Hà Tĩnh:
Trao quà nhân ái tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn sau lũ
(Dân trí) - Liên tục trong 6 ngày qua (từ 10 đến 15/12/2010), Văn phòng Đại diện Bắc miền Trung đã thay mặt các nhà hảo tâm về 8 huyện thị trong tỉnh để trao 62,5 triệu đồng từ Báo Dân trí đến 125 em học sinh gặp nhiều khó khăn sau lũ lụt
15 em học sinh huyện Lộc Hà nhận quà
Tại các buổi lễ trao quà đều có sự tham dự và chứng kiến của đại diện lãnh đạo cấp uỷ và chính quyền, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội khuyến học và Phòng giáo dục các huyện thị cùng một số thầy cô giáo và phụ huynh học sinh.
Nhà giáo ưu tú Dương Chí Khả, Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Can Lộc cho biết: Can Lộc là một huyện thuần nông nghèo, nhưng người dân nơi đây coi trọng truyền thống vượt khó và hiếu học. Công tác khuyến học khuyến tài đang trở thành nền nếp trong cộng đồng dân cư. Hằng năm, ngoài sự tư nguyện đóng góp tại chổ của người dân thì các hội đồng hương của con em Can Lộc xa quê đều hăng hái đóng góp tiền của cho sự nghiệp xã hội hoá giáo dục.
Tiếp xúc với các em đến nhận quà , chúng tôi thật sự cảm thông nỗi vất vả của từng hoàn cảnh mà các em đang gánh chịu như: em Nguyễn Thành Đạt, lớp 9D, trường THCS Đồng Lộc, mẹ đang bị ốm nặng, bản thân em bị tàn tật. Em Trần Huy Định, lớp 5C, trường THCS Trung Lộc, mẹ bị suy tim, tài sản gia đình bị trôi hết trong lũ lụt hoặc các em Nguyễn Thị Mai, Võ Phi Long, Trần Văn Nam, Hồ Sỹ Đức, Trần Thị Hoài đều bị mồ côi cha, kinh tế gia đình túng bấn…
Ông Dương Sỹ Lan, Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện bày tỏ: Qua trận lũ lịch sử vừa qua Can Lộc là huyện chịu thiệt hại nhiều về người và tài sản ước tính hơn 600 tỷ đồng . Toàn huyện có 9 người chết trong tổng số 21 người chết của cả tỉnh. Nhờ Báo chí góp phần thông tin kịp thời kêu gọi được lòng nhân ái nên đến nay toàn huyện đã có 234 đoàn về cứu trợ tiền và quà với giá trị hơn 13 tỷ đồng. Lần này được sự quan tâm của Báo Dân trí về trao quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, thay mặt lãnh đạo cấp huyện cũng như gia đình các em học sinh được nhận quà, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới Báo Dân trí cùng các nhà hảo tâm. Đây không những là giá trị vật chất mà còn là giá trị cao cả về tinh thần để chúng tôi truyền đạt đến cho con em sau này biết đạo lý của con người Việt Nam luôn có nhau trong cơn hoạn nạn…
Trở lại huyện Hương Khê lần thứ 8 này để trao quà, chúng tôi vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi kinh hoàng về những mất mát do trận đại hồng thuỷ có một không hai gây ra cho một vùng quê nghèo nàn. Mặc dầu đã nhận được nhiều món quà cứu trợ nhưng bao khó khăn vẫn còn chồng chất lên đó cho một huyện miền núi nằm vào vùng rốn lũ.
Nhà giáo ưu tú Lê Ngọc Minh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê vui mừng cho biết: Sau cơn lũ có khoảng 1% số học sinh bỏ học vì đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng lại nay các em đã dần dần trở lại trường học tập. Lại nay toàn huyện đã có 85/85 trường với 3 vạn học sinh đi vào nền nếp dạy và học.
Cũng như Hương Khê, các huyện khác như: Hương Sơn, Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà… mỗi địa phương đều có những nét đặc thù khó khăn sau lũ lụt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các em, nhưng đều có nỗi lo chung giống nhau là quyết không để con em gián đoạn việc học hành.
Ông Phan Văn Nậm, Chủ tịch Hội Khuyến học Cẩm Xuyên phấn khởi bày tỏ: Ngay sau cơn lũ lịch sử, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Xuyên đã chung lòng hiệp sức nhanh chóng ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất mà công việc cấp thiết trước tiên là quan tâm đến việc học hành của con em quê hương. Riêng Hội khuyến học đã dành 26 triệu đồng trao tặng đến 43 em học sinh có hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn do lũ lụt gây ra để mua thêm sách vở, đồ dùng học tập. Hôm nay, được Báo Dân trí về trao 15 suất quà , Chúng tôi vô cùng cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp “Thương người như thể thưởng thân”.
Duy Thảo-Cao Cường