Xây phòng học Dân trí: Trao cơ hội, bồi đắp lòng nhân ái cho con trẻ
(Dân trí) - Bằng việc khởi công xây mới điểm trường tiểu học bản Cha Nga (Kỳ Sơn, Nghệ An), báo Dân trí cùng nhóm thiện nguyện CEO 1984 góp phần cải thiện điều kiện học tập và bồi đắp lòng nhân ái cho con trẻ.


Khu vực xây dựng điểm trường tiểu học bản Cha Nga (Ảnh: Nguyễn Phê).
Ngày 8/5, báo Dân trí phối hợp nhóm thiện nguyện CEO 1984 khởi công xây dựng phòng học tại bản Cha Nga, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn - nơi khó khăn bậc nhất vùng biên Nghệ An.
Buổi lễ có sự tham dự của nhà báo Nguyễn Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Dân trí; ông Xã Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn; lãnh đạo Đồn Biên phòng Mỹ Lý, Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, UBND xã Mỹ Lý cùng đông đảo bà con, giáo viên và học sinh bản Cha Nga.
Xã biên giới còn đó nhiều nỗi gian truân
Bản Cha Nga thuộc xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, nằm cheo leo bên dòng sông Nậm Nơn. Từ trung tâm xã Mỹ Lý đến bản Cha Nga khoảng 30km nhưng phải mất gần 3 giờ di chuyển bằng xe máy.
Đây cũng là một trong những điểm bản không có điện lưới, không sóng điện thoại và internet... Trong điều kiện đó, lớp học hiện tại của các học sinh chỉ là một căn nhà lắp ghép đã xuống cấp, chật hẹp, mượn tạm từ điểm trường mầm non để ghép lớp 1 và lớp 2.

Nhà báo Nguyễn Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Dân trí phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Nguyễn Phê).
Qua báo Dân trí, nhóm thiện nguyện CEO 1984 đồng hành, tài trợ 320 triệu đồng để xây dựng một phòng học kiên cố tặng các học sinh tiểu học tại bản Cha Nga. Công trình được kỳ vọng sẽ mang lại một không gian học tập an toàn, vững chãi giữa đại ngàn.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Xuân Toàn bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới CEO 1984 đã đồng hành cùng báo Dân trí để xây dựng phòng học điểm trường tiểu học bản Cha Nga.
Theo ông, sự góp sức này thể hiện tinh thần tương thân tương ái và lan tỏa giá trị nhân văn đến với những vùng đất còn nhiều gian khó như huyện Kỳ Sơn nói chung và xã Mỹ Lý nói riêng.

Các học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2 (Ảnh: Nguyễn Phê).
Mỗi viên gạch đặt xuống hôm nay là nền móng cho ước mơ đến trường của các học sinh, giúp các em trưởng thành không chỉ bằng kiến thức mà còn bằng lòng nhân ái.
Cũng theo nhà báo Nguyễn Xuân Toàn, ngoài vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Nội vụ, báo Dân trí còn mang sứ mệnh kết nối bạn đọc với những hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Trong đó, thông qua Chương trình Nhân ái, báo đã vận động xây dựng 125 ngôi nhà Nhân ái (trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát), 56 công trình phòng học, 30 cây cầu dân sinh và hơn 5.000 thẻ Bảo hiểm y tế...
Riêng với huyện Kỳ Sơn, báo Dân trí đã thực hiện nhiều công trình thiết thực như: cầu và nhà công vụ giáo viên ở xã Na Ngoi, công trình cầu và điểm trường ở xã Keng Đu, cầu ở bản Na Kho, xã Bắc Lý...

Điểm trường tiểu học Cha Nga học tạm cùng học sinh mầm non (Ảnh: Nguyễn Phê).
Trong đó, điểm trường tiểu học được xây dựng mới tại bản Cha Nga là một trong những nơi đặc biệt khó khăn mà báo và bạn đọc dành sự quan tâm sâu sắc.
"Với mảnh đất Kỳ Sơn, trong nhiều năm qua, báo Dân trí đã đồng hành xây dựng nhiều công trình ý nghĩa như cầu, các điểm trường, nhà công vụ giáo viên...
Điều đó cho thấy, bạn đọc và báo Dân trí luôn đồng hành với những vùng đất gian khó, những hoàn cảnh bất hạnh. Xin được cảm ơn nhóm CEO 1984 đã đồng hành cùng báo Dân trí xây dựng điểm trường tiểu học bản Cha Nga, góp phần cải thiện điều kiện học tập và bồi đắp lòng nhân ái cho con trẻ", nhà báo Nguyễn Xuân Toàn chia sẻ.
Xây dựng mái trường bằng lòng nhân ái
Giữa nơi núi rừng biên viễn, một mái trường kiên cố sắp hình thành nhờ vào tấm lòng sẻ chia của nhóm thiện nguyện CEO 1984.
Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng ban Truyền thông nhóm thiện nguyện CEO 1984, chia sẻ: "Chúng tôi biết đến hoàn cảnh của các em học sinh bản Cha Nga qua bài viết "Mong ước của cô trò ở điểm trường vùng biên" trên báo Dân trí và thật sự xúc động.
Mong muốn của chúng tôi chỉ đơn giản là góp một phần nhỏ bé để các em có được một mái trường vững chãi. Bởi mỗi hành trình gieo chữ cũng là hành trình của yêu thương và hy vọng. Mỗi viên gạch đặt xuống hôm nay chính là nền móng cho những ước mơ lớn mai sau".

