Mã số 834:
“Ước gì tôi chết để đôi chân chồng được khỏe mạnh”
(Dân trí) - Vợ nằm liệt giường 3 năm nay và giờ đây căn bệnh viêm đa khớp sắp lấy đi đôi chân của anh Bảo nếu không chữa trị kịp thời. Nhưng điều anh lo nhất là nếu anh ngồi một chỗ, hai con anh sẽ đối mặt với cảnh đói khát, thất học!
Hoàn cảnh sắp rơi vào cảnh bế tắc nêu trên là của vợ chồng anh Lê Phước Bảo (38 tuổi) và chị Lê Thị Nhung (33 tuổi) ngụ ấp Hòa Quý, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Dòng họ hai bên, anh em đều thuộc diện nghèo nên khi vợ chồng anh Bảo lâm vào bước đường cùng họ chỉ “góp” nước mắt và ít lon gạo, con cá chứ chẳng giúp được gì hơn.
Theo ông Lê Văn Nhớ (55 tuổi) – cha ruột anh Phước Bảo kể lại, vợ chồng anh Bảo rất siêng năng lao động, nhờ đó gia đình anh Bảo là một trong những người con đủ ăn nhất của ông. Thế nhưng, khoảng tháng 9 năm 2009, trong lần chị Nhung đi lấy nhãn về nhà lột gia công như mọi khi thì không may bị trượt chân, đầu đập xuống đất, lúc đó trên đầu chị đội 20 kg nhãn nên bị dập đốt sống cổ, phải chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật mới giành lại sự sống từ tay tử thần.
Anh Phước Bảo vừa xoa bóp tay cho chị Nhung, bùi ngùi cho biết: “Sau hơn 1 tháng nằm điều trị, vợ tui bắt đầu nói được, ngón tay, ngón chân bắt đầu có cảm giác, … nhưng không ngồi dậy, đi đứng mà phải nằm liệt một chỗ đến suốt đời. Thú thật lúc đó tui đau lòng lắm nhưng nghĩ lại trời phật còn thương mới để vợ tui sống, chứ nếu không 2 đứa nhỏ bây giờ phải chịu cảnh mồ côi mẹ rồi.”
Nhận thấy mình là gánh nặng cho chồng con trong 3 năm nay, chị Nhung khẩn trời cho mình chết để đổi lấy đôi chân khỏe mạnh cho chồng, nuôi hai con ăn học
Đứa con lớn của vợ chồng anh Bảo tên Lê Thị Hồng Gấm (8 tuổi) – đang học lớp 3 trường tiểu học thị trấn Cái Bè; đứa út tên Lê Thị Lụa (7 tuổi) – học lớp 2 cũng trường tiểu học thị trấn Cái Bè. Cả 2 chị em đều học rất giỏi và ngoan, học kỳ nào cũng có giấy khen. “Năm học rồi, gia đình khó khăn quá cha nó định cho các cháu nghỉ học, cũng may thầy cô trường tiểu học thị trấn Cái Bè và bà con trong xóm cho sách, vở, quần áo cũ,… nhờ vậy mà hai con em có cơ hội được tiếp tục đến lớp, chẳng biết sang năm chúng có cơ hội đi học tiếp nữa hay không?", chị Nhung ngậm ngùi chia sẻ.
Từ khi vợ nằm một chỗ, anh Bảo biết trách nhiệm “cơm áo, gạo tiền” của mình sẽ tăng lên gấp đôi, vì thế quanh năm suốt tháng anh làm việc cật lực, chẳng dám nghỉ ngày nào, tiền công phụ hồ chỉ từ 70.000 – 80.000 đồng. Những tháng sắp đến tựu trường hoặc phải lấy thuốc thêm cho chị Nhung uống, anh Bảo phải làm việc đến 10 giờ đêm, nhằm kiếm thêm 50.000 – 60.000 đồng, lo chuyện học hành cho hai con.
Cũng vì nghèo và làm việc quá sức nên căn bệnh viêm đa khớp của anh 2 năm qua bắt đầu biến chứng, ngoài việc thường xuyên gây đau nhức các khớp thì hiện tại căn bệnh quái ác này đã làm hai chân anh Bảo bị teo và cường độ đau nhức tăng lên gấp bội, khiến anh không thể đi đứng bình thường như mọi khi, công việc phụ hồ cũng tạm nghỉ.
Chị Nhung giàn giụa nước mắt chia sẻ: “Ảnh thương mình nên nói trời thương cho mình sống, chứ thật sự tui chỉ tạo thêm gánh nặng cho chồng con suốt 3 năm qua. Giờ đây tui lo lắm, khi 2 chân anh Bảo bắt đầu teo dần, nếu một ngày anh cũng nằm liệt như tui thì chẳng biết 2 đứa nhỏ sẽ sống thế nào. Vì thế tui khẩn trời đất cho tui được chết, đổi lấy đôi chân khỏe mạnh cho anh Bảo, nếu được vậy hai con gái của tui không phải sống cảnh đói khát, thất học!”.
Chị Nhung nói đến đó, ôm mặt khóc nức nở, thấy mẹ khóc, hai cháu Gấm và Lụa cũng ôm mẹ khóc theo, nói tức tưởi: con không muốn mẹ chết, mẹ phải sống với con. Chứng kiến cảnh ấy, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, nhất là sự hy sinh của chị Nhung, chấp nhận cái chết để đổi lấy đôi chân cho chồng để hai con no đủ, có điều kiện học hành.
Anh Bảo xót xa nhìn vợ, hai con rồi lẳng lặng nhìn xuống đôi chân teo ngất của mình, tuyệt vọng. Hai dòng nước mắt tuôn chảy trên đôi gò má đen xạm, khô đét của người đàn ông to cao nặng hơn 60kg ngày nào, nay chỉ còn hơn 40kg. Không tuyệt vọng sao được, khi hàng ngày ngoài việc anh chạy lo cái ăn thì khoản nợ 105 triệu đồng mà anh vay hỏi từ nhà nước đến bà con, bạc nóng,… khi chữa trị cho vợ, chẳng biết đến khi nào anh mới trả xong.
Anh Bảo thú thật: “Người ta nói nếu tui có điều kiện thì đưa vợ đi tập vật lí trị liệu, thuốc thang đều đặn thì vợ tui sẽ có cơ hội đi lại được. Nhưng với tình cảnh hiện nay, bệnh tình thế này, tui không lo nỗi cái ăn hàng ngày cho cả nhà thì nói gì đến việc chữa bệnh cho vợ, cho tui!”
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 834: Anh Lê Phước Bảo, ngụ ấp Hòa Quý, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. ĐT: 0166.7788.217 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Ngô Nguyễn