Quảng Bình:
Số phận éo le của 19 sinh linh bị chối bỏ
(Dân trí) - Tìm đến Trung tâm BTXH tỉnh Quảng Bình để thăm cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi bên vệ đường, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi ở đây có đến 19 sinh linh vô tội như thế. Bố mẹ chối bỏ các cháu, nhưng cuộc đời không chối bỏ quyền sống của các cháu.
Cháu bé vừa đến trung tâm đang ngủ ngoan trong chiếc cũi chung với một bé khác lớn hơn.
Cả trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc 19 sinh linh tội nghiệp như thế, cháu lớn nhất mới được 18 tháng và cháu nhỏ nhất vài ngày tuổi.
Ba cháu bé vài tháng tuổi ngoan ngoãn nằm trong chiếc cũi hẹp.
“Từ đầu năm tới nay, Trung tâm tiếp nhận 7 bé, hầu hết là bị bỏ rơi bên đường, cạnh đống rác hoặc bệnh viện, bến xe. Rất đau xót là 3 bé đã không qua khỏi vì những căn bệnh viêm phổi cấp, não úng thủy và những biểu hiện bệnh khác vốn đã rất trầm trọng khi các bé được chuyển đến” - bà Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm cho biết.
Trung tâm dành 3 căn phòng cho các bé, mỗi căn phòng đều có 3-4 cũi, nôi và có từ 5-7 bé ở chung. Trong căn phòng chật chội đó, hàng ngày các bé được một người mẹ chăm sóc từ uống sữa, tắm gội, thay tã…
Mẹ Quyên làm không ngớt tay, song không thể chăm chút từng cháu như một mẹ một con.
Căn phòng đầu tiên mà chúng tôi bước vào có 7 bé, trong đó bé trai mới chuyển vào nằm chung nôi với một bé khác cũng còn đỏ hỏn. Một bé đang ngủ ngon lành với chiếc núm vú giả, còn một bé cựa quậy đưa đôi mắt yếu ớt nhìn tôi. Một cái nhìn thánh thiện, ngây thơ như thể đã chờ tôi từ lâu, lâu lắm.
7 đứa trẻ, 7 sinh linh bé bỏng, 7 con người, 7 công dân đó đứa nằm ngủ, đứa đang mải chơi, đứa khóc váng, đứa nằm im re mở đôi mắt tròn đen vô tội. Chúng có một điểm chung là bị bố mẹ - những người rứt ruột sinh ra chúng, chối bỏ từ khi mới lọt lòng.
Chúng là kết quả của những mối tình vụng trộm, hay không may mắn được sinh ra trong những gia đình quá nghèo khổ, hay mắc những căn bệnh nan y bẩm sinh khiến các bậc thân sinh ra chúng vứt bỏ chúng đi như trút đi một món nợ đời.
Tôi đi một lượt, quan sát từng cháu bé một. Có cháu mới sinh được ít ngày, nặng chưa đầy 2 kg nhưng phải nằm chung nôi với 2 cháu khác. Bé Xuyến, được vài tháng tuổi nhưng đã bị bệnh nấm đường ruột hành hạ phải đi bệnh viện không biết bao nhiêu lần. Bé Hồng Liên cũng ốm đau không ngừng vì bệnh viêm phổi cấp.
Mỗi đứa trẻ một vẻ mặt, song sự thánh thiện trong từng ánh mắt khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Nhưng các bé có một điểm chung kỳ lạ đến ám ảnh: chỉ trừ các bé đang ngủ, những đứa trẻ vô tội này dù đang làm gì cũng im lặng khi tôi đến gần, đưa đôi mắt khờ dại đến nao lòng nhìn tôi. Chúng vui mừng ra mặt khi có ai đến gần, đưa hai bàn tay bế chúng vào lòng, hoặc đưa ngón tay cho chúng nắm và nở nụ cười với chúng.
Bà Mai Thị Quyên - người trực tiếp chăm sóc 7 cháu bé sơ sinh tại phòng số 1 tâm sự: “Tôi cũng có con hơn 3 tuổi, nhưng các bé ở đây có nhiều điểm khác những đứa trẻ có cha có mẹ bình thường khác. Dường như chúng biết thủ phận từ khi mới lọt lòng, hoặc do quen với việc không được ôm ẵm thường xuyên nên chúng ít khóc hơn, ít đòi bế hơn dù vẫn mừng rỡ ra mặt mỗi khi được chăm bẵm, ôm ấp”.
Hoàn cảnh đặc biệt khiến các bé tự lập hơn trẻ cùng độ tuổi.
Bà Hà nói thêm: “Do thiếu kháng sinh tự nhiên từ sữa mẹ, nên hầu hết các cháu ở đây yếu hơn, sự phát triển và khả năng phản ứng thông thường cũng chậm hơn”.
“Theo chế độ, mỗi cháu được 300 nghìn/tháng, nhưng với số tiền đó chỉ đủ để mua sữa cho các cháu được một tuần là nhiều. Trung tâm phải giật gấu vá vai, kêu gọi thêm nhiều nguồn từ các nhà hảo tâm, song cuộc sống của các cháu còn cơ cực quá” - bà Hà cho biết.
Giấc ngủ ngon lành của một cháu bé.
Không riêng bà Hà, các cán bộ Trung tâm đều nói mỗi khi nhìn các bé đói sữa, sinh hoạt thiếu thốn mà đau đứt ruột, nhưng chính họ cũng không làm được gì nhiều cho các cháu bởi đồng lương của họ cũng ba cọc ba đồng.
19 sinh linh vô tội đó, và rất có thể còn nhiều số phận tương tự, sẽ lớn dần theo năm tháng. Chúng lớn lên trong sự thiếu thốn một bầu sữa ấm, một bàn tay ruột thịt, lớn lên trong sự chăm bẵm và chắt chiu từng giọt sữa của các mẹ ở Trung tâm.
Ánh mắt này ám ảnh chúng tôi mãi khi rời Trung tâm.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn
* Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản USD: Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 SWIFT Code: ICBVVNVX106 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội
2. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269 |
Hồng Kỹ