2012 - Năm của châu Á-Thái Bình Dương
(Dân trí) - Nếu 2011 là năm của Trung Đông-Bắc Phi với làn sóng Mùa xuân Arab, thì 2012 được coi là năm của châu Á-Thái Bình Dương.
Tranh chấp biển đảo sẽ tiếp tục là vấn đề nổi cộm ở châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2013.
Nói vậy không có nghĩa những nơi khác không có vấn đề. Chiến tranh ở Afghanistan vẫn khốc liệt, tình hình Ai Cập vẫn đầy rẫy khó khăn, Iran vẫn như lò thuốc súng đặt cạnh mồi lửa, xung đột Israel - Palestine có thể bùng nổ đẫm máu bất cứ lúc nào và đặc biệt là làn sóng phản kháng ở Syria vẫn đang nhấn chìm mọi nỗ lực hoà giải quốc tế... Tuy nhiên, mọi cặp mắt của giới quan sát và nghiên cứu chính trị thế giới hầu như vẫn dõi về một nơi khác: châu Á-Thái Bình Dương.
Lý do thứ nhất xuất phát từ việc Mỹ ngày càng chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau hơn nửa thế kỷ tập trung vào châu Âu (thời Chiến tranh Lạnh) và một thập niên tập trung vào Trung Đông (thời chống khủng bố).
Ngay từ khi đưa ra chiến lược xoay trục từ Tây sang Đông, Mỹ đã không úp mở khi thừa nhận rằng tương lai của Mỹ cũng như thế giới sẽ phụ thuộc vào châu Á - Thái Bình Dương, ít nhất trong vài ba thập niên tới. Chính khu vực này, chứ không phải bất cứ nơi nào khác trên thế giới, trở thành thao trường củng cố, hay ở góc độ nào đó cũng sẽ thách thức, vị thế siêu cường số 1 của Mỹ. Và nếu có một cuộc chiến tranh lớn mang tầm khu vực hoặc rộng hơn, châu Á-Thái Bình Dương sẽ trở thành chiến trường chính.
Điểm lại trong năm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhiều lần tiến hành các chuyến thăm, đôi lúc cấp tập, tới các nước châu Á. Chỉ hai tuần sau khi thắng cử nhiệm kỳ 2, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã chọn đi thăm ba nước châu Á gồm Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Tất cả các cuộc thăm viếng chính thức ấy đều nhằm mục đích chính: khẳng định quyết tâm tăng cường ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Các chuyến thăm này không chỉ giúp Mỹ củng cố quan hệ với các đồng minh cũ, tìm kiếm thêm các đồng minh mới, mà còn tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác trên cả ba lĩnh vực: kinh tế, chính trị và quân sự. Những động thái này một mặt giúp Washington bảo vệ vị thế lãnh đạo ở châu Á nói riêng, trên thế giới nói chung; mặt khác giúp kiềm chế, nếu không muốn nói là bao vây, Trung Quốc, điều không được nói ra một cách công khai.
Bên cạnh các biện pháp ngoại giao nói trên, Mỹ cũng ráo riết thúc đẩy nhiều biện pháp quân sự đi kèm như: điều thêm chiến hạm và các loại vũ khí đến một số vùng biển ở châu Á - Thái Bình Dương; xây dựng, phát triển các căn cứ quân sự ở khu vực này và tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực.
Lý do thứ hai là sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc.
Trung Quốc bao giờ cũng khẳng định nước này chủ trương phát triển một cách hòa bình, phát triển trong hòa bình và phát triển hướng tới hòa bình nhằm xây dựng một thế giới hòa bình thực sự. Thế nhưng những hành động gần đây của Trung Quốc, đặc biệt là những việc xảy ra trong năm 2012, thì hoàn toàn khác hẳn.
Với mưu toan chiếm giữ cả Biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc đã không nề hà gây hấn, đe dọa hết nước này đến nước khác. Trung Quốc đã liên tiếp đưa tàu đánh cá, tàu hải giám đến bãi đá cạn Hoàng Nham/ Scarborough tranh chấp với Philippines, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật Bản; thành lập và xây dựng cơ sở hạ tầng của cái gọi là "thành phố Tam Sa" chiếm 2/3 diện tích Biển Đông và cho lưu hành hộ chiếu "đường lưỡi bò" ôm trọn vùng biển này. Ngoài ra, Trung Quốc còn tuyên bố sẽ "chặn giữ, lục soát và khám xét các tàu bè hoạt động ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 1/1/2013.
