Nghệ An:
Thêm 35 triệu đồng đến với bé 3 tuổi mang nỗi đau phì đại chân tay
(Dân trí) - Vừa qua PV Dân trí tiếp tục đến thăm và trao hơn 35.250.000 triệu đồng (Quỹ Nhân ái tuần 1 tháng 11 năm 2016) ủng hộ tới chị Trương Thị Danh nhân vật trong bài viết: “Xót xa nhìn bé 3 tuổi mang nỗi đau phì đại chân tay”.
Tiếp tục đón nhận món quà ý nghĩa từ PV, chị Trương Thị Danh vui mừng rối rít cảm ơn. Chị bảo, từ ngày có báo điện tử Dân trí giúp đỡ gia đình như đã thoát được những nỗi vất vả ban đầu, đã có tiền đưa con đi bệnh viện để chữa trị.
“Nếu không có báo Dân trí và độc giả chia sẻ, giúp đỡ gia đình em trong cơn túng quẫn này thì thằng cu nhà em không thể đến bệnh viện để phẫu thuật được đâu. Vừa qua được bạn đọc giúp đỡ nên gia đình em có chút tiền nên đã đưa cháu đi khám tại Hà Nội và tiến hành được một lần phẫu thuật rồi. Các bác sĩ hẹn một tháng sau ra để kiểm tra lại nếu tiến triển tốt thì tiếp tục mổ lần hai…”, chị Danh chia sẻ.
Được biết, gia cảnh chị Danh rất lao tâm khổ tứ. Từ đứa con trai (cháu Minh) đầu lòng chào đời, Danh chưa có một ngày hết lo chuyện nóng sốt ăn ngủ của con. Dẫu việc con trẻ quấy khóc trong năm tháng đầu đời không phải là chuyện lạ, nhưng ở trường hợp của Minh, chứng bệnh hiếm gặp phồng xẹp bất thường trên thân thể khiến cháu thành nên kỳ quái.
Dị tật đó mới chỉ là khởi đầu cho những biến dạng liên tiếp lên trên cơ thể của đứa trẻ nhiều bất hạnh. Tay và chân của bé, phát triển theo những quy luật đối nghịch với nhau. Tay phải và chân trái lớn bất thường (người dân địa phương thấy cháu Minh bị vậy gọi là cậu bé chân voi-PV), phồng lên căng mọng như người phải bỏng, đỏ ửng.
Nó hút hết dưỡng chất trong cơ thể đứa trẻ, phần còn lại, tay trái và chân phải lại nhỏ thó, yếu ớt, xanh lè của kiểu bị rút cạn dinh dưỡng. Danh đưa tôi xem một lô lốc giấy tờ đi viện, BV Nhi Nghệ An rồi cả BV Nhi Trung ương, các bác sỹ đều ghi bệnh của bé là chứng phì đại chân trái, tay phải, chỉ định phải phẫu thuật mới may ra mang lại cho bé cơ hội sống lâu dài.
Nay dù đã được phẫu thuật lần 1, song nhìn bé Minh, với tay chân ấy vẫn không khấm khá hơn là bao. Dù nó có xẹp đi chút ít, song vẫn dễ hình dung hình ảnh giống như chú cua nhỏ, với những chiếc càng phát triển không đều. Bé lơ quơ tìm cách điều chỉnh cơ thể mình, đứng lên rồi cố trụ cho chắc nhưng đều không vững.
Đi đứng quá khó khăn, nên tư thế mà bé hay áp dụng nhất là hết nằm ngửa rồi chuyển sang nằm sấp trên mặt sàn nhà, hay cuộn tròn trong vòng tay của mẹ và ông bà nội.
Bố mẹ chồng của Danh, bà Trương Thị Khẩn và ông Trương Văn Hoan, mới trên dưới 60 mà răng đã rụng móm mém, lộ rõ kiểu khổ của người vùng núi đồi nghèo đói. Mà khi đã nghèo đói lâu quá rồi, ông bà muốn thương cháu con cũng đành chịu cho số phận phó mặc.
Nhà chỉ mỗi trồng mía, chỉ chờ đến mùa mới có chút tiền dư, nên dù cháu ốm đau èo uột, ngày thường bé Minh cũng dùng chung thức ăn cùng người lớn. Hằng ngày khi con dâu đi bán hàng, ông bà thay phiên ôm bồng bế nựng đứa cháu mới sinh ra đã thấm nhiều đau đớn. Thương cháu thì chỉ có cách mua thêm sữa hộp cái thiện cho bé những ngày nóng sốt, giản đơn đến hết mực.
Thật đúng là đánh đố, một ca bệnh kỳ quái phát tác không ngừng trên thân thể oặt ẹo của cháu bé chưa đầy 3 tuổi, cùng với nó là sự rối trí không thấy lối ra của người mẹ chưa một ngày rảnh rang từ khi sinh con.
Nguyễn Duy