1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

10 năm sau vụ 11/9: Nước Mỹ thiếu tự tin và ít tự do hơn?

Mặc dù Osama bin Laden đã bị tiêu diệt, nhìn chung thì cho tới giờ những kẻ khủng bố đang nắm thế thượng phong: nước Mỹ đã trở nên thiếu tự tin hơn, kém an toàn hơn và ít tự do hơn, như phân tích của tác giả Doug Bandow trên tạp chí Forbes.

 
10 năm sau vụ 11/9: Nước Mỹ thiếu tự tin và ít tự do hơn? - 1

Bà Paula Davis ngồi trước mộ của con trai, binh nhì Justin Ray Davis, tử trận ở chiến trường Afghanistan khi mới 19 tuổi, nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày mất của anh này. (Nguồn: Reuters)
 
Đã một thập kỷ trôi qua kể từ ngày tháng Chín đẹp trời, khi những tên khủng bố phá sập hai tòa tháp ở Trung tâm thương mại thế giới, tấn công Lầu năm góc và giết chết hàng nghìn người Mỹ.
 
Các vụ tấn công ngày 11/9 là hết sức tàn bạo và không thể biện minh, nhưng nó cũng cho thấy nước Mỹ đang làm mất lòng thế giới đến thế nào. Sự sẵn lòng hy sinh, và giẫm đạp lên sinh mạng của hàng nghìn người vô tội, chỉ để nêu lên một tuyên ngôn chính trị, tiêu biểu cho thứ chủ nghĩa căm thù nước Mỹ đến điên cuồng.

Thật ra, chủ nghĩa khủng bố từ lâu đã là một công cụ chính trị của những kẻ yếu. Tìm hiểu chủ nghĩa khủng bố không phải là để biện minh cho hành vi giết người, mà là để giảm bớt sự thù hận. Không may cho nước Mỹ, chính quyền của tổng thống George W. Bush, tại vị khi cuộc khủng bố diễn ra, đã lầm tưởng rằng nước Mỹ bị tấn công vì họ quá tốt đẹp và đại diện cho những giá trị như dân chủ và tự do, chứ không phải bởi chính sách thiếu kiềm chế và gây căm hận của họ ở nước ngoài.

Trước đó, họ đã áp đặt lệnh cấm vận nghiệt ngã và tàn khốc với Iraq, mà khi được hỏi về cái giá người dân nước này phải trả, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc khi đó Madeleine Albright đã nói tỉnh bơ: “cái giá đó là xứng đáng.” Washington cũng ủng hộ gần như không điều kiện với việc Israel chiếm đóng bờ Tây (trong khi rõ ràng không người Mỹ nào được hỏi sẽ chấp nhận việc lãnh thổ của họ bị ngoại bang chiếm giữ).

Không tìm ra được nguyên nhân cội rễ của những cuộc tấn công khiến sự tự tin đã trở thành huyền thoại của người Mỹ lâm vào khủng hoảng. Người ta đang nhìn thấy một nước Mỹ bị bao vây, cố gắng vùng vẫy thoát ra, so sánh sự kiện 11/9 với trận đánh Trân Châu cảng và gọi cuộc chiến chống khủng bố là chiến tranh thế giới thứ ba. Sự thật không phải như thế. Chủ nghĩa khủng bố chưa bao giờ là một mối đe dọa trực tiếp với nước Mỹ, dù sự kiện 11/9 thực sự gây ra tiếng vang lớn.

Những gì châu Âu làm có thể mang tới một bài học tốt. Đã sống qua hai cuộc chiến khủng khiếp nhất lịch sử loài người tàn phá châu lục của họ trong thế kỷ 20, những nhà lãnh đạo châu Âu có cái nhìn cẩn trọng hơn với chủ nghĩa khủng bố, vốn là điều không phải xa lạ tại châu lục này.

Ngược lại, chính quyền Mỹ phản ứng thái quá một cách cực đoan, đảo lộn đời sống người dân, chính sách quốc phòng trở nên diều hâu chưa từng thấy, tăng gấp đôi ngân sách cho Lầu năm góc, xâm phạm tự do dân sự, thành lập những cơ quan quan liêu phụ trách an ninh cồng kềnh tốn kém và đặt chủ nghĩa khủng bố ở trung tâm của các tranh luận chính trị.

“Thật khó có thể không kết luận rằng Al Qaeda đang khôn ngoan hơn nước Mỹ, ít nhất họ đã khiến Washington thực hiện những lựa chọn chiến lược sai lầm,” nhà bình luận Michael Hirsh viết trên tờ National Journal.

Thật vậy, tổng thống Bush đã thất bại với chính sách tân bảo thủ của ông, từ Afghanistan đến Iraq, đến mức người kế nhiệm ông Barack Obama phải ngậm ngùi thốt lên rằng nước Mỹ đang trải qua “một thập kỷ chiến tranh nhọc nhằn.”

Trong khi cuộc chiến ở Afghanistan vẫn chưa kết thúc, Washington đã lại vội vàng nhảy vào Iraq. Hirsh nhắc lại rằng Washington “bắt đầu chuyển tiền bạc và sự chú ý sang Iraq chỉ vài tuần sau khi Taliban sụp đổ.” Afghanistan trở thành ưu tiên số hai. Trong bốn năm liền, theo nhà báo Pakistan Ahmed Rashid, Hoa Kỳ đã không thể theo dõi “các hoạt động của Taliban ở bốn tỉnh miền nam, Helmand, Kandahar, Uruzgan, và Nimroz vì thiếu tin tức tình báo và nhân lực. Cuộc chiến Iraq đã tiêu tốn hết nguồn lực.”

