Mã số 2043:
Xót xa người vợ ngày nào cũng thắp hương xin cho chồng con mạnh khỏe
(Dân trí) - Sau nhiều năm góp nhặt cục gạch, cọng sắt… dư do chủ nhà bỏ, vợ chồng chị Trinh xây dựng được căn nhà để ở. Ai ngờ bệnh tật bủa vây chồng và hai đứa con nên nhiều năm qua một thân một mình chị Trinh đi phụ hồ, nuôi chồng và 2 con bệnh tật...
Đến ấp 4, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) hỏi thăm đường đến nhà anh Nguyễn Văn Nhớ (1981) và chị Liên Thị Tuyết Trinh (1977), hầu như người dân nào ai cũng biết. Họ biết, bởi vì cái nghèo, bệnh tật đeo bám vợ chồng anh chị Trinh và 2 đứa con khờ dại suốt mấy năm qua. Từ ngày anh Nhớ không thể đi làm được nữa đã đẩy gia đình anh vào cảnh khốn cùng, vì một mình chị Trinh dù làm đủ mọi việc vẫn không lo đủ cái ăn, viên thuốc… cho 3 người bệnh trong ngôi nhà không cửa, trống trơn từ trước đến sau.
Vừa đến nhà anh Nguyễn Văn Nhớ, chúng tôi nghe tiếng khóc thé của bé Nguyễn Thanh Minh (đứa con trai 3 tuổi của anh Nhớ) nhưng chẳng có tiếng dỗ dành của người lớn. Chúng tôi bước vào trong, thấy cháu Nguyễn Ngọc Trân (đứa con gái lớn 13 tuổi của anh Nhớ đang bị bệnh tim) nằm co ro trên giường với vẻ mặt tái nhạt. Còn anh Nhớ thì lần mò ở tận nhà bếp, hình như anh đang cố gắng tìm kiếm một cái gì đó… Lúc này chị Trinh hớt hải chạy về bế bé Minh lên dỗ dành nhưng bé Minh vẫn khóc và mãi đến khi chị Trinh khui hộp sữa tươi cho bé Minh uống đến lúc này bé Minh mới chịu nín.
Chị Trinh và cháu Minh ngồi bệt trên đống cây tạp để sát vách tường, chị Trinh lau vội những giọt nước mắt của chị và bé Minh rồi trò chuyện với chúng tôi về quãng thời gian một mình chị gồng gánh nuôi cả nhà bằng nghề phụ hồ nặng nhọc. Có lẽ cũng nhờ cái nghề này mà chị đã dựng được một bàn thờ giữa nhà mà ai thấy cũng phải xót xa. Bàn thờ nhà chị Trinh chỉ vỏn vẹn là hai cái thùng bị bể chất chồng lên nhau, phía trên đặt một miếng ván gỗ để đặt bát hương và tượng phật, thần tài…
Nhìn cháu Nguyễn Thanh Minh đứng cạnh bàn thờ giữa nhà của vợ chồng anh Nhớ, nhiều người trong chúng tôi không khỏi mủi lòng trước hoàn cảnh nghèo khó của vợ chồng anh Nhớ.
Trong lúc chúng tôi đang khắc khoải với cái bàn thờ độc nhất vô nhị của vợ chồng chị Trinh, anh Nhớ từ nhà dưới lần mò bước ra chiếc giường đặt ở nhà trên tiếp chuyện với chúng tôi. Cái giường anh ngồi lại cao hơn cái bàn thờ giữa nhà. Anh Nhớ khóc và nói: “Quê tôi gốc ở Vĩnh Long, số tôi nghèo từ nhỏ và sau khi cưới vợ thì về đây sinh sống bằng nghề làm thuê làm mướn khắp nơi nhưng gia đình vẫn không thoát khỏi chữ nghèo”.
Tuy phải sống cảnh chật vật nhưng gia đình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười yêu thương. Rồi niềm hạnh phúc ấy như được nhân đôi khi lần lượt 2 đứa con kháu khỉnh chào đời. Hơn bao giờ hết, anh Nhớ khao khát có được một ngôi nhà vững chắc để che mưa, che nắng cho các con. Vốn tính tình hiền lành, chịu thương chịu khó nên khi đi làm phụ hồ, anh xin những thứ vật liệu thừa, mỗi ngày một ít với mong muốn xây dựng được một ngôi nhà kiên cố hơn.
