Thăm lại những hoàn cảnh bệnh tật ngày cuối năm
(Dân trí) - Tết đã gần kề nhưng trên gương mặt của họ không mấy ai được vui, trong nhà cũng chưa chuẩn bị gì để đón năm mới bởi “bệnh tật vẫn còn dai dẳng thì tâm trạng đâu mà đón Tết”.
Sáng ngày 24/1, chúng tôi về xã An Mỹ (Kế Sách, Sóc Trăng) tìm thăm gia đình của bà Nguyễn Thị Khâu đang nuôi một người cháu bị bệnh vẹo cột sống. Đây là một hoàn cảnh khó khăn mà báo Dân trí từng phản ánh và được bạn đọc quan tâm hỗ trợ.
Em Nguyễn Thị Thúy Hằng (em gái bị bệnh) khom người một cách khó nhọc ra đón khách. Em cho biết, thời gian qua nhờ bạn đọc báo hỗ trợ nên có chi phí để đi chữa trị nhưng vẫn chưa phẫu thuật được cột sống bị lệch do số tiền phẫu thuật rất lớn.
Em Nguyễn Thị Thúy Hằng bị bệnh vẹo cột sống.
Dù đã kề Tết, nhưng nhà của em Hằng vẫn chưa chuẩn bị được gì. Lúc chúng tôi xuống thăm, bà Khâu đang đi làm thuê ở ngoài ruộng kiếm tiền ăn Tết. Hằng nói: “Chắc là cũng như mấy năm trước thôi anh à, nhà nghèo nên ăn Tết nghèo với một nồi thịt kho hột vịt, mua ít bánh, kẹo là xong”.
Hằng vừa nói xong là em lại thở dài, giọng của em vẫn như những lần trước chúng tôi xuống thăm. Tết đến rồi, những cô gái bằng tuổi em trong tà áo mới vui chơi đó đây, còn em chỉ có thể ở nhà đón Tết với cái cột sống bị vẹo một bên mà chẳng biết khi nào chữa khỏi.
Rời nhà Hằng, chúng tôi đến thăm nhà ông Dương Phước Long (phường 6, TP.Sóc Trăng). Khi chúng tôi đến cũng là lúc ông Long đi bán bánh về đến nhà. Chị Dương Mộng Thúy (con gái ông Long) cũng vừa đi chạy thận từ Bệnh viện Sóc Trăng về.
Ông Long cho biết, mỗi tuần Thúy phải đi chạy thận 3 lần, mỗi lần tốn cả triệu đồng, nếu không chạy sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Trong khi đó, hoàn cảnh của gia đình ông vẫn còn rất khó khăn. Dù thời gian qua được bạn đọc báo chia sẻ nhưng cũng chỉ hỗ trợ một phần nào đó, còn gia đình vẫn phải luôn gồng gánh để bảo đảm có tiền chữa bệnh cho Thúy.
Hàng ngày, ông Long và con đẩy chiếc xe cà tàng ra ngoài đường bán bánh mì patê; còn vợ ông thì đi bán bánh trong chợ. Số tiền buôn bán được cũng đắp đổi cuộc sống qua ngày và ông đã phải tiết kiệm mới có đủ tiền cho con gái chữa bệnh.
Ông Dương Phước Long và con gái bị suy thận Dương Mộng Thúy.
Khi chúng tôi hỏi Tết đã đến rồi, gia đình có chuẩn bị gì không? Ông Long ngỡ ngàng nói :“ Suốt ngày chỉ biết đi làm rồi lo chữa bệnh cho con nên giờ cũng không biết ngày mấy, tháng mấy nữa. Tết thì chắc cũng như ngày thường chứ có tiền bạc gì đâu mà chuẩn bị hả chú”.
Quả thật, nhìn chị Mộng Thúy ngồi trên giường với khuôn mặt già hẳn đi do bệnh tật hành hạ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chạnh lòng vì cái tuổi 30 của đời con gái cứ trôi đi khi ngày nào chị cũng phải nghĩ đến mỗi việc chữa bệnh. Chạnh lòng vì cha mẹ của chị chỉ biết kiếm tiền chữa bệnh cho con mà quên cả cái Tết cổ truyền của dân tộc.
Ngày 25/1, chúng tôi xuống xã Khánh Thuận (huyện U Minh, Cà Mau) để về thăm nhà của cháu bé bị bệnh vảy cá mà Dân trí từng phản ánh trong thời quan qua.
Gặp lại chúng tôi, vợ chồng anh Toàn- chị Tiên hết sức vui mừng và xúc động. Chị Tiên hồ hởi khoe với chúng tôi, nhờ có báo và bạn đọc báo mà cháu Long đã dần hết bệnh. Cháu đã có thể nói chuyện được, có thể đi đứng, chạy nhảy như bao đứa trẻ khác. Đặc biệt, hơn 3 năm qua, lần đầu tiên cháu mặc được quần áo.
Chúng tôi nghe chị Tiên kể mà cũng vui lây, vì cách đây khoảng 5 tháng khi chúng tôi đến trao tiền hỗ trợ của bạn đọc thì bệnh tình của cháu Long vẫn còn rất nặng nhưng lần này thì khác, “ mọi chuyện cứ ngỡ như nằm mơ”- anh Toàn chia sẻ.
Cháu Long bi bệnh vảy cá đang được mẹ thoa thuốc.
Vợ chồng anh Toàn- chị Tiên chia sẻ thêm, cháu nó bình phục thì cũng là lúc căn nhà suy sụp. Hai bên vách rách nát, chỉ có thể lấy bao kết lại che mưa che nắng, cột thì siêu vẹo. Ước mong có được cái nhà mới có lẽ sẽ còn xa nhưng hai vợ chồng cũng sẽ cố gắng.
Chúng tôi rời nhà anh Toàn về lại Cần Thơ khi cái Tết cổ truyền đang cận kề. Đi trên đường mà thấy nhà ai cũng được sửa sang làm mới lại bỗng thấy lòng mình vui hơn. Vui hơn khi biết các hoàn cảnh khó khăn mà Dân trí phản ánh đều được bạn đọc quan tâm chia sẻ để họ có được những niềm vui, như anh Toàn nói với chúng tôi lúc chia tay: “Ơn nghĩa của bà con gần xa chắc suốt đời này tôi không trả hết, nhưng tôi sẽ giữ mãi trong lòng mình”.
Huỳnh Hải