Mã số 965:
Xót xa ngôi nhà có 3 người điên
(Dân trí)- Gọi là ngôi nhà toàn người điên bởi 18 năm qua trong ngôi nhà ấy không lúc nào im tiếng kêu la, tiếng đập phá. Mấy năm lại đây, những đứa trẻ trong ngôi nhà ấy sợ hãi nhìn từng người lớn trong gia đình lần lượt hóa điên trước mắt chúng.
Ngôi nhà của gia đình anh Hồ Thanh Chức (Sn 1972) nằm lọt giữa vùng gió lào cát trắng của xóm Toàn Thắng (xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Cái vùng đất, quanh năm nghe gió lào miết từng đợt, thốc từng mành cát vào tận sân. Cả xóm chẳng ai có thể cày cấy được một khóm ruộng trên mảnh đất cát này. Gia đình anh Chức cũng chẳng phải trường hợp ngoại lệ. Đường vào nhà cũng chẳng thành đường. Một dải đất cát đắp bồi lên, người ta đi ra đi vào dần cũng thành con đường nhưng chỉ vừa đủ cho 1 chiếc xe máy, không cẩn thận cũng trầy trụa vì cát.
Gần đến sân chúng chúng tôi đã nghe tiếng cuời hềnh hệch của Hồ Thanh Tèo (Sn 1995) – con trai cả của vợ chồng anh Chức. 2 đứa em cũng chỉ dám quanh quẩn ở xung quanh không dám lại gần. Nhìn Tèo chẳng ai tin đó là cậu thanh niên đã 18 tuổi. Kể từ khi Tèo biết bò, bố mẹ ngày ngày phải dùng sợ dây buộc chân Tèo ở gốc cây sau nhà. Bởi bất kể ngày hay đêm, không thể đếm được bao nhiêu lần cả nhà đã phải cuống quýt đi tìm Tèo…
Anh Chức bị tai nạn lao động đã hơn 5 tháng nay. Tiền của cũng theo vợ chồng anh và cô con gái thứ 2 Hồ Thanh Hưng (Sn 1998) ra Hà Nội để chạy chữa cho bệnh tình anh. Trong nhà chỉ còn lại người con trai cả bị điên bẩm sinh và 4 đứa nhỏ còn chưa biết lo đến chuyện cơm nước hàng ngày.
Mọi chuyện trong nhà nhờ cả vào người anh trai Hồ Phi Sức và bà nội đã ngoài 85 tuổi. “Tội lắm cô à, cháu người ta 16, 17 tháng còn bú sữa mẹ còn cháu tui hơn 1 đã phải cai sữa rồi. Khóc suốt ngày. Bác nó cứ phải nấu cháo trắng rồi thỉnh thoảng có thêm chút thịt chà lấy nước cho cháu uống. Hàng xóm thương tình cũng cho 5, 10 nghìn góp lại mua hộp sữa bột hơn 100 nghìn để cháu có chút sữa thôi”, bà nhìn cô cháu nội xót xa.
Anh Sức run run kể cho chúng tôi cuộc sống bất hạnh và khó khăn của em trai mình. “Răng mà số chú khổ rứa không biết. Chú Chức là em út trong gia đình. Nhà chỉ hai anh em trai, các o đều lấy chồng xa, Chỉ có 1 o bị tâm thần nhẹ vẫn sống với bà. Chú cưới vợ ở quê, rồi vợ chồng sống với nhau chưa được đủ năm đủ tháng thì nghèo quá mà phải tha phương kiếm sống. Làm mới được 1 năm thì chú đau ốm. Số tiền mọn còn sót lại sau những ngày thuốc thang chỉ đủ mua tàu xe anh về quê. Tưởng cuộc sống 2 vợ chồng khó khăn rồi rau cháo cũng qua nhưng mà hết cơn bĩ cực này lại đến cơn bĩ cực khác.”
“Năm 1995, sinh thằng Tèo thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị điên bẩm sinh. Từ đó đến nay chưa bao giờ tâm trí cháu tỉnh táo. Đến một tiếng cha, tiếng mẹ cũng chưa bao giờ cháu nó gọi tròn câu. Đau xót lắm”, anh chạnh lòng nhìn đứa cháu.
Rồi cháu Hưng ra đời, cũng bị hở hàm ếch. Vợ chồng nhiều lần cũng định tiết kiệm để đưa cháu đi phẫu thuật nhưng cứ khó khăn này đến khó khăn khắc dồn dập. Nhà nghèo, trình độ dân trí cho hạn, những đứa trẻ lần lượt ra đời trong cảnh túng quẫn là Hồ Thị Hiệp (Sn 2003); Hồ Thanh Mỵ (Sn 2007); Hồ Thanh Tàu (Sn 2009) và Hồ Thị Nhung chỉ vừa tròn 6 tháng tuổi. Đông con nhưng đến nay chỉ mỗi em Hiệp đang theo học lớp 5. “Cháu Hưng ngày xưa học khá lắm, nhưng đến lớp 7, thì mẹ phát bệnh điên nên cháu nghỉ học ở nhà…”, anh Sức cho biết thêm.
3 tháng sau khi sinh đứa con thứ 5 thì chị Nguyễn Thị Tứ - vợ anh Chức bỗng dưng phát bệnh điên. Người mẹ hiền hòa bỗng dưng thay tính đổi nết những đứa nhỏ cũng không dám lại gần. Từ khi sinh ra, chúng đã chứng kiến những cơn điên bất thường của anh trai nay lại thêm cả người mẹ. Mỗi lần lên cơn điên, chị Tứ không từ bất cứ ai, cứ gặp là đánh. Những trận đòn thâm tím vẫn còn ám ảnh những đứa trẻ.
Riêng em Hưng, chưa biết bao nhiêu lần mẹ đến trường kéo em về không cho học. “Nhiều lần, có bài kiểm tra, em vừa lấy sách vở ra ôn là mẹ đem đốt hoặc xé hết. Sợ lắm chị à, học lén mẹ mà biết là mẹ đánh…” Hưng nghẹn ngào.
Gia đình cũng khánh kiệt từ ngày vợ đau ốm nhưng bệnh tình chị Tứ cũng chỉ giảm được đôi phần. Những khi thời tiết thất thường hay gặp cơn xúc động, căn bệnh này lại tái phát.
Hằng ngày, anh Chức lên thành phố theo đám thợ cùng làng để làm phụ hồ. Sức khỏe của anh là trụ cột cho 8 miệng ăn trong gia đình. Dù không dư giả nhưng cũng hy vọng đủ kiếm bữa ăn qua ngày. Đầu năm ngoái, vợ chồng anh vay mượn để mua được cặp bò dự định nuôi làm vốn. Thế nhưng đôi bò chưa kịp lớn thì thì đã phải bán…
Anh Chức gặp tai nạn vào đầu tháng 11/ 2012, khi đang làm phụ hồ. Do sơ sẩy, anh Chức bị ngã giàn giáo tầng 2 từ độ cao hơn 10m xuống đất. Anh được chuyển lên bệnh viện tỉnh trong trạng thái hôn mê. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh bị chấn thương cột sống cổ, liệt tứ chi và được chuyển ra bệnh viện 103 để tiến hành phẫu thuật. Sau 3 tháng điều trị, anh được chuyển về lại bệnh viện Tỉnh nhưng một phần cơ thể vẫn không cử động được. Chưa đến 2 tuần, vết thương ở vùng lưng do ngã từ trên cao ngày càng bị viêm loét, nên gia đình đưa anh ra điều trị ở viện Bỏng.
Vết thương của anh loét bằng 1 bàn tay của người lớn, sâu khoảng 2 đốt tay, thường xuyên bị bưng mủ. Cứ 2 ngày, các bác sĩ phải dùng dụng cụ để hút chất dịch, và dùng da các phần khác để khâu vá vết thương. Vết thương thể xác chưa lành lặn thì tâm thần lại bị rồi loạn.
Hiện nay, tâm trí anh Chức bị rối loạn, thường xuyên la hét. Mỗi ngày, tâm trí anh chỉ ổn định được khoảng vài tiếng. “Khổ lắm cô ạ, nhà cháu 3 người bị tâm thần rồi. Ra chăm bố mà thỉnh thoảng mẹ cũng lên cơn. Chỉ tuần trước, mẹ định nhảy từ tầng 4 xuống, may mà mọi người phát hiện. Cháu chỉ mong bố mẹ hết bệnh mà chăm sóc các em thôi…”, giọng Hưng nghẹn ngào qua điện thoại.
Trong căn nhà, gần như trống hoác, chẳng còn tài sản gì có giá trị. Chuồng bò được xây khá kiên cố nhưng cũng bỏ không. “Trước 2 vợ chồng vay mượn mua được đôi bò. Chưa trả hết nợ thì cũng phải bán được hơn 14 triệu đồng để chạy chữa cho chú. Cứ mỗi đợt hút dịch như thế cũng tốn cả triệu bạc. Chi phí thuốc men chạy chữa cũng hết hơn 150 triệu rồi. Chúng tôi cũng chỉ muốn cho các cháu được có bố thôi, nhưng hết chỗ vay mượn rồi. Sắp tới chắc phải đưa chú về thôi, chứ bệnh tiếp bệnh mà tiền đâu để tiếp tục… ”, anh Sức nhìn các cháu xót xa.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 965: Anh Hồ Thanh Chức xóm Toàn Thắng , xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. ĐT: 01672876209 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Phượng Vũ - Văn Dũng