1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

18 ngày kỳ tích Tham Luang: Cuộc chiến vượt lên nghịch cảnh

(Dân trí) - Vượt qua hàng loạt khó khăn và có lúc tưởng chừng bế tắc, chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan đã diễn ra thành công và đưa toàn bộ những người mắc kẹt ra khỏi hang trong niềm vui của người dân trên khắp thế giới.

Tiệc sinh nhật

Các thợ lặn tiến vào hang Tham Luang giải cứu đội bóng (Ảnh: Reuters)
Các thợ lặn tiến vào hang Tham Luang giải cứu đội bóng (Ảnh: Reuters)

Mưa được dự báo sẽ trút xuống vào ngày 23/6 - ngày đội bóng Lợn Rừng có chuyến đi tới hang Tham Luang tại tỉnh Chiang Rai. Tuy vậy, cả 12 thành viên của đội bóng và huấn luyện viên vẫn mạo hiểm đi vào hang. Họ để lại xe đạp và giày đá bóng bên ngoài cửa hang. Những gì họ mang theo là đèn pin, nước và một ít đồ ăn vặt để tổ chức sinh nhật cho một cầu thủ trong đội bóng.

Vào đêm đầu tiên khi đội bóng bị phát hiện mất tích, cha mẹ của các cầu thủ dường như phát điên. Một nhóm thợ lặn là đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan đã có mặt tại hang Tham Luang 24 giờ sau đó. Họ bắt đầu tìm đường vào bên trong hang ngập nước vào 4 giờ sáng hôm sau.

Tuy nhiên, những “người nhái” Thái Lan vốn chỉ quen với môi trường nước mở nhiệt đới, chứ không phải những dòng nước mờ đục, lạnh ngắt chảy trong hang Tham Luang. Ngay cả trang thiết bị lặn họ cũng thiếu, chứ chưa nói đến kinh nghiệm lặn trong hang - nơi mà các thợ lặn thậm chí không thể ngoi lên mặt nước để thở nếu có điều gì bất trắc xảy ra.

Ngày 25/6, Ruengrit Changkwanyuen, quản lý khu vực Thái Lan của hãng xe General Motors, là một trong những thợ lặn hang động đầu tiên tình nguyện có mặt tại Tham Luang. Sau đó, hàng chục thợ lặn khác cũng kéo đến, bao gồm cả thợ lặn Phần Lan, Anh, Trung Quốc, Australia và Mỹ.

Chinh phục “nhiệm vụ bất khả thi” trong chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan

Ngay cả đối với những người có kinh nghiệm về lặn trong hang động như Ruengrit, lực cản của nước chảy trong hang Tham Luang cũng khiến ông bị sốc. Thậm chí, mặt nạ của Ruengrit đã bị xé rách khi ông không thả người vào đúng vị trí đối diện trực tiếp với dòng nước.

“Nó giống đi bộ trong một thác nước đang chảy mạnh và có cảm giác nước đang đổ ập vào người. Mỗi bước di chuyển giống như chồm lên luồng nước theo chiều ngang”, Ruengrit nhớ lại.

Các thợ lặn SEAL của Hải quân Thái Lan và các thợ lặn là tình nguyện viên vẫn quyết tâm tiến vào trong hang và tuân thủ theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn trong lúc di chuyển. Cuối cùng họ cũng phát hiện ra các dấu chân cho thấy đường đi của đội bóng trong hang. Những trận mưa lớn đã đổ đầy nước vào hang, trong khi những khối đá vôi hút nước như bọt biển.

“Nếu bạn đặt bàn tay trước mặt, nó sẽ biến mất. Bạn sẽ không thể nhìn thấy bất kỳ thứ gì”, Kaew, thợ lặn SEAL của Hải quân Thái Lan, cho biết.

Nhiều nhà thám hiểm nói rằng Tham Luang là một trong những hang động nguy hiểm nhất thế giới. Hang được người Pháp khảo sát gần đây nhất vào thập niên 1980, nhưng có nhiều phần trong hang vẫn chưa được khám phá và đưa lên bản đồ.

Khó khăn chồng chất

Đồ họa quãng đường đội cứu hộ tiếp cận đội bóng Thái Lan trong hang Tham Luang (Nguồn: Bangkok Post)
Đồ họa quãng đường đội cứu hộ tiếp cận đội bóng Thái Lan trong hang Tham Luang (Nguồn: Bangkok Post)

Khi vào sâu trong hang, nước lạnh khiến răng của các thợ lặn Thái Lan va lập cập vào nhau, mặc dù họ đã nghỉ 12 tiếng giữa mỗi ca lặn. Không có mũ bảo hiểm chuẩn của thợ lặn, các đặc nhiệm SEAL đã gắn đèn pin lên những chiếc mũ cải tiến khi đi vào trong hang.

Khi những tia hy vọng tắt dần sau 10 ngày đội bóng thiếu niên bị phát hiện mất tích, hai thợ lặn Anh đã tình cờ phát hiện ra vị trí của họ trong lúc nối dài dây thừng dẫn đường trong hang. Đội bóng Lợn Rừng khi đó đã hết sạch đồ ăn và ánh sáng, nhưng cả 13 người vẫn sống sót nhờ uống nước nhỏ xuống từ các vách hang.

Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu đã chuyển thành nỗi lo lắng. Đại tá Anand Surawan, Phó Chỉ huy Đặc nhiệm SEAL Hải quân Thái Lan và là người chỉ huy một trung tâm điều hành trong hang Tham Luang, dự đoán rằng các cầu thủ nhí và huấn luyện viên có thể sẽ phải ở lại trong hang tới 4 tháng cho tới khi mùa mưa kết thúc.