Từ khi anh Nhớ không còn lao động được nữa, mọi việc nặng nhọc trong gia đình do một mình chị Trinh gánh vác nhưng chẳng đủ đâu vào đâu
Chắt chiu nhiều năm trời từ que sắt, cục gạch… dư do chủ nhà bỏ lại, vợ chồng anh Nhớ đã xây được căn nhà cấp 4 toàn gạch. Mãi đến năm 2014 anh Nhớ mới xin xi măng của một ông chủ tốt bụng nên nhờ thợ hồ đến tô được một vách nhà. Riêng cửa lớn và mặt dựng cùng nhiều hạng mục khác anh Nhớ vẫn để trống cho đến nay. Tuy là ngôi nhà được làm bằng bê tông nhưng bên trong thì “trống huơ trống hoắc”, không có vật gì giá trị, ngoài chiếc giường cũ để tiếp khách.
Bệnh tật bủa vây cả nhà…
Cuộc nói chuyện của chúng tôi thường xuyên bị cắt ngang khi cháu Minh khóc, đòi sữa. Nhìn con, anh Nhớ trầm buồn: “Nghèo bao nhiêu cũng chịu được, nhưng nay lại phải mang thêm cái bệnh. Nhà có bốn người thì bệnh hết ba. Khổ nhất là hai đứa con nhỏ”.
Căn nhà mà nhiều năm liền hai vợ chồng anh Nhớ đi làm hồ xin từ que sắt, cục gạch... dư do chủ nhà bỏ để xây dựng nên nhưng đến nay, cửa, mái trước vẫn còn dở dang thế này.
Theo anh Nhớ kể, đầu năm 2014, anh Nhớ bị mắc chứng bệnh sỏi mật và được đưa đi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, sau khi cắt bỏ túi mật thì bệnh tình có phần giảm, nhưng cũng từ đó anh Nhớ cũng không còn sức để lao động nặng nữa. Và cũng trong lần điều trị đó, anh Nhớ phát hiện mình còn bị viêm đa khớp và gai đầu gối phải thường xuyên dùng những loại thuốc đắt tiền. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, kiệt quệ nên anh Nhớ phải cắn răng chịu đựng, những lúc bệnh tình chuyển nặng phải ra bác sĩ tư để mua thuốc uống nhằm giảm đau.
Anh Nhớ không sợ nghèo, vất vả... Chỉ mong khỏe mạnh để đi làm rồi kiếm tiền lo chữa bệnh cho hai đứa con
Cách nay 6 tháng, cũng trong một lần mua thuốc từ bác sĩ tư về uống thì anh Nhớ có cảm giác 2 mắt bị mờ, toàn thân nóng sốt kéo dài. Nhưng do không có tiền đi bệnh viện nên anh Nhớ đành nằm ở nhà “chờ chết”. Nhờ vào sự giúp đỡ của người thân, gia đình anh Nhớ đã vay nóng số tiền gần 20 triệu đồng để chuyển anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP HCM điều trị. Được biết, tại đây bác sĩ chẩn đoán anh Nhớ bị dị ứng nặng gây tổn thương trên da, niêm mạc miệng, mắt bị sưng mờ, có khả năng nhiễm trùng do vết thương lở loét.
Sau hơn 2 tháng dùng thuốc đặc trị thì bệnh tình anh Nhớ chỉ mới phần nào thuyên giảm, nhưng số tiền vay mượn cũng đã cạn hết, gia đình đành đưa anh Nhớ về nhà. Hiện tại, hai mắt của anh Nhớ vẫn còn mờ và thường xuyên chảy nước mắt; căn bệnh viêm đa khớp vẫn còn hoành hành, nhất là những hôm trời trở gió… Nhìn nước da tái nhợt, chúng tôi hỏi thăm trong người còn bệnh gì nữa không, anh Nhớ cho biết, chẳng hiểu sao từ ngày cắt túi mật, mỗi ngày anh đi vệ sinh trên 10 lần. Theo anh Nhớ, nếu căn bệnh này không chữa khỏi thì cũng chẳng ai dám thuê anh làm…
Dù bản thân còn nhỏ, sức khỏe chẳng khá hơn chị Trân nhưng khi nào no bụng sữa là cháu Minh đến hỏi thăm chị Trân, chẳng chịu ra ngoài chơi.
Giờ đây, gia đình anh Nhớ nợ lên đến 40 triệu đồng (trong đó có 22 triệu vay nhà nước để nuôi heo nhưng thất bại, số còn lại là vay bên ngoài với lãi suất 100.000 đồng/triệu/tháng). Không những thế, đứa con trai 3 tuổi của anh chị là cháu Nguyễn Thanh Minh bị mắc chứng bệnh tắc túi lệ và lở loét ở lưỡi từ lúc chào đời. Căn bệnh khiến cháu Minh không thể ăn cơm được mà chỉ có thể uống sữa, ăn cháo. Mỗi ngày, riêng phần cháu Minh đã phải tốn 36.000 đồng tiền sữa. Vừa rồi anh có đưa cháu Minh đến bệnh viện huyện Vị Thủy, các bác sĩ yêu cầu chuyển lên tuyến trên điều trị… nhưng rồi không tiền, vợ chồng anh Nhớ lại đưa cháu về nhà.
