Mùa xuân trôi theo dòng nước
(Dân trí) - Hàng năm, tại bến Bình Đông, những chuyến ghe hoa rực rỡ chở mùa xuân về cho TPHCM. Nhưng họ - những người nông dân lại không thể chở mùa xuân về cho chính mình…
Chợ hoa xuân tại bến Bình Đông (quận 8, TPHCM) là một nét văn hóa đẹp, gắn liền với bao thế hệ người Việt. Mỗi dịp xuân về, nơi đây lại rộn ràng sắc hoa, trở thành điểm giao thương tấp nập giữa TPHCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
20 Tết, những con thuyền hoa của người nông dân miền Tây bắt đầu lũ lượt đổ về bến Bình Đông. Họ mang theo ước vọng buôn may bán đắt, mong sao những chậu hoa sẽ theo người mua đi hết, để rồi khi con nước ròng, họ có thể nhẹ lòng trở về nhà đón Tết cùng gia đình, trong niềm vui vì một mùa hoa trọn vẹn.
Trên bến, dưới thuyền, đâu đâu cũng rực rỡ hoa mai, hoa cúc, hoa giấy, hoa sống đời… đua nhau khoe sắc, cứ như thế, họ mang một mùa xuân rực rỡ đến cho TPHCM. Thế nhưng, trong khoảng không gian ngập màu sắc, xen lẫn tiếng cười vui, mời chào, thì đâu đó vẫn hiện diện những nỗi lo toan lặng lẽ trong ánh mắt của người bán hoa.
Phần lớn tiểu thương mang hoa lên bến Bình Đông bán đều phải thuê ghe với giá dao động từ 12 - 16 triệu đồng, mỗi ghe chở được hơn 1.000 gốc mai vừa và nhỏ. Nếu thuê xe, chi phí thấp hơn nhưng lượng hoa vận chuyển ít hơn. Cứ thế, suốt những ngày cận Tết, người nông dân lại "ăn, ngủ" cùng hoa trên chiếc ghe lênh đênh giữa phố thị.
Mọi sinh hoạt của người bán hoa đều diễn ra phía sau những chiếc ghe. Phía trước là sắc vàng, sắc đỏ rực rỡ của hoa, nhưng phía sau là cả một mớ bộn bề chưa kịp sắp xếp. Giữa không gian ngập tràn hương xuân ấy là những nỗi lo chồng chất - khi đã 28 Tết mà quá nửa số hoa vẫn còn nguyên trên ghe, chưa tìm được người mua.
29 Tết, nhiều người vẫn cố nán lại với hy vọng bán nốt số hoa còn dang dở. Nhiều người rảo qua các chợ hoa, ghé vào từng gian hàng, cẩn thận chọn lựa nhưng không vội mua. Cứ như thế, người đến hỏi thì nhiều mà người mua vẫn chẳng được bao nhiêu.
Câu chuyện ép giá hoa đã trở thành câu chuyện muôn thuở, một sự "giằng co" dai dẳng giữa người mua và người bán hoa qua bao nhiêu năm.
Chỉ khi đến đêm 29 Tết (tức 30 Tết hàng năm), những người đi chợ mới thực sự bắt đầu mua hoa. Nhiều khách hàng đợi đến thời điểm này với tâm lý "hoa ế thì sẽ rẻ hơn". Người bán hoa nghe câu ấy mà thấy chua xót, ruột gan héo hắt. Bởi để có một chậu hoa đẹp, họ đã đổ biết bao công sức, tiền bạc, chưa kể đến những mất mát do thiên tai, thời tiết thất thường.
Nhắc đến nghề hoa, người ta thường nghĩ ngay đến cái đẹp, nhưng ít ai biết rằng phía sau đó là muôn vàn nỗi lo. Trước đây, người trồng hoa sợ nhất là thời tiết, chỉ mong ông trời đừng nổi mưa trái mùa, đừng trở gió lạnh đột ngột để hoa nở đúng vụ. Nhưng giờ đây, họ có thêm một nỗi lo mới - thói quen mua hoa vào chiều 30 Tết của người dân.
"Chuyện này năm nào cũng vậy, cứ đến đêm 30 là khách mới đông, vì ai cũng muốn mua hoa giá rẻ. Có khi một chậu hoa mấy trăm ngàn, nhưng đến khuya chỉ còn một nửa, thậm chí rẻ hơn. Mua được giá hời, khách vui, nhưng người bán thì xót lắm…", một tiểu thương ở chợ hoa bến Bình Đông chia sẻ.
Đây là lúc những người chở hoa thuê kiếm thêm thu nhập trước thời khắc chuyển giao năm mới. Anh Thành, một người chở hoa thuê với gương mặt rệu rã sau một ngày chở hoa liên tục, chia sẻ: "Chở nhiều thì mình có thêm tiền ăn Tết, mừng lắm, nhưng cũng thấy tội mấy người bán hoa vì đến tận hôm nay mới bán được nhiều, mà còn với giá rẻ nữa".
Đành lòng, ai cũng mong Tết đủ đầy, nhà có cành mai, đóa cúc khoe sắc. Nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện mua hoa sớm, nhất là khi kinh tế khó khăn, chi tiêu ngày xuân càng phải dè dặt. Nhiều người lao động nghèo vẫn muốn có một chậu hoa để tô điểm nhà cửa. Nhưng số tiền mua một chậu hoa có thể dành cho mâm cơm cúng và bữa ăn ngày Tết, nên họ chờ đến chiều 30 mua hoa giá rẻ.
Công nhân làm lụng quanh năm, chỉ đến cuối năm mới có chút thời gian nghỉ ngơi, lo toan cho gia đình. Họ chỉ có thể tranh thủ đi mua hoa vào ngày cuối cùng của năm, khi công việc đã tạm gác lại.
