1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 848:

Tủi hờn gia cảnh em học sinh bị nghi oan trộm tiền cô giáo

(Dân trí) – Cha mẹ ly dị, mẹ đi bước nữa, hai anh em cô học sinh lớp 2 trường tiểu học Trung Lập Thượng bị cô giáo nghi oan trộm tiền sống cùng bà ngoại từ nhỏ trong căn nhà lá ọp ẹp, phụ bà làm việc mưu sinh từ năm lên 7.

Vất vả mưu sinh từ tấm bé

Tiếp chúng tôi trong căn nhà lá tồi tàn, cụ bà Phạm Thị Tài (sinh năm 1942), bà ngoại của em Lại Thị Thẳm (em học sinh bị nghi oan trộm tiền cô giáo mà Dân trí đã phản ánh) than ngắn thở dài về số phận hẩm hiu của mẹ em, cô con gái thứ 3 của bà.

Mẹ Thẳm tên Phạm Thị Phượng, cưới chồng hơn 15 năm trước, có được 2 mặt con là Thẳm (sinh năm 2001) và anh trai là Lại Văn Thăm (sinh năm 1999) thì hai vợ chồng chia tay. Anh chồng lấy vợ mới, chị Phượng cũng đi bước nữa, hai đứa con được đưa về cho bà ngoại nuôi.

Bà Tài cùng hai anh em Thăm – Thẳm trước căn nhà lá tồi tàn mà 3 bà cháu sinh sống mấy năm nay
Bà Tài cùng hai anh em Thăm – Thẳm trước căn nhà lá tồi tàn mà 3 bà cháu sinh sống mấy năm nay

Bà Tài cho hay: “Bà nội của nó bị bệnh, phải cưa cụt 2 bàn tay, 2 bàn chân. Giờ ông bà nội nó dắt díu nhau đi bán vé số sống qua ngày thì lấy gì mà chăm sóc tụi nó. Thôi thì tôi phải chịu khó mà nuôi chúng nó thôi. Dù gì cũng con cháu mình, được lúc nào hay lúc đó!”.

Ban đầu bà Tài sống cùng với anh con trai út, nhưng nhà anh cũng không khá giả gì, lại đưa thêm 2 đứa cháu về sống cùng, quan hệ vợ chồng phát sinh nhiều lục đục, bà Tài đành ra dựng nhà căn nhà lá ở riêng cùng 2 đứa cháu ngoại.

Cắn răng cam chịu, cụ già hơn 60 tuổi phải làm lụng đầu tắt mặt tối quanh năm để chăm lo cho 2 đứa cháu nhỏ. Mấy năm gần đây, bà đau bịnh liên miên nên hai anh em Thăm – Thẳm phải phụ bà làm việc mưu sinh.

Hàng ngày, cụ bà Phạm Thị Tài đi khắp ấp mua trúc đem về chẻ ra thành từng thanh, phân loại, phơi phóng, chuẩn bị nguyên liệu. Khi hai anh em Thẳm đi học về sẽ bắt đầu dùng những thanh trúc trên đan thành các vật dụng như giỏ, sọt, liếp… cho bà đem đi bán.

Năm mà hai anh em Thẳm bắt đầu đan chiếc giỏ đầu tiên là năm lên 7 tuổi. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi về khả năng đan lát của hai em, cụ bà Tài không giấu nổi nước mắt khi kể về những ngày đầu học đan, đôi tay nhỏ bé của hai đứa trẻ đã phải chịu bao vết cắt bởi những thanh trúc sắc lẹm, đã bao lần hai đứa trẻ khóc òa vì quá cực…

Khi hỏi Thẳm mỗi ngày em đan bao lâu, mấy giờ đi ngủ… em chỉ lắc đầu bảo không biết. Em chỉ biết là vừa đi học về, em cùng anh trai mỗi đứa đan cho xong 1 tấm liếp rồi thì trời đã khuya, nhà ai cũng đã tắt đèn đi ngủ.

Từ năm 7 tuổi, mỗi ngày khi đi học về, Thẳm phải đan cho xong 1 tấm liếp mới được đi ngủ
Từ năm 7 tuổi, mỗi ngày khi đi học về, Thẳm phải đan cho xong 1 tấm liếp mới được đi ngủ

Làm lụng vất vả là thế, nhưng cái nghề của người nghèo khó trên không giúp được cho 3 bà cháu có cuộc sống ấm no. Cụ bà Tài cho hay: “Mỗi ngày 3 bà cháu đan được chừng 2 tấm liếp, mỗi tấm bán được 25 ngàn đồng. Trừ tiền mua trúc ra thì còn dư được chừng 30 ngàn đồng, cũng đủ mắm muối đắp đổi qua ngày”.

Khả năng tiếp thu của Thẳm rất kém

Khi được hỏi về mẹ của hai em, bà ngoại Thẳm cho biết: “Sau này nó ở với người chồng thứ 2 được 2 mặt con nữa thì anh chồng có người mới, hai vợ chồng lục đục và đang tính chuyện li dị. Nó bỏ nhà đi làm đủ thứ nghề mà cũng không đủ sống. Nó xin làm xí nghiệp cũng không được vì anh chồng giữ hộ khẩu, không cho nó mượn để làm hồ sơ xin việc”.

Nói về vụ việc em Thẳm bị nghi oan trộm tiền của cô giáo, bà Tài cho biết: “Tôi cũng không biết thế nào nhưng cô giáo của nó tốt lắm. Thương hoàn cảnh nhà tôi nên thỉnh thoảng cô hay cho ít gạo, khi thì bì quần áo cũ. Sách vở anh em nó học cũng nhờ trường cho chứ không thì tôi cũng chẳng có tiền đâu mà mua. Anh em nó đi học bằng xe buýt của trường cũng được miễn phí”.

Khi hỏi chính quyền địa phương về trường hợp của gia đình bé Thẳm, bà Lê Thị Phương Hồ, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lập Thượng cho biết những đợt lễ tết hay xã vận động được hỗ trợ đều dành 1 suất cho gia đình em. Nhưng nếu nói hỗ trợ đặc biệt cho gia đình thẳm thì xã không thể. Bởi trên địa bàn xã, những hộ nghèo như gia đình bà Tài có đến hơn 330 hộ, nếu có chính sách riêng cho gia đình cụ Tài là không công bằng cho các hộ nghèo khác.

Một điều lo lắng khác của chúng tôi là Thẳm có dấu hiệu tâm thần nhẹ, khả năng tiếp thu rất kém. Bởi em viết chữ đẹp, làm tính giỏi nhưng khả năng đọc rất kém. Em học suốt 4 năm lớp 1 mới nắm được kỹ năng viết và mới lên lớp 2 trong năm học này dù em đã 11 tuổi. Em giao tiếp với người lạ cũng rất kém, không biết diễn đạt ý của mình dù làm việc rất lanh lợi.

Học gần 5 năm Thẳm mới nắm được kỹ năng viết, đọc chữ thì còn khó khăn
Học gần 5 năm Thẳm mới nắm được kỹ năng viết, đọc chữ thì còn khó khăn

Bà ngoại Thẳm cho biết: “Tính nó lù đù lắm, nói trước quên sau. Nhiều lúc nó nói đó nhưng lát hỏi lại thì nó chẳng nhớ gì. Mỗi khi có đợt bác sĩ thành phố về khám từ thiện, thầy cô cũng chở nó đi khám nhưng cũng chưa phát hiện ra bệnh gì”.

Bí thư Phương Hồ cũng lo lắng: “Giờ bà cụ còn lo cho anh em nó được thì còn đỡ, tôi chỉ lo mai này bà cụ sức yếu, già cả thì sao. Nhất là bé Thẳm, với tình trạng như thế thì em nó sẽ phát triển thế nào? Chính quyền cũng từng đề nghị và tạo điều kiện xin cho hai anh em nó vào trung tâm xã hội của thành phố sinh sống, học tập nhưng bà cụ không chịu”.

Khi được hỏi gia đình đã từng đưa em đến các bệnh viện lớn, chuyên khoa tâm thần để khám chưa thì bà ngoại Thẳm chặt lưỡi, lắc đầu ngoày ngoạy. Bà cho biết: “Những tháng tôi nằm viện, hai anh em nó phải sang ăn nhờ quanh các cậu nó, bữa đói bữa no thì lấy đâu ra tiền mà đi khám bệnh hả anh? Ngay như tôi mà không có cái thẻ bảo hiểm y tế diện chính sách thì cũng chẳng dám đi nằm viện đâu!”.

Rồi nghĩ tới tương lai, bà gạt nước mắt tâm sự: “Những lúc trái gió trở trời hay trời mưa lạnh, thương tích cũ trong những ngày tù đày hành hạ thân thể tôi ghê lắm (bà Tài là thương binh 3/4, từng bị tra tấn trong nhà tù của chính quyền miền Nam trước đây - PV), nhức mỏi không thể chịu nổi, chẳng tài nào ngủ được. Tôi cũng không biết sức mình cố được bao năm nữa mà lo cho hai đứa nó. Chỉ tội con bé Thẳm, tính gàn dở, lù đù như nó rồi sau này sống ra sao!?”.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 848: Phạm Thị Tài, tổ 6, ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

3. Văn phòng đại diện của báo:

 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 

Tùng Nguyên