Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng

Hoài Sơn

(Dân trí) - Những ngày cận Tết, ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam, những lò đường cuối cùng ở thủ phủ mía của một thời lại tất bật đỏ lửa để cho ra những bát đường mía độc đáo, ngọt lịm dâng lễ ông Táo.

Níu giữ sản vật dâng ông Táo

Tết cổ truyền của người dân xứ Quảng không thể thiếu hương vị của bát chè cùng bát đường cúng tiễn ông Táo về trời. Bởi vậy, những ngày cuối năm cũng là lúc lò nấu đường mía lại tất bật đỏ lửa trở lại.

Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng - 1

Theo quan niệm, để tiễn ông Táo về trời, người dân xứ Quảng không thể thiếu hương vị ngọt của đường.

3 giờ sáng là lúc khói nghi ngút bốc lên từ chảo nấu đường của nhà ông Nguyễn Văn Nhân (62 tuổi, ở xã Quế An). Đây là lò nấu đường hiếm hoi còn đỏ lửa ở huyện Quế Sơn.

Trong không gian dậy mùi thơm, ông Nhân tâm sự, thời hoàng kim, vào độ xuân về, trong thôn đâu cũng thấy lò nấu đường. Nhưng rồi đường rớt giá khiến người trồng mía bỏ ruộng. Chung số phận, những lò đường thủ công ở đây và nhiều vùng khác cùng lụi tàn theo.

Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng - 2

"Giờ trong làng chỉ còn 1-2 lò nấu ngày Tết thôi. Những mẻ đường không chỉ là tâm sức của người giữ lò, mà cả nước mắt của người trồng mía. Giờ mà bỏ nghề, tôi sợ không giữ được hương vị riêng của sản vật người dân xứ Quảng để dâng lễ ông Táo", ông Nhân chia sẻ.

Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng - 3

Để chế biến ra đường bát cần ít nhất 4 người, trải qua rất nhiều công đoạn.

Ông Nhân chia sẻ thêm, để chế biến ra đường bát cần ít nhất 4 người, trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, người thợ đổ nước mía vào chảo nấu để thành đường. Sau đó, đánh đường cho đến khi tới nước (đặc lại) thì rót vào bát. Để đường đông cứng và nguội, người thợ dùng hai ngón tay xoay đường cho đến khi ra khỏi bát.

Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng - 4

Đầu tiên, người thợ đổ nước mía vào chảo nấu khoảng 2 tiếng để thành đường.

Ông Võ Văn Nhân (63 tuổi) - người có kinh nghiệm hơn 40 năm làm thợ rót đường chia sẻ, rót đường chia làm 3 lần, lần một rót đầy bát sau đó chờ cho đường hơi cứng mới rót lần hai để thành cục u, đến lần 3 thì cục u mới hoàn chỉnh.

Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng - 5

Sau đó, thợ rót đánh đường cho đến khi tới nước (đặc lại) thì rót vào bát.

Cục u tưởng chừng như xấu xí chính là tiêu chuẩn để đánh giá bát đường. Một bát đường không có cục u thì không đạt tiêu chuẩn, bởi cái duyên của bát đường dâng ông Táo ngày Tết nằm ở chính vị trí đó.

Nghề làm đường bát dâng ông Táo của người dân xứ Quảng

"Thợ rót như tôi được trả công 400.000 đồng/ngày. Trung bình một mùa Tết tôi có thể làm được hơn 4 triệu đồng. Giờ tìm người rót đường hiếm lắm, không còn ai mặn mà với nghề nữa", ông Nhân nói.

Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng - 6

Người thợ dùng cây gỗ dài khoảng nửa mét, bè ngang một tấc và nặng để đánh đường.

Đối với nhiều người, đường bát là sản vật ngọt dịu. Nhưng với người làm đường là vị đắng của chuỗi dài những ngày nghề đường trầm lắng. Thoi thóp theo nghề là bao phận người, không dễ giữ.

Đưa Tết đến khắp mọi nơi

Sản phẩm làm ra được các tiểu thương đến tận lò mua và chở đi khắp các chợ quê trong và ngoài tỉnh tiêu thụ. Đường bát ở Quảng Nam có hương vị rất riêng biệt nên luôn chiếm được thị hiếu của người tiêu dùng.

Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng - 7

Rót đường chia làm ba lần mới hoàn chỉnh được một bát đường đẹp.

Điều đặc biệt, nơi đây có cách tính rất độc đáo, 2 bát gọi là một cặp, 30 cặp một bát gọi là một bầu, 2 bầu là gánh, 2 gánh là một giỏ. Mỗi bầu chủ lò thường thêm một bát, gọi là bát kèm để đề phòng vận chuyển bị nát lại mang ý nghĩa thêm may mắn theo kiểu của người dân Quảng Nam.

Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng - 8

Cái duyên của bát đường dâng ông Táo ngày Tết nằm ở cục u do người rót tạo nên.

Bà Võ Thị Thanh (62 tuổi, vợ chủ lò Nguyễn Văn Nhân) cho biết, đường bát nơi đây là sản phẩm đặc biệt, là cốt cách con người Quảng Nam mà bất cứ nơi đâu cũng không có được. Và cũng chính loại đường này mới làm nên các món ăn Tết dâng ông bà như bánh tổ, bánh nổ, bánh ít gai…

Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng - 9

Để đường đông lại và nguội, người thợ dùng tay xoay đường cho đến khi ra khỏi bát.

"Mùa Tết năm nay, lò của tôi cho ra thị trường hơn 1.000 bát đường mỗi ngày và bán đi khắp mọi nơi, với giá từ 40-55.000 đồng/cặp, trung bình thu về được hơn 15 triệu đồng/ngày. Trừ các chi phí và nhân công thì thu lãi được gần 3 triệu đồng", bà Thanh chia sẻ.

Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng - 10

Đường bát Quảng Nam có hương vị rất đặc biệt nên luôn chiếm được thị hiếu của người tiêu dùng.

Thường lệ, dù làm nhiều hay ít khi làm đường bát, nhà bà Thanh đều dành lại vài bầu để ăn dần. Để bảo quản, đường được xếp từng cặp vào rơm rồi đem bỏ vào trong các ghè bằng sành đậy kín.

Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng - 11

Điều đặc biệt, nơi đây có cách tính rất độc đáo và mỗi bầu chủ lò thường thêm một bát để thêm may mắn.

Tuy không còn hưng thịnh nhưng nghề làm đường bát ở Quảng Nam đã có những đóng góp nhất định đối với sự hình thành văn hóa của miền Trung. Đây là chút hương vị trên mâm gia tiên ngày Tết còn sót lại nơi những lò đường cuối cùng ở vùng đất này, sẽ có người quay về để những người như ông Nhân, bà Thanh không phải là những người sau cuối theo nghề.

Nghề làm sản vật ngọt lịm dâng ông Táo ngày Tết của người dân xứ Quảng - 12

Đường bát nơi đây còn là cốt cách con người Quảng Nam mà bất cứ nơi đâu cũng không có được. Cũng chính loại đường này mới làm nên các món ăn Tết như bánh tổ, bánh nổ, bánh ít gai…