Cũng có nhiều người dù dư dả nhưng bận rộn, đến 29, 30 Tết mới kịp ghé chợ hoa, chọn vội một chậu cho có không khí xuân.
Thế nhưng, không phủ nhận là có một số người dù rủng rỉnh tiền và có thời gian đi chọn hoa, nhưng vẫn thích đợi đến ngày cuối để mua giá rẻ hoặc trả giá, ép giá đến tận cùng.
Nghề buôn hoa ngày Tết có hai dạng: tiểu thương và chủ vườn.
Tiểu thương là những người mua hoa từ nông dân rồi đem lên thành phố bán. Họ có kinh nghiệm kinh doanh, biết cách tính toán để tránh lỗ vốn. Những ngày đầu, họ bán giá cao để bù lỗ cho những ngày cuối. Với họ, hoa là một mặt hàng, có thể lời hoặc lỗ, nhưng vẫn nằm trong bài toán kinh doanh.
Còn những chủ vườn thì khác. Họ là những người dành cả năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để chăm hoa, tỉ mẩn từng khâu, chỉ mong đến Tết bán được giá để sửa soạn cho gia đình. Mỗi nhành hoa là một phần công sức, một phần tâm huyết, nên khi hoa bị ép giá, họ chảy nước mắt cũng là chuyện dễ hiểu.
Có ai từng chứng kiến cảnh những người trồng hoa thất thểu dọn hàng vào đêm 29, 30 Tết mới thấu hết nỗi buồn của họ? Mùa xuân họ chở lên phố, nhưng chính họ lại chẳng thể mang mùa xuân về nhà. Nhiều người không dám về sớm, không phải vì tiếc vài chậu hoa, mà vì tiếc công sức, tiếc những giấc mơ đã đặt vào những ngày cuối năm.
"Chú ơi, cây này bao nhiêu?" - khách hỏi. Ông Tư Hùng chỉ tay vào gốc mai lâu năm và đáp: "Cây đó 9 triệu con ơi". Khách trả giá thấp hơn: "5 triệu được không chú?". Ông Hùng lắc đầu: "Không được, cây đó gốc lâu năm, đẹp lắm, không bán rẻ vậy được con ơi". Sau khi bị từ chối bán vì trả giá bất thành, vị khách bỏ đi, vị đắng dường như vẫn còn nghẹn lại nơi cổ họng ông Tư Hùng.
Ông Hùng cho biết, trong một năm chăm mai đòi hỏi không chỉ thời gian mà còn tốn rất nhiều công sức. "Từ việc lặt lá, phân bón, tưới nước đến thuê người phụ chăm mai đã vô cùng vất vả. Bón phân cũng là một vấn đề lớn. Nếu mua phải phân giả thì cây sẽ bị hư rễ, chết khô, rất tiếc", ông Hùng chia sẻ.
Mỗi năm, ông phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn để thuê ghe chở mai lên bến Bình Đông - nơi tiêu thụ chính của mai Tết. Mỗi chuyến đi tốn hàng chục triệu đồng, nhưng ông vẫn phải cố gắng vì gia đình trông cậy vào vụ hoa Xuân này để có tiền ăn Tết.
Không ai hiểu nỗi lòng của người trồng hoa hơn chính họ. Cả một năm dãi dầu sương gió, chỉ trông chờ vào mùa hoa Tết, vậy mà đến tối 30, khi chợ hoa dần vãn khách, những chậu hoa vẫn còn ngổn ngang. Người bán lặng lẽ thu dọn, ánh mắt đượm buồn khi phải bán rẻ, thậm chí có khi tặng không những chậu hoa mà mình từng nâng niu chăm sóc.
"Nhiều người khách đến mua nhưng đôi co từng đồng, tốn biết bao nhiêu công sức để đếm được đến ngày 30. Nhiều khi hốt vốn, há miệng cười, trong khi trong lòng thì như lửa đốt", con trai chú Hùng chia sẻ.
2h mùng 1 Tết, những người đàn ông vẫn miệt mài chuyển mai lên chiếc ghe cuối cùng còn nán lại tại bến Bình Đông để về quê ăn Tết. Đó là chiếc ghe của ông Tám, cập bến Bình Đông từ hôm 21 Tết.
Vừa liên tay liên chân, ông Tám vừa tâm sự: "Năm nay chú đem lên đây hơn 500 gốc mai. Nay đi về còn 300 gốc. Năm nay, chắc không có Tết rồi con ơi".
Lời ông Tám vang vọng trong sáng chớm lạnh mùng 1 Tết, mang theo bao tâm tư, bao nỗi niềm của một người nông dân miệt vườn. Hàng năm, ông Tám đều lên thành phố để bán mai, chờ đón một cái Tết vui vẻ, đủ đầy bên gia đình. Nhưng năm nay, Tết lại chưa kịp về…
Với những người trồng hoa, đây không đơn thuần là kế sinh nhai, mà còn là cái nghiệp. Năm được giá thì khá giả đủ đầy, năm thất bát thì lao đao trăm bận. Nhưng dẫu có cực nhọc thế nào, họ vẫn không thể rời bỏ. Bởi hoa đã ăn sâu vào cuộc sống của họ, vào từng nhát cuốc, từng giọt mồ hôi giữa những luống đất, và cả những hy vọng mỗi độ xuân về.
3h sáng, dưới ánh đèn đường leo lét, chiếc ghe rời đi trong lặng lẽ, mang theo những chậu hoa chưa kịp tìm chủ.
Họ - những người nông dân xứ miệt vườn, dong thuyền lên thành thị mưu cầu một mùa xuân no đủ, nhưng trên đường về, chợt nhận ra mùa xuân cũng trôi theo dòng nước.