Chợ Bà Hoa: Hương vị Tết xứ Quảng giữa lòng Sài Gòn

Quang Minh

(Dân trí) - Ở TPHCM, vào dịp cuối năm, những người con xứ Quảng muốn thưởng thức hương vị Tết quê nhà, muốn được nghe giọng Quảng thường tìm đến chợ Bà Hoa.

Ở TPHCM, vào dịp cuối năm, những người con xứ Quảng muốn hít thở hương vị Tết quê nhà, muốn được nghe giọng Quảng thường tìm đến chợ Bà Hoa. Nơi có những con người chân chất, hiền lành, cần cù chịu khó, dù lập nghiệp nơi xa nhưng vẫn luôn giữ chất Quảng trong người.

Chợ Bà Hoa: Hương vị Tết xứ Quảng giữa lòng Sài Gòn

 Nét văn hóa làng quê vẫn còn lưu giữ

Những ngày giáp Tết chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) luôn nhộn nhịp cảnh người bán, người mua từ sáng sớm đến tận tối. Những gian hàng thường ngày chỉ bán mì quảng, cao lầu, bánh tráng, bánh thuẩn… thì nay có thêm bánh tét, bánh chưng, những cây bánh in vàng rực để cúng bàn Phật, hay những cây bánh ngũ sắc để cúng ông, bà, tổ tiên.

Chợ Bà Hoa: Hương vị Tết xứ Quảng giữa lòng Sài Gòn - 1

Bà Hai Tịnh, tiểu thương chợ Bà Hoa chuẩn bị những cây bánh để khách hàng mua về cúng dịp Tết.

Một điểm khác biệt của chợ Bà Hoa so với những ngôi chợ khác là vào ngày cuối năm chợ thường tổ chức cúng tất niên. Thông lệ này đã diễn ra từ hơn 20 năm qua, cứ đến ngày 16 tháng Chạp, các tiểu thương lớn tuổi tụ họp lại, không ai bảo ai, mỗi người một việc. Người chuẩn bị bàn, người chuẩn bị nhang đèn, người chuẩn bị lễ phẩm… làm lễ cúng tất niên để cảm tạ một năm đã qua và cầu năm mới có được sức khỏe, bình an.

Chợ Bà Hoa: Hương vị Tết xứ Quảng giữa lòng Sài Gòn - 2

Lễ cúng tất niên tại chợ Bà Hoa.

Ở những làng quê miền Trung, khi trong nhà có những việc lớn như cúng, giỗ, đám tang, đám cưới… những người hàng xóm không cần nhờ vả cũng tự động đến phụ giúp gia chủ. Từ đó mới sinh ra câu "Bà con xa không bằng láng giềng gần". Nay khi đến chợ Bà Hoa, được nhìn lại nét văn hóa dân dã của quê hương vẫn còn lưu giữ nơi đất khách quê người, thật dễ khiến cho những người con xa quê bồi hồi, xúc động.

 Lịch sử hình thành

Chợ Bà Hoa có lịch sử hình thành vào thập niên 60 của thế kỷ trước, cư dân từ các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam di cư vào vùng Bảy Hiền ở Sài Gòn, nay thuộc quận Tân Bình, TPHCM, đem theo nghề dệt truyền thống của cha ông mình. Từ đó vùng Bảy Hiền bắt đầu đông đúc dần lên, hình thành nên làng dệt Bảy Hiền với khoảng 90% dân cư có gốc từ tỉnh Quảng Nam.

Thời hưng thịnh nhất của nghề dệt vào khoảng năm 1985, 1986 đến năm 2000. Trải qua thời gian, nghề dệt ngày nay đã mai một đi khá nhiều nhưng khu Bảy Hiền vẫn được xem là một trong những khu người Quảng lớn nhất ở TPHCM. Những con người đất Quảng đã đem theo lối sống văn hóa và ẩm thực mộc mạc từ làng quê vào đây để tạo nên khu chợ độc đáo này.

Chợ Bà Hoa: Hương vị Tết xứ Quảng giữa lòng Sài Gòn - 3

Mặc dù bây giờ chợ Bà Hoa được đổi tên thành chợ Phường 11, nhưng trong tâm trí của người bán và người mua, cái tên Bà Hoa vẫn còn rất quen thuộc.

Bà Nguyễn Thị Sáu bán hàng tại chợ hơn 40 năm cho biết, Bà Hoa quê ở miền Bắc, vào Nam lập nghiệp rồi bà thành lập ra khu chợ này. Những dãy nhà xung quanh, trước đây do bà Hoa sở hữu. Khoảng 3 năm sau khi xây dựng xong khu chợ, bà Hoa ra nước ngoài sinh sống, sau đó bà có vài lần về thăm lại ngôi chợ.

 Mang ẩm thực xứ Quảng vào Nam

Một du khách nếu lần đầu tiên vào bên trong khu chợ sẽ dễ dàng nhìn thấy một hình ảnh khác biệt chính là những lò bánh tráng nướng còn nóng hổi nằm san sát nhau. Bánh tráng được các bà, các chị nướng liên tục từ sáng đến tối, những ngày cận tết số lượng tăng lên gấp 5 lần so với ngày thường.

Chợ Bà Hoa: Hương vị Tết xứ Quảng giữa lòng Sài Gòn - 4

Bánh tráng nướng là một trong những đặc sản xứ Quảng tại chợ Bà Hoa.

Đối với người miền Trung, bánh tráng là món ăn rất bình dị và quen thuộc. Buổi sáng thức dậy nếu không có gì ăn thì họ sẽ nướng vài cái bánh tráng rồi đem nhúng nước cho mềm, cuộn lại chấm nước mắm tỏi ớt là có thể xong được bữa sáng. Ngon hơn nữa thì bánh tráng này có thể cuốn với rau sống, cá luộc hoặc thịt luộc, sẽ tạo nên một món khoái khẩu. Đặc biệt hơn, trong mâm cúng giỗ, dù cao sang hay bình dân đều có bánh tráng.

Chợ Bà Hoa: Hương vị Tết xứ Quảng giữa lòng Sài Gòn - 5

Trong dịp Tết, bánh thuẫn bán rất đắt hàng, có tiểu thương phải làm cả ngày lẫn đêm mới đủ số lượng bán cho khách.

Kế bên lò than nướng bánh tráng là những lò bánh thuẫn được nướng bán tại chỗ. Bánh thuẫn có thành phần khá giống bánh bông lan, chỉ khác là ít xốp hơn. Đối với người Quảng, từ khoảng những năm 2000 về trước, những ngày Tết mọi người mới có dịp được ăn những chiếc bánh thuẫn. Qua thời gian, kinh tế phát triển, những chiếc bánh thuẫn được đúc thủ công đã dần dần bị thay thế bởi nhiều loại bánh kẹo nhìn bắt mắt, phong phú hơn. Đến thời điểm hiện tại, trong mâm quả bánh đãi khách ngày Tết của người Quảng tại chính quê hương, chiếc bánh thuẫn đã gần như vắng bóng.

Ấy thế mà ngay giữa lòng Sài Gòn, một ngôi chợ vẫn còn giữ được những giá trị truyền thống của cha ông để lại. Chị Nguyễn Thị Bông có thâm niên làm bán bánh hơn 30 năm tại chợ Bà Hoa kể lại: "Mẹ tôi bán bánh thuẫn ở đây từ trước 1975, sau đó tới tôi bán. Bánh làm ra, bán từ sáng đến chiều là hết. Bánh thuẫn khách thường dùng làm quà đi đám cúng, đám giỗ, đám cưới, đám hỏi. Phong tục của người miền Trung là vậy, người ta có quan niệm bánh thuẫn khi nướng nở ra như bông hoa sẽ mang lại điều may mắn. Cho nên khai trương, giao thừa hay đầu năm, mọi người thường chọn loại bánh này để cúng ông bà tổ tiên".

Chợ Bà Hoa: Hương vị Tết xứ Quảng giữa lòng Sài Gòn - 6

Bánh thuẫn vàng ruộm sau khi ra lò.

Qua bao nhiêu năm, nay ăn lại chiếc bánh thuẫn, những người con đất Quảng vẫn thấy nguyên vị như ngày xưa, về hình dáng cũng vậy, chiếc bánh vẫn không thay đổi, vẫn một màu vàng sáng rực, bên ngoài vẫn xù xì, dân dã., bên trong thơm phức.

Có lẽ, do ở ngôi chợ này buôn bán những món hàng truyền thống của cha ông để lại, các sản phẩm gắn với những ký ức xa xưa của một thời khó khăn vất vả. Nên cả người bán và người mua như ẩn sâu một sự tôn kính đối với món hàng. Những con người chân chất mộc mạc, họ không nói thách, buôn bán nhẹ nhàng, từ tốn. Những điều ấy đã tạo nên nét độc đáo riêng biệt ở khu chợ Bà Hoa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm