết định đó", ông Trump thông tin với các phóng viên hôm 7/5, chỉ vài ngày sau khi nói với đài truyền hình NBC rằng ông chỉ chấp nhận "tháo dỡ hoàn toàn."

Ông Trump từng đe dọa sẽ có hành động quân sự nếu Iran từ chối áp đặt giới hạn nghiêm ngặt lên chương trình hạt nhân, nhưng vẫn chưa thuyết phục được phần lớn các đồng minh.

Lập trường của chính quyền Tổng thống Donald Trump về chương trình hạt nhân này hiện gây tranh cãi và vấp phải nhiều bất đồng nội bộ. Các quan chức trong chính quyền cho biết họ bất ngờ trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề này.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Paris và các nước khác cần những biện pháp cứng rắn hơn đối với Tehran so với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà ông Trump đã rút lui. Tuy nhiên, ông cũng loại trừ khả năng sử dụng vũ lực.

"Chúng tôi tin rằng không có con đường nào khác để giải quyết vấn đề Iran ngoài con đường ngoại giao", ông khẳng định.

Theo WSJ