Tri ân gia đình chính sách, người có công ở mảnh đất phên dậu của Tổ quốc
(Dân trí) - Trong 2 ngày, 18-19/7, báo Dân trí phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tổ chức tư vấn, nâng cao sức khỏe và tặng quà tới các gia đình chính sách, tại huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, Hà Giang.
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/71947-27/72024), báo Dân trí phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tổ chức Chương trình tư vấn, nâng cao sức khỏe cho hơn 200 cựu chiến binh, người có công, gia đình chính sách và trao tặng 50 suất quà trị giá 50 triệu đồng bằng tiền mặt tới 50 đối tượng, gia đình chính sách tại huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, Hà Giang.
Tại Chương trình tư vấn, nâng cao sức khỏe và tặng quà tới các cựu chiến binh, người có công, gia đình chính sách, ông Nguyễn Xuân Toàn, Phó tổng biên tập báo Dân trí đã ân cần thăm hỏi động viên và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, mất mát của các cựu chiến binh, gia đình chính sách, người có công ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Đồng thời mong muốn các gia đình luôn sống gương mẫu để động viên con cháu thi đua phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Là người trực tiếp chiến đấu ở mặt trận biên giới Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, Cựu chiến binh Mai Trọng Niên (xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) chia sẻ: "Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi trái gió trở trời, những mảnh đạn găm vào vai, vào trán hay những vết thương chiến tranh vẫn đau nhức, kèm theo những căn bệnh của tuổi già khiến tôi rất mệt mỏi. Khi nghe tin có đoàn bác sĩ từ Hà Nội lên khám bệnh miễn phí, tôi mừng lắm, thấp thỏm chờ đợi và đến sớm để được các bác sĩ khám, tư vấn…".
Ông Niên xúc động kể lại những thời khắc đạn pháo trút xuống như mưa, những người lính lúc đó nép mình vào vách đá. Nhưng cũng không tránh được, mỗi khi đợt tấn công kết thúc, quân ta hi sinh nhiều lắm.
Ông Niên cho biết, tham gia chiến trường từ năm 1981, đến năm 1985 ông bị thương khi chiến đấu giáp lá cà với địch. Khi trúng đạn, ông đã ngất đi, tỉnh lại mới biết mình bị bắn nát vai trái, được đồng đội đưa về tuyến dưới.
"Tôi rất tiếc vì mình bị thương quá sớm để không được tiếp tục tham gia chiến đấu. Được sống đến ngày hôm nay tôi đã may mắn hơn rất nhiều đồng đội của mình, họ đã ngã xuống để bảo vệ cho tổ quốc, để những người lính như tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay".
Giờ ở tuổi gần 70, mang trong mình thêm nhiều căn bệnh tuổi già như cao huyết áp, mỡ máu… nhưng do điều kiện, ông Niên cho biết cũng không đi thăm khám thường xuyên. Chính vì vậy, khi có thông tin đoàn bác sĩ ở Hà Nội về khám, ông rất phấn khởi.
"Đây là sự quan tâm, động viên kịp thời, khích lệ những người lính năm xưa như chúng tôi. Tôi rất cám ơn báo Dân trí cũng như các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã dành thời gian đến với những thương, bệnh binh vùng sâu, vùng xa để thăm khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe và tặng thuốc cho các cựu chiến binh…".
Cũng giống như ông Niên, ông Nguyễn Văn Pháo (thương binh 4/4), dân tộc Tày, sinh năm 1935, nhà ở thôn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là nạn nhân chất độc da cam, một trong những người được thăm khám rất sớm. Ông Pháo cho biết, suốt những năm tháng tham gia chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, chất độc da cam đã ngấm vào cơ thể từ lúc nào không biết, chỉ khi sức khỏe suy giảm, sinh con ra bị di chứng chất độc da cam mới thấy thực sự khủng khiếp.
"Tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội của mình vì chỉ có đứa con út phải chịu di chứng chất độc da cam, còn lại các con đều khỏe mạnh, thành đạt, đi làm cơ quan nhà nước. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi luôn tâm niệm phải cố gắng dạy dỗ, bảo ban con cái học hành, sống có lý tưởng. Điều khiến tôi yên tâm và phấn khởi là luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, cuộc sống ngày càng được cải thiện tốt hơn…".
Ông Pháo chia sẻ và cho biết thêm, ông rất chờ đợi buổi khám bệnh ngày hôm nay, do mấy hôm mưa nắng thất thường, cơ thể đau nhức lại thấy tức ngực, đến đây mới biết do huyết áp tăng cao, nhất định đợt này ông sẽ dành tiền mua một chiếc máy đo huyết áp như tư vấn của các bác sĩ để kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Giản dị trong bộ quần áo thường ngày, cựu binh Lục Văn Viện (74 tuổi) ở thị trấn Vị Xuyên dù mất 1 cánh tay nhưng niềm tin, sự lạc quan ở ông vẫn toát lên trong từng câu nói, nụ cười: "Chúng tôi luôn được Đảng, nhà nước quan tâm, được thăm khám thường xuyên nhưng tôi thực sự xúc động khi các bác sĩ từ Hà Nội lên thăm khám, tư vấn cẩn thận về chăm sóc sức khỏe, được phát thuốc miễn phí… Đây là sự quan tâm, động viên rất quý báu mà tôi rất trân trọng".
Trực tiếp tham gia chiến trường C, thuộc bộ tư lệnh 559 Binh đoàn Trường Sơn, ông Viện kể mình viết đơn tình nguyện đi chiến đấu từ năm 1968, sau khi nhập ngũ vào chiến trường đến năm 1970 bị thương trong một trận đánh, ông bị bom B52 chém thẳng cánh tay, được đồng đội sơ cứu rồi đưa ra Bắc chữa trị. Sau khi trở về, dù mất đi cánh tay nhưng ông vẫn tham gia công tác tại Cục thống kê tỉnh Hà Tuyên cũ, đến năm 1984 về nghỉ chế độ. "Tôi quan niệm thương binh tàn nhưng không phế, vừa tham gia công tác, vừa làm kinh tế để nuôi dạy các con được học hành, thành đạt", câu nói giản dị của ông thực sự khiến chúng tôi xúc động.
Ông Ngạc Ngọc Oanh sinh năm 1949, nạn nhân chất độc da cam ở nông trường Việt Lâm (huyện Vị Xuyên) hồ hởi cho biết, được đến khám, tư vấn sức khỏe đã vui, nay cũng là dịp để các cựu chiến binh gặp nhau ôn lại kỷ niệm nên rất phấn khởi. Ông Oanh cho biết, ông từng tham gia chiến trường B1, B3, biên giới Tây Nam.
Sau khi ra quân, ông lại tham gia trực tiếp vào chiến dịch bảo vệ biên giới Vị Xuyên khi được điều động, hỗ trợ, tiếp tế các chốt trên cao… Giờ chiến tranh đã lùi xa, ông cùng vợ nuôi dạy con cái thành đạt, có cuộc sống ổn định. Mong ước giản dị của người cựu binh già là có sức khỏe, được sống vui, sống khỏe cùng con cháu trong những năm tháng tuổi già.
Theo ThS Phạm Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trong 2 ngày vừa qua, 200 cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có hoàn cảnh khó khăn… của huyện Vị Xuyên, Bắc Quang (Hà Giang) được đo huyết áp, nghe tim phổi, tầm soát các bệnh lý về nội khoa, tai mũi họng.
ThS Tuấn cũng cho biết, phần lớn các cụ được khám trong đợt này đều cao tuổi, đa phần có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống. Qua thăm khám, các cụ sẽ được tư vấn, kê đơn và hướng dẫn điều chỉnh về lối sống, cách dùng thuốc…
Trong dịp này, hệ thống Nhà thuốc Long Châu cùng các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng báo Dân trí dành tặng 200 phần thuốc, vitamin cho người dân đến thăm khám tại chương trình.