Hành trình gian nan của đội cứu hộ trong hang Tham Luang

3 thợ lặn SEAL đã mất tích suốt 23 tiếng đồng hồ khi tham gia chiến dịch giải cứu. Khi xuất hiện trở lại, họ yếu tới mức phải đưa vào bệnh viện và nguyên nhân được xác định là do thiếu oxy.

4 ngày sau khi đội bóng được tìm thấy, cựu đặc nhiệm SEAL Saman Kunan đã thiệt mạng khi đặt các bình khí oxy trong hang Tham Luang. Trước đó, Saman đã tạm nghỉ công việc an ninh sân bay để tình nguyện tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng. Gia đình Saman từ chối khám nghiệm tử thi, song giới chức Thái Lan cho rằng thợ lặn này thiệt mạng do oxy trong bình dưỡng khí bị cạn.

Trong khi đó, những nỗ lực đưa nước ra khỏi hang bằng cách sử dụng máy bơm và dựng các đập ngăn nước tạm thời bắt đầu có tác dụng. Nếu như trước đây phải mất 5 giờ đồng hồ để di chuyển qua những lối đi bị ngập nặng nhất thì bây giờ chỉ mất hai tiếng với sự hỗ trợ của dây thừng dẫn đường.

Chạy đua với thời gian

Các hình thức vận chuyển cáng chở người mắc kẹt trong hang Tham Luang (Ảnh: NYT)
Các hình thức vận chuyển cáng chở người mắc kẹt trong hang Tham Luang (Ảnh: NYT)

Đội cứu hộ sẵn sàng khởi động chiến dịch đưa 13 người mắc kẹt ra khỏi hang từ cuối tuần trước. Theo dự báo thời tiết, mưa sắp quay trở lại, trong khi lượng oxy trong hang giảm xuống còn 15%. Nếu xuống tiếp 12%, lượng oxy không đủ để duy trì hoạt động hô hấp của con người.

Chiến dịch giải cứu bắt đầu với nhiều yếu tố khó đoán như lượng nước, oxy, bùn, thậm chí cả trạng thái tâm lý cũng như thể chất của các cầu thủ. Do các cầu thủ không biết bơi nên họ được trang bị mặt nạ che kín mặt với hỗn hợp khí oxy được bơm đầy.

Ban đầu các mặt nạ do đội cứu hộ Mỹ mang đến Tham Luang chỉ vừa với kích cỡ của người lớn. Do vậy, họ buộc phải thử nghiệm lên các đứa trẻ khác tại một bể bơi địa phương và phát hiện ra rằng nếu kéo các dây quai chặt hết mức có thể, chúng sẽ vừa với các cầu thủ nhí trong hang.

Theo đề xuất của đội cứu hộ Mỹ, mỗi đứa trẻ sẽ được đặt vào trong một cái kén bằng nhựa dẻo gọi là Sked, thực chất là loại cáng cứu hộ. Các thợ lặn Anh hộ tống những cầu thủ được bọc kín nằm trong kén qua những lối đi nguy hiểm nhất, trong khi vẫn phải quan sát những bọt khí vì đây là dấu hiệu cho thấy những đứa trẻ vẫn còn thở. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói rằng đội bóng đã được uống thuốc an thần trong quá trình đưa ra khỏi hang.

Sau 2 tiếng rưỡi đi qua những phần ngập nước trong hang, các đoạn đường còn lại dễ dàng hơn với đội cứu hộ. Tuy vậy, khó khăn vẫn chưa dừng lại. Các đặc nhiệm SEAL đã tập hợp thành các nhóm tiếp sức cho thợ lặn, đưa các cầu thủ nhí đi qua những đoạn dốc trơn trượt trong hang.

Đội cứu hộ lội nước trong hang Tham Luang (Ảnh: Nation)
Đội cứu hộ lội nước trong hang Tham Luang (Ảnh: Nation)

Đội cứu hộ phải sử dụng nhiều hình thức di chuyển phù hợp với từng đoạn đường trong hang Tham Luang. Có lúc, họ phải đặt cáng nhựa chở các cầu thủ lên các ống bơm nước, biến chúng thành máng trượt tạm thời. Lúc khác, họ sử dụng dây kéo bằng ròng rọc ở trên cao để đưa cáng qua những khu vực lởm chởm đá trong hang. Ngoài ra, cáng cũng được đặt lên ván nổi để các thợ lặn có thể đẩy chúng trên mặt nước khi đi qua những khu vực ngập nước.

Theo New York Times, chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan là sự kết hợp của cả sức mạnh thể lực cũng như trí tuệ của 10.000 con người, bao gồm 2.000 binh sĩ, 200 thợ lặn và nhân lực từ 100 cơ quan chính phủ.

“Yếu tố quan trọng nhất trong cuộc giải cứu là sự may mắn. Có nhiều chuyện diễn ra không diễn ra suôn sẻ, nhưng rốt cuộc chúng tôi cũng thành công trong việc đưa bọn trẻ ra ngoài. Tôi không thể tin là có thể làm được”, Thiếu tướng Chalongchai Chaiyakham nói.

“Ngoài khoảnh khắc những người lính cứu hỏa tiến vào Trung tâm Thương mại Thế giới mặc dù biết rằng tòa nhà đó đang cháy và có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào, tôi không biết liệu có bất kỳ cuộc giải cứu nào mà đặt cả người giải cứu lẫn người được giải cứu vào tình huống nguy hiểm suốt một thời gian dài như vậy không”, Thiếu tá Không quân Mỹ Charles Hodge nhận định, so sánh giữa vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ với cuộc giải cứu đội bóng tại hang Tham Luang.

Thành Đạt

Theo NYT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm