1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

10 năm Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ: VN tiến bộ vượt bậc

(Dân trí) - Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) là khuôn khổ hợp tác phát triển quan trọng, được ủng hộ rộng rãi kể từ khi LHQ ra đời. Kiểm điểm 10 năm thực hiện MDG, Việt Nam được nhắc đến cùng những tiến bộ vượt bậc và vị thế quốc tế được nâng cao.

10 năm Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ: VN tiến bộ vượt bậc - 1


Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Thượng đỉnh LHQ về mục tiêu phát triển Thiên Niên Kỷ, New York, 20/09/2010

Việt Nam, điển hình đi đầu

Hội nghị cấp cao LHQ kiểm điểm 10 năm thực hiện MDG diễn ra từ ngày 20 đến 22/9, bên lề cuộc họp thường niên Đại hội đồng LHQ tại New York. Các tổ chức quốc tế đặc biệt nhấn mạnh đến các thành tích đáng kể nhiều quốc gia đã đạt được trong việc xóa nghèo và phát triển giáo dục. Một trong những thành công của chương trình này là số người nghèo trên thế giới giảm từ 1,8 tỷ theo thống kê năm 1990 xuống 1,4 tỷ vào năm 2005. Riêng tại châu Á, số liệu của LHQ ghi nhận “thành công lớn” là trong cùng thời gian đó, những người sống với thu nhập dưới 1,25 USD mỗi ngày đã giảm từ 1,5 tỷ xuống 947 triệu người.

Trong số các quốc gia được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện MDG, Việt Nam được nhắc đến như một điển hình đặc biệt.

Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 5/8 các mục tiêu và có thể cơ bản đạt hết các mục tiêu vào năm 2015: Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ nghèo liên tục giảm, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 14,5% vào năm 2008; Đến năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học theo chuẩn phổ cập của quốc gia; đạt được những thành tựu to lớn về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; giảm tử vong trẻ em; có những bước tiến lớn trong việc thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển và hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với gần 200 quốc gia, vùng và lãnh thổ...

Trước hội nghị, Việt Nam là trường hợp được Tổ chức tư vấn Anh Quốc Overseas Development Institute (ODI) đặc biệt ca ngợi với những tiến bộ chưa từng thấy trong việc cải thiện đời sống của người nghèo với thành tích không có nước nào vượt qua được.

8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ
 

1. Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn

2. Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học

3. Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ

4. Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em

5. Cải thiện sức khỏe bà mẹ

6. Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác

7. Đảm bảo sự bền vững của môi trường:

8. Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển

Phát biểu tại Phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao của LHQ kiểm điểm việc thực hiện MDG chiều 20/9 tại Trụ sở LHQ ở New York, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề cập kết quả quả thực hiện các MDG ở Việt Nam, chia sẻ lo ngại chung về thực trạng trên thế giới vẫn còn hơn một tỷ người phải sống trong cảnh nghèo đói.

Chủ tịch đánh giá cao những kết quả tích cực trong việc thực hiện các MDG, cho rằng bài học quý báu nhất rút ra trong 10 năm qua là thực hiện các MDG phải thực sự trở thành trọng tâm của hợp tác quốc tế và chiến lược phát triển của các nước đang phát triển. Chủ tịch khẳng định Việt Nam ủng hộ những giải pháp chung và các biện pháp cụ thể đối với từng MDG được nêu trong Chương trình hành động của Hội nghị cấp cao lần này.

Hội đàm với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhân dịp này, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các MDG cũng như thúc đẩy việc thực hiện Sáng kiến “Một LHQ”. Ông cho rằng với đường lối lãnh đạo, cam kết của Nhà nước, cùng nỗ lực của nhân dân, Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu hoàn thành các MDG.
 
Vấn đề từ các nước giàu

10 năm Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ: VN tiến bộ vượt bậc - 2
Biển hiệu của Mục tiêu Thiên niên kỷ
 
Tám mục tiêu thiên niên kỷ đã được các đại biểu của 189 quốc gia thống nhất thông qua tại Đại hội đồng LHQ năm 2000. Thời hạn thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là năm 2015, có nghĩa là từ đây đến đó chỉ còn năm năm. Nhiều tổ chức quốc tế tỏ ra lạc quan khi sau 2/3 chặng đường thực hiện MDG, thế giới đã đạt nhiều kết quả tích cực, cho thấy tính khả thi của mục tiêu này.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia và cơ quan cấp viện trợ tỏ ra nghi ngờ về việc đạt được các mục tiêu trong thời hạn đặt ra, khi kết quả cụ thể cho thấy tình trạng đạt được các mục tiêu chưa đồng đều và thiếu bền vững; phần lớn các mục tiêu đề ra cho đến nay vẫn chưa đạt được và sẽ khó hoàn thành trong 5 năm tới nếu không có những nỗ lực mới, đặc biệt từ các nước giàu.

Báo cáo gần đây nhất về tiến độ của MDG cho biết thách thức lớn nhất xảy ra tại các nước kém phát triển nhất, các đảo quốc nhỏ, các nước mới chấm dứt hoặc đang trong tình trạng xung đột, những nước chịu ảnh hưởng do tình trạng biến đổi khí hậu. Báo cáo ghi nhận, riêng tại châu Á vẫn còn là nơi tập trung 2/3 dân nghèo nhất thế giới sinh sống và cứ trong sáu người thì có một người suy dinh dưỡng. Châu Á còn rất chậm trong nỗ lực đẩy lùi hai bất hạnh trầm kha khác là tử suất trẻ em và sức khỏe của sản phụ.

Báo cáo còn cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu đã làm chậm tiến trình thực hiện mục tiêu giảm một nửa số người nghèo nhất trên thế giới vào năm 2015, tác hại đến công ăn việc làm và thu nhập trên toàn thế giới, gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng nuôi sống gia đình của dân nghèo. Riêng tại châu Á, với khủng hoảng kinh tế hiện nay, từ nay đến năm 2015, khi tổng kết thành quả MDG, LHQ cảnh báo nguy cơ có thêm 35 triệu người rơi trở lại vào cuộc sống cùng cực và thêm 70 triệu người không có nước uống sạch.

Ngoài ra, còn một mối lo ngại nữa là các nước cấp viện trợ, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, có thể thắt chặt hầu bao và như vậy sẽ giảm mức đóng góp cho viện trợ phát triển.

Nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế nhận định 5 năm trước hạn định 2015, các mục tiêu đề ra còn rất xa vời, trong khi các nước phát triển không muốn đưa ra những cam kết cụ thể về mặt tài chính. Đứng trước những thách thức nhiều mặt, cách hữu hiệu nhất để tiến tới mục đích cuối cùng là các nước phải có những điều chỉnh chính sách lấy tăng cường các cơ chế hợp tác đa phương với LHQ là trung tâm.

Nguyễn Viết
Tổng hợp


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm