1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

116 quốc gia đồng loạt ủng hộ điều tra nguồn gốc Covid-19

(Dân trí) - Hơn 110 nước đã ủng hộ đề xuất của Australia về việc mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

116 quốc gia đồng loạt ủng hộ điều tra nguồn gốc Covid-19 - 1

Thủ tướng Australia Scott Morrison và Ngoại trưởng Marise Payne (Ảnh: AAP)

Hãng SBS của Australia đưa tin, 116 quốc gia đã ủng hộ một cuộc điều tra quốc tế độc lập về dịch Covid-19. Nhóm này bao gồm 54 quốc gia châu Phi, 27 quốc gia thành viên liên minh châu Âu EU và một số nước khác như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…

Australia là quốc gia đã kêu gọi mở cuộc điều tra nói trên. Ngoại trưởng nước này Marise Payne ngày 18/5 cho rằng số lượng quốc gia đông đảo ủng hộ điều tra về đại dịch là động thái đáng khích lệ.

Bà Payne nói, với những thiệt hại mà Covid-19 đã gây ra về kinh tế, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất việc làm, việc mở một cuộc điều tra để xem xét điều gì thực sự đã xảy ra là phù hợp. Nhà ngoại giao Australia khẳng định đây là chiến thắng của cộng đồng quốc tế.

Đề xuất của Australia không nhắc tới Trung Quốc nhưng việc Canberra kêu gọi điều tra đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, đã bác bỏ sự cần thiết của cuộc điều tra do Australia đề xuất.

Trung Quốc sau đó đã cấm nhập thịt bò Australia và cảnh báo đánh thuế tới 80% mặt hàng lúa mạch của Canberra. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định các động thái này không liên quan tới việc Australia kêu gọi điều tra.

Mặc dù vậy, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc trong một bài xã luận hôm 13/5 lại tuyên bố rằng việc Bắc Kinh cấm thịt bò là “lời cảnh tỉnh” cho Australia vì các hành động “không thân thiện”.

Australia sau đó khẳng định họ quyết thúc đẩy tới cùng việc mở cuộc điều tra. Trước đó, Canberra khẳng định lời kêu gọi này là “hợp lý” và không nhằm vào bất cứ quốc gia nào, bao gồm Trung Quốc.

Đề xuất của Australia đã được đưa vào bản dự thảo nghị quyết trình lên Hội đồng Y tế Thế giới, một sự kiện quan trọng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Một cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào sáng sớm ngày mai, 19/5.

Đức Hoàng

Theo SBS