Lý do thứ ba là các nước trong khu vực ngày càng tỏ rõ thái độ mạnh mẽ trước những hành vi gây hấn ngang ngược của Trung Quốc. Nhật Bản và Philippines là những nước có phản ứng quyết liệt nhất, khi cùng tuyên bố sẽ cương quyết ngăn chặn âm mưu "xâm lấn" của Trung Quốc, đồng thời tích cực đẩy mạnh liên minh với Mỹ để tăng cường năng lực quốc phòng. Chiến thắng vang dội của Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc bầu cử mới đây cho thấy người dân đất nước "Mặt trời mọc" đã chọn phản ứng cứng rắn trước các âm mưu bành trướng của Trung Quốc.
Ngoài Nhật Bản và Philippines, nhiều quốc gia khác ở châu Á cũng tìm cách "tự vệ" bằng nhiều phương thức dưới các mức độ khác nhau như mua thêm khí tài, xây dựng hoặc củng cố các khối liên minh quân sự. Điển hình là việc hình thành hai khối liên minh Mỹ-Nhật-Hàn-Australia và Australia-Nhật Bản-Ấn Độ.
Lý do thứ tư là những đột phá trên biển, trên không và vũ trụ đồng loạt "nở rộ" ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2012. Trong năm qua, Trung Quốc chính thức "ghi tên" vào danh sách 10 quốc gia sở hữu tàu sân bay, chính thức khởi động nghiên cứu thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, còn Triều Tiên tạm thời được coi là thành viên câu lạc bộ các cường quốc vũ trụ sau vụ phóng vệ tinh hôm 12/12.
Sự xuất hiện của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc không khỏi khiến Mỹ và nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines quan ngại. Nhà Trắng coi tàu sân bay Trung Quốc là thách thức đối với ưu thế độc quyền trên biển của mình, cho dù tàu sân bay đầu tiên của nước này chỉ là phiên bản được nâng cấp từ một tàu sân bay cũ mua lại của Ukraina.
Tất nhiên, lý do thực sự khiến các nước lo ngại không phải vì năng lực chiến đấu của con tàu này, khi mà Liêu Ninh chỉ được coi là biểu tượng chứ không phải vũ khí thực sự. Chính phương thức thể hiện của Bắc Kinh mới là điều khiến các nước "đứng ngồi không yên". Nhìn lại, Trung Quốc chủ ý cho hạ thuỷ Liêu Ninh gần như cùng thời điểm Mỹ khởi động chiến lược hàng hải mới. Không chỉ thế, nước này còn cấp tốc đẩy mạnh kế hoạch sắm 4 tàu sân bay thông thường vào năm 2015, một tàu sân bay hạt nhân vào năm 2020 và tiến hành thử nghiệm chiến đấu cơ J-31 thế hệ 5 đầu tiên.
Theo lời chuyên gia Pavel Kamennov của Viện Viễn Đông (Nga), việc sở hữu tàu sân bay là nỗ lực lớn của Trung Quốc nhằm khẳng định vai trò cường quốc toàn cầu. Với nỗ lực này, tiềm lực của Hải quân Trung Quốc sẽ gia tăng đáng kể. Các tàu sân bay không chỉ được sử dụng để bảo vệ tàu chở dầu từ Trung Đông-Bắc Phi, mà còn giúp Bắc Kinh gây sức ép lên các nước khác trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực.
Có thể nói 2012 là năm khởi đầu thế trận mới ở châu Á - Thái Bình Dương với những sự kiện đáng chú ý với cả các nước trong khu vực và thế giới. Với những diễn biến đó, cộng thêm những chuyển động chính trị phức tạp tại khu vực này trong thời gian tới sau khi cả cả 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã bầu ra ban lãnh đạo mới giữ quan điểm cứng rắng, chắc chắn châu Á - Thái Bình Dương sẽ còn tiếp tục là "điểm nóng" của thế giới trong năm 2013 và có thể cả nhiều năm sau đó.
Việt Giang