Ông Xã Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn phát biểu tại lễ khởi công (Ảnh: Nguyễn Phê).
Thầy Trần Sỹ Hà, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2, cho biết, Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 đóng trên địa bàn xã biên giới Mỹ Lý - nơi điều kiện tự nhiên, kinh tế và cơ sở hạ tầng còn vô cùng khó khăn.
Cơ sở chính của trường nằm ở bản Xằng Trên, cách trung tâm xã gần 10km, cách trung tâm huyện hơn 75km, giao thông chủ yếu đi lại bằng xe máy hoặc đi bộ. Toàn trường có 12 lớp với 202 học sinh, trong đó 3 lớp ghép.
Trường có 6 điểm bản rải rác dọc biên giới Việt - Lào, điều kiện đi lại vô cùng vất vả, nhiều nơi giáo viên phải đi bộ.
Điểm trường bản Cha Nga gần như không có hạ tầng giáo dục tối thiểu, phòng học tạm bợ, thiếu điện, thiếu nước, sóng điện thoại và internet gần như không có.

Thầy Trần Sỹ Hà, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2 phát biểu tại lễ khởi công (Ảnh: Nguyễn Phê).
"Cơ sở vật chất phần lớn đã xuống cấp, nhiều điểm trường lẻ chỉ còn là những phòng học tạm bằng gỗ, đặc biệt như điểm trường bản Cha Nga, nơi gần như không có hạ tầng giáo dục tối thiểu. Việc duy trì sĩ số tại đây là một nỗ lực rất lớn của giáo viên và sự kiên trì của các em học sinh", thầy Hà chia sẻ.
Thầy Hà gửi lời cảm ơn sâu sắc đến báo Dân trí và nhóm thiện nguyện CEO 1984 đã dành sự quan tâm đặc biệt cho một trong những điểm trường khó khăn nhất huyện Kỳ Sơn.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng công trình điểm trường tiểu học Cha Nga (Ảnh: Nguyễn Phê).
Ông Xã Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết, huyện là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo gần 50%, giao thông cách trở, hạ tầng giáo dục thiếu thốn.
"Công trình phòng học mới, kiên cố được xây dựng tại bản Cha Nga sẽ là nguồn động viên tinh thần to lớn và có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, từng bước giúp Kỳ Sơn phát triển bền vững.
Thay mặt lãnh đạo huyện, tôi xin cảm ơn báo Dân trí và nhóm thiện nguyện CEO 1984 đã dành tình cảm đặc biệt cho học sinh và bà con vùng cao của chúng tôi hôm nay", ông Lương chia sẻ.

Anh Phạm Đình Mạnh, Trưởng khối Nhân ái báo Dân trí trao quà tới đại diện giáo viên tại điểm trường Cha Nga (Ảnh: Nguyễn Duy).
Bản Cha Nga có 94 hộ dân với hơn 450 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Thái, đời sống còn nhiều khó khăn. Tại đây, có một lớp tiểu học phải học ghép trong điều kiện tạm bợ. Lớp học mới kiên cố là món quà vô cùng ý nghĩa đối với cả thầy và trò nơi biên cương này.
Mỹ Lý là xã biên giới giáp với nước bạn Lào, có hơn 45km đường biên giới, trong đó, có gần 12km đường bộ và 33km đường sông, 9 mốc quốc giới.

Về mùa mưa, con đường vào bản Cha Nga lầy lội, đi lại vô cùng vất vả (Ảnh: Lương Thảo).
Toàn xã có 12 bản, 1.259 hộ với 5.715 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 99%, gồm có 4 dân tộc cùng sinh sống Khơ Mú, Mông, Thái, Kinh. Số hộ nghèo cuối năm 2024 là 568 hộ, chiếm 45,12%; cận nghèo là 367 hộ, chiếm 29,15%...
Nhân dịp lễ khởi công, báo Dân trí nhận được sự đồng hành của các đơn vị thiện nguyện khác như: Vinamilk Việt Nam ủng hộ 50 thùng sữa, Công ty TNHH Cường Phát (thành phố Vinh) tặng bánh kẹo tới các học sinh mầm non và tiểu học bản Cha Nga, góp phần lan tỏa thêm tình yêu thương đến học sinh vùng cao.
"Xây dựng phòng học Dân trí" là dự án thiện nguyện do báo Dân trí triển khai, hướng đến việc xây phòng học, điểm trường kiên cố tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn trên khắp cả nước.
Nhằm giúp các em học sinh cùng các thầy cô giáo ở những địa bàn khó khăn được thụ hưởng môi trường, cơ sở vật chất trường lớp tốt hơn, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.
Tính đến nay, trên cả nước đã có 56 điểm trường được xây dựng phòng học Dân trí từ sự chung tay, đóng góp hết sức thiết thực của bạn đọc, các cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm.