1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Trẻ khiếm thị Việt Nam chịu hai lần thiệt thòi: mù mắt và mù chữ

(Dân trí) - Việt Nam hiện có khoảng 100.000 trẻ khiếm thị (tương đương 70%) chưa được đi học. Nếu so sánh với tỉ lệ 97,5% tổng số trẻ Việt Nam đã được phổ cập giáo dục tiểu học thì rõ ràng trẻ khiếm thị phải chịu hai lần thiệt thòi: Mù mắt và Mù chữ.

 

Trẻ khiếm thị Việt Nam chịu hai lần thiệt thòi: mù mắt và mù chữ - 1

Ông M.N.G Mani, Tổng thư kí - Giám đốc chương trình giáo dục cho người khiếm thị thế giới (trái) trao 115 bộ SGK chữ nổi cho đại diện Hội người mù Việt Nam (phải).

 

Tham dự chương trình có ông M.N.G Mani, Tổng thư kí - Giám đốc chương trình giáo dục cho người khiếm thị thế giới, ông Kirk Horton chuyên viên cao cấp Hội người mù thế giới, tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng Phó viện trưởng VKHGDVN, tiến sĩ Nguyễn Đức Minh chuyên viên cao cấp của Viện, cùng đông đảo đại biểu các bộ ngành.

 

Phát biểu tại buổi lễ ông M.N.G Mani, bày tỏ vui mừng được hỗ trợ trẻ em khiếm thị Việt Nam có thêm sách giáo khoa phục vụ cho việc học. Ông Mani đánh giá cao sự nỗ lực của ngành giáo dục nước ta trong phong trào dạy và học cho người khiếm thị, tạo điều kiện tốt nhất có thể giúp người khiếm thị hoà nhập cuộc sống.

 

Ông Mani hứa trong những năm tới sẽ tiếp tục giúp đỡ nhiều hơn nữa cho người khiếm thị Việt Nam. Ước tính, tổng trị giá 115 bộ sách chữ nổi do Hội người mù thế giới trao tặng lần này tương đương 580 triệu VNĐ.

 

Đón nhận 115 bộ sách chữ nổi từ Hội người mù thế giới, ông Nguyễn Xuân Vinh Hưởng Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam vui mừng bày tỏ sự biết ơn sâu sắc và chân thành của những người khiếm thị Việt Nam đến ngài Mani và Hội người mù thế giới.  

 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, tiến sĩ Nguyễn Minh Đức cho biết 6 nguyên nhân chính dẫn đến việc Việt Nam chưa phổ biến in sách giáo khoa chữ nổi vì: “Việt Nam chưa nghiên cứu chuyển đổi sách giáo khoa (SGK) sang sách chữ nổi song song với hoạt động biên soạn SGK mới. Thêm vào đó chưa có cơ sở vật chất, phương tiện và nguồn nhân lực chuyên về in ấn SGK chữ nổi. Giấy in SGK chữ nổi lại rất đắt (đắt hơn hàng trăm lần so với giấy in SGK bình thường), bên cạnh đó việc in chữ nổi lại đòi hỏi mất nhiều thời gian.

 

Nguyên nhân tiếp theo do chưa có thống kê đầy đủ về số lượng trẻ khiếm thị theo độ tuổi và nhu cầu SGK các lớp theo năm học nên không thể xây dựng được kế hoạch huy động nguồn lực. Ngoài ra, sự phối hợp hành động của các cá nhân, tổ chức còn nhiều bất cập.

 

Nguyên nhân cuối cùng do chưa có kế hoạch từ phía bộ ngành liên quan về việc cung cấp hoặc miễn giảm tiền SGK cho người khiếm thị”.

 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức cho biết thêm, để khắc phục nguyên nhân trên cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, và sự giúp đỡ của các bộ ngành liên quan là yếu tố quyết định.

  

Kết thúc chương trình ông Nguyễn Xuân Vinh Hưởng bày tỏ mong muốn trong những năm tới các cơ quan chức năng tạo điều kiện ưu tiên hơn nữa giúp người khiếm thị Việt Nam có đầy đủ SGK và trang thiết bị học tập. Nhân đây, ông Hưởng hứa sẽ cố gắng vận động số lượng trẻ khiếm thị đến trường nhiều hơn, góp phần xoá mù chữ trong trẻ em Việt Nam nói chung và cộng đồng người khiếm thị nói riêng.

 

Thu Hà