Do anh Nhớ không còn khả năng lao động nên gánh nặng cơm áo gạo tiền trút hết lên đôi vai người vợ. Chị Trinh phải thay chồng đi làm phụ hồ, mỗi ngày được 120.000 đồng, nhưng do là phụ nữ nên công việc không ổn định, cả tháng có khi chỉ làm được khoảng 10 ngày. Những ngày còn lại chị phải đi hái bắp chuối, bắt ốc bán lấy tiền mua gạo và sữa cho con.
Ngày nào, chị Trinh cũng cầu trời khẩn phật cho chồng và 2 con thoát khỏi những căn bệnh ngặt nghèo!
Chưa hết, đứa con gái lớn của anh, chị Trinh là cháu Nguyễn Ngọc Trân (13 tuổi), đang học lớp 7 với thành tích học tập rất cao. Vì thương cha mẹ nên một buổi đi học, còn một buổi phải phụ bán rau ngoài chợ, mỗi ngày được cho 30.000 – 40.000 đồng, số tiền này Trân phụ giúp mẹ mua sữa cho em. Nhưng chính bản thân Trân cũng bị suy tim thường hay bị xỉu, nhất là những lúc nhịn đói đi học. Và hôm chúng tôi đến nhà cũng là lúc căn bệnh suy tim đang hoành hành cháu Trân, vì thế Trân phải xin nghỉ học nằm ở nhà cam chịu mà chẳng có viên thuốc nào uống. Theo cháu Trân, triệu chứng mệt mỗi ngày nhiều lên, có khi một tháng em nghỉ cả tuần.
Nhận xét về hoàn cảnh gia đình anh Nhớ, ông Nguyễn Văn Đủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Nàng Mau cho biết: “Gia cảnh của anh Nhớ ở ấp 4 nằm trong hộ cận nghèo, nghề nghiệp bấp bênh, nguồn thu không có, chủ yếu là làm thuê. Từ ngày bệnh tật đến nay gia cảnh khốn khó, gia đình có 4 người thì đã bệnh đến 3 người. Phía Ủy ban sẽ xét cấp hộ nghèo cho hộ anh Nhớ trong đầu năm 2016, để nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước, cũng như chính quyền địa phương. Đề nghị quý báo, mạnh thường quân xét giúp đỡ cho gia đình anh Nhớ có tiền chữa bệnh cho anh và 2 đứa con thơ dại”.
Công việc phụ hồ nặng nhọc nhưng theo chị Trinh đôi khi chị muốn làm nhiều hơn cũng không có... Hơn nữa, vì cháu Minh còn nhỏ chị Trinh chỉ xin làm ở những công trình gần nhà nên có khi cả tháng chỉ làm được vài hôm.
Tiếp chuyện chúng tôi xong, chị Trinh vội vàng khoác áo, mang dụng cụ tất tả cuốc bộ đến nhà một người dân trong xóm đang xây nhà ăn tết để phụ hồ. Khi chúng tôi đi qua, chị Trinh say sưa làm việc bất chấp cái nắng quái cuối năm chang chang dội xuống như thiêu cháy những người bé nhỏ như chị. Lúc này, chúng tôi thấy bóng chị nhỏ dần và mờ đi trong đám khói bụi xi măng, tường vôi bóc lên… Ánh mắt khát sữa của bé Minh; nỗi lo không được đến trường của cháu Trân và bóng người đàn ông nhỏ thó ngồi ở trước hiên nhà… cứ đeo bám chúng tôi, làm lòng chúng tôi như thắt lại !
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 2043: Anh Nguyễn Văn Nhớ: Ấp 4 – Thị Trấn Nàng Mao, Huyện Vị Thủy – Tỉnh Hậu Giang
ĐT: 01286989647
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
* Tài khoản VND tại Ngân hàng Agribank:
- Tên tài khoản: Báo Khuyến học và Dân trí
- Số tài khoản VND: 1400206027950.
- Tại Ngân hàng: Agribank CN Láng Hạ
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Agribank:
- Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
- Account Number: 1400206027966
- Swift Code: VBAAVNVX402
- Bank Name: Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development, Lang Ha Branch
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP TPHCM: số 294 - 296 đường Trường Sa, phường 2, quận phú Nhuận, TPHCM. Tel: 0866786885
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
Ngô Nguyễn - Đức Đạt