Tệ hơn, như Rashid viết trong cuốn sách Descent into Chaos (Rơi vào hỗn loạn), các quan chức chính quyền Bush bị những người mà họ tưởng là cộng sự ở Pakistan qua mặt. Nhiều năm liền, những lãnh đạo cấp cao nhất của Taliban đã được chính Islamabad che chở. Cùng lúc, việc xây dựng một chính quyền trung ương ổn định và hiệu quả ở Kabul chỉ là sự tiêu tốn thời gian cùng tiền bạc.

Cuộc chiến ở Iraq, dựa trên những cáo buộc không có thật và những giả định mơ hồ, đã hoàn tất bức tranh thất bại. Cựu bộ trưởng quốc phòng Colin Powell bình luận: “Ông Cheney (phó tổng thống Dick Cheney dưới thời Bush) và nhiều đồng nghiệp của ông ta không hề chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra sau khi Baghdad sụp đổ.”

Cuộc xâm lược diễn ra dễ dàng và nhanh chóng, “như ăn bánh,” nhưng chiếm đóng và gìn giữ trị an là chuyện hoàn toàn khác. Nhiều năm xung đột vũ trang liên miên sau đó đã hủy hoại xã hội Iraq. Con số chính thức về thương vong dân sự là từ 102.000-112.000 người thiệt mạng, nhưng Tổ chức Đếm xác người chết Iraq cho rằng số thực phải gấp đôi như thế. Hơn bốn triệu người Iraq mất nhà cửa, nhiều người phải lưu lạc ra nước ngoài, thêm nhiều người nữa không thống kê hết bị bắt cóc, cướp và những chấn động tâm lý khác.

Trớ trêu cho nước Mỹ, tình trạng bất ổn ở Afghanistan và Iraq đã giúp hai quốc gia này biến thành những khu vực hữu hiệu để Al Qaeda tuyển quân. Những tuyên ngôn của họ về dân chủ và tự do cũng không thuyết phục được ai khi hành động không nói lên điều đó. “Hầu hết Trung Đông coi chính sách của Mỹ là đạo đức giả, cơ hội chủ nghĩa và trong những tình huống tệ nhất, chà đạp lên dân chủ,” James Dobbins, một cựu đại sứ Mỹ, nói. “Cách nhìn nhận này càng thêm được củng cố sau cuộc xâm chiếm Iraq.”

Thực vậy, chính sách sau sự kiện 11/9 đã khiến nước Mỹ trở nên kém an toàn hơn. Chính quyền Bush, và giờ là Obama, đã hy sinh hàng nghìn sinh mạng và hàng trăm tỉ USD vào hai cuộc chiến mà không ai cần. Giao tranh liên tục và các nhiệm vụ nặng nề ở nước ngoài cũng đã kéo căng sức chịu đựng của quân đội. Còn tuyên bố “hoặc theo Mỹ, hoặc là kẻ thù của Mỹ” đã làm phật lòng nhiều đồng minh.

Cùng lúc gây chiến ở Trung Đông và Trung Á, chính quyền Bush gây ra một cuộc nội chiến ngay trong lòng đất nước với những hành động bị coi là vi phạm hiến pháp, những đòi hỏi về một tấm séc khống quyền lực trong những sự kiện như nghe lén điện thoại, che giấu thông tin về Iraq hay nhà tù ô nhục Guantanamo, nơi nhiều quá trình tư pháp ở một quốc gia pháp quyền đã bị phớt lờ.

Trên thực tế, với chiêu bài cuộc chiến chống khủng bố và trả thù cho sự kiện 11/9, tổng thống Mỹ đã trở thành một nhà độc tài dân cử, với quyền lực gần như không giới hạn trong các tình huống chiến tranh, từ Iraq tới Afghanistan sang Libya. Hai năm rưỡi qua, Tổng thống Obama đã cố gắng thay đổi giọng điệu của nước Mỹ về cuộc chiến chống khủng bố, nhưng ông vẫn chưa có hành động gì đáng kể đảo ngược chính sách quân sự can thiệp sâu rộng của người tiền nhiệm, với việc đưa thêm quân vào Afghanistan và dẫn đầu cuộc không kích Libya.

Tổng thống Ronald Reagan từng gọi nước Mỹ là “thành phố ánh sáng trên ngọn đồi cao,” nhưng mọi chuyện đang thay đổi nhanh chóng. Nước Mỹ ngày nay kém tự tin hơn, thiếu an toàn đi và ít tự do hẳn so với 10 năm trước. Điều đáng buồn là những vết thương đau đớn nhất lại là do chính những nhà lãnh đạo của họ gây ra./.

* Tác giả Doug Bandow hiện là chuyên gia cao cấp tại Viện Cato. Ông từng là trợ lý đặc biệt cho cựu Tổng thống Ronald Reagan, chuyên gia cap cấp của Viện nghiên cứu Tôn giáo và Chính sách công quốc tế, đồng thời là tác giả của nhiều đầu sách về chính trị, ngoại giao.

Theo Trần Trọng
Vietnam+