1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

1.600 người di cư thiệt mạng khi vượt biển tới châu Âu trong năm 2021

Ninh Vân

(Dân trí) - Thảm kịch chìm xuồng tại eo biển Manche khiến ít nhất 31 người di cư thiệt mạng gần đây đã gây chấn động dư luận. Tuy nhiên, những vụ đắm tàu như vậy không còn xa lạ trên các vùng biển châu Âu.

1.600 người di cư thiệt mạng khi vượt biển tới châu Âu trong năm 2021 - 1

Người di cư đã đánh cược mạng sống khi vượt những hành trình nguy hiểm trên biển để tới châu Âu (Ảnh: AFP).

Hồi tháng trước, vụ việc 31 người di cư, trong đó có cả trẻ em, thiệt mạng trong một vụ lật thuyền khi đang tìm cách vượt qua eo biển Manche để vào Anh đã gây chấn động dư luận.

Những vụ việc như vậy không phải là chuyện hiếm gặp. Theo báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), chỉ riêng từ đầu năm đến nay, ước tính có khoảng 1.600 người đã chết hoặc mất tích trong hành trình vượt Địa Trung Hải trên những chiếc xuồng cao su hoặc những con thuyền cũ ọp ẹp để tới châu Âu. 

Địa Trung Hải trở thành tuyến đường di cư nhộn nhịp nhất và cũng nguy hiểm nhất năm 2021 khi chứng kiến một lượng người khổng lồ từ Bắc Phi tìm cách tiến vào châu Âu, dưới sự tiếp tay của bọn buôn người.

Số người chết trên cao hơn so với năm 2020. Theo thống kê của IOM, từ năm 2014 tới nay, số người thiệt mạng tại Địa Trung Hải đã lên tới 23.000 người, trong đó có hơn 5.000 người năm 2016. Cũng trong thời gian 7 năm đó, khoảng 166 người chết hoặc mất tích khi vượt eo biển Manche giữa Pháp và Anh

Cũng hồi tháng trước, hai vụ đắm thuyền ở khu vực biển giữa Italy và Libya khiến 85 người thiệt mạng.

Khoảng 60.000 người đã vượt biển tới Italy trong năm nay, và 1.200 người trong số đó đã chết hoặc mất tích trên cuộc hành trình này. Đây mới chỉ là con số ước tính một phần dựa trên thông tin từ những người còn sống sót.

Năm 2021 cũng ghi nhận số người di cư tăng cao trên một tuyến đường thậm chí còn nguy hiểm hơn. Ước tính khoảng 900 người đã thiệt mạng trong hành trình vượt biển từ Đại Tây Dương tới quần đảo Canaria của Tây Ban Nha. IOM cho rằng con số thực tế có thể gấp đôi, song "không quá nhiều người chú ý tới".

Các tổ chức nhân quyền thường xuyên chỉ trích chính phủ châu Âu vì vẫn chưa thực sự nỗ lực giải quyết vấn đề người di cư tìm đường tiếp cận lục địa này trên những chiếc thuyền không chắc chắn.

Trong những năm gần đây, châu Âu chuyển sang tập trung vào công tác đào tạo và trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển Libya nhằm chặn các tàu thuyền di cư trước khi chúng tiến vào vùng biển châu Âu.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, châu Âu đang nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng vi phạm nhân quyền ở các trung tâm giam giữ người di cư tại Libya.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm