Hội An:
Chợ tết Đoan Ngọ hàng hóa phong phú, người dân thắt chặt chi tiêu
(Dân trí) - Sáng 13/6 (tức mùng 4/5 tết Đoan Ngọ), tại chợ Hội An, Quảng Nam, hàng hóa bày bán đa dạng phục vụ người dân mua sắm lễ, nhưng sức mua yếu, hàng hóa tiêu thụ cũng chậm hơn.
Tết Đoan Ngọ (tức mùng 5/5 âm lịch) hay còn gọi là tết diệt sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng.
Theo quan niệm dân gian, ngày này, người dân thường cúng mâm lễ vào đúng 12 giờ trưa (chính Ngọ ngày mùng 5), tắm hoặc uống nước lá thuốc nam (lá mùng 5) nhằm tiêu mầm bệnh.
Đây còn là nét đẹp phong tục văn hóa truyền thống của người dân xứ Quảng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo các tiểu thương tại chợ Hội An, mặt hàng phục vụ tết Đoan Ngọ luôn đa dạng như hoa quả các loại, bánh ú tro, lá mùng 5…
Tuy nhiên, sức mua năm nay chậm hơn mọi năm do người dân thắt chặt chi tiêu hơn khi điều kiện kinh tế còn khó khăn bởi ảnh hưởng dịch Covid-19.
Giá cả cụ thể, vải thiều 25-30.000/kg tùy loại; bánh ú tro không nhân giá 20.000 đồng/chục, bánh ú tro có nhân (tào xá) 40-45.000 đồng/chục, nhìn chung các loại này giá vẫn bình ổn như mọi năm…
Bà Nguyễn Thị Lan (tiểu thương quầy hoa quả chợ Hội An) cho hay: "Giá các loại trái cây vẫn bình ổn như ngày thường. Dịp này, tôi nhập về đa dạng hơn để phục vụ người dân. Dù vậy, sức mua cũng yếu hơn mọi năm do người dân dần thắt chặt chi tiêu. Hội An chủ yếu làm du lịch, mà hơn một năm qua du lịch tại đây đóng băng, nhiều người thất nghiệp nên họ cũng ít dám chi như trước"
Các quầy hoa, bánh trái tự phát cũng khá nhiều, họ đều là những lao động đang thất nghiệp tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Người bán thì nhiều, người mua ít nên cũng khá khó khăn".
Các loại gia cầm, đặc biệt là vịt được đưa về chợ ít hơn mọi năm. Theo một tiểu thương chuyên bán gia cầm cho biết, hiện nay nhiều chủ nuôi vịt rao bán trên mạng xã hội rồi giao tận nơi cho khách, giá cả cũng rẻ hơn so với mua ở chợ. Nhiều khách hàng có đến hỏi giá, rồi bảo mua trên mạng rẻ hơn. Người dân hiện cân nhắc chi tiêu hơn vì điều kiện kinh tế khó khăn.
Tại chợ Tết Đoan Ngọ, thứ không thể thiếu đối với người dân Quảng Nam - Đà Nẵng dịp này chính là lá mùng 5. Lá mùng 5 rất đa dạng, thường có các loại như chùm đường, vú sữa, đinh lăng, chè già, lá dâu, hóc hương, rẽ quạt, đại tướng quân, thuốc cứu, lá chổi, cỏ cú, gốc sát…
Bà Trần Thị Hồng (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) chia sẻ: Từ đầu tháng 4 âm lịch, bà lặn lội lên tận các vùng cao Đông Giang, Nam Giang để tìm hái lá về phơi khô.
Công việc khá vất vả vì trời nắng nóng, nhưng mỗi năm có một dịp nên bà chịu khó mong kiếm thêm thu nhập. Lá tươi thì gần đến mùng 5/5 bà mới hái các loại cây thuốc nam trồng quanh nhà.
Đến khoảng mùng 1/5 âm lịch, bà bắt đầu mang lá ra chợ Hội An bán, cứ xếp sẵn các loại lá, rồi bán theo nhu cầu của người mua.
"Mỗi bó giá từ 3 - 20 nghìn đồng tùy loại. Đa số khách hàng đều mua mỗi thứ một ít, trộn chung với nhau để nấu cho thơm và đậm vị. Một ngày bán có thể thu về từ vài trăm đến hơn một triệu đồng, tùy lượng khách hàng", bà Hồng cho hay.
Theo bà Lê Thị Bé (người dân Hội An), đến mùng 5/5, người dân ở đây mua lá thuốc này về phơi khô để dành uống, đây là tục lệ hàng năm của gia đình.
"Các loại bánh trái hay đồ lễ vẫn sắm nhưng mua ít hơn, do kinh tế khó khăn. Tôi làm dịch vụ du lịch mà hơn một năm qua có thu được đồng nào đâu. Chồng tôi trước làm may đo cho khách du lịch, giờ phải xin làm công nhân công ty may. Kiếm được đồng nào hay đồng đó, chờ du lịch hồi phục thôi", bà Bé tâm sự thêm.