Nghệ An:

Quỹ Khuyến học Việt Nam hỗ trợ 5 triệu đồng tới em Trương Thị Hương

(Dân trí) - Chiều ngày 17/4, PV Dân trí tại Nghệ An đã đến thăm và trao 5.000.000 đồng cho em Trương Thị Hương, xóm 9, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Số tiền nói trên do Quỹ Khuyến học Việt Nam hỗ trợ em Trương Thị Hương nhân vật trong bài viết “Số phận nghiệt ngã của nữ sinh viên sau tai nạn ngã từ tầng 9”.

Tại buổi nhận quà, em Hương đã bật khóc và cảm ơn tới báo điện tử Dân trí và toàn thể cán bộ cũng như phóng viên. “Giờ em chỉ mong đôi chân nó có cảm giác. Em rất muốn được đi học. Có phải cuộc đời em đến đây là kết thúc hả anh?”, Hương nói trong buồn rầu của khổ đau.

Ngồi ở góc nhà bờ tường rệu rạo như muốn đổ sập lên người, bà Phượng nhìn con ngày nào còn bao ước mơ ấp ủ thì nay phải nằm chờ chết. Bà thương cho Hương chịu khó ăn học, đỗ đạt thành người để trông chờ sau này khi ra trường được nhờ vào tài năng của con mình. Nhưng bà càng trông chờ bao nhiêu, hy vọng bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu và giờ xem như đã hết khi Hương nằm bất động một chỗ trên giường sau một vụ tai nạn rơi từ tầng 9.
Quỹ Khuyến học Việt Nam hỗ trợ 5 triệu đồng tới em Trương Thị Hương
Em Trương Thị Hương nhận quà do PV Dân trí trao tặng.

Bà Phượng nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Con Hương nhà tôi nó học giỏi lắm. Lần đầu thi đại học là đỗ luôn nên cả gia đình chị biết trông chờ vào nó sau khi ra trường. Nhưng giờ thì không còn trông chờ gì được nữa rồi. Giờ đây thân già đành ngậm ngùi nuôi thân trẻ đây chú. Đêm đêm nó ngủ cứ giật mình la hét về cái ngày định mệnh đi làm thuê ấy chú à. Mỗi khi nghe con van đau, la hét là tôi như đứt ruột ra vậy”.

Có lẽ nỗi đau với bà Phượng thì không kể xiết. Từ chuyện người chồng phụ bạc bỏ mẹ con ba ra đi từ những năm 98 về trước. Đến chuyện đứa con gái đầu của bà cũng mang bầu thì bị nhà chồng “trả” về nhà ngoại sinh cháu và đến lượt Hương bị tai nạn lao động trong khi đang học đại học năm thứ hai. Chung quy lại cũng bởi cái nghèo, cái khổ mà giờ Hương mới ra nông nổi này.

Nằm bất động trên giường đã gần một năm nay, đôi chân Hương giờ như những cành cây khô héo không cử động, không biết đau và không thể đi lại. Hương bảo: “Từ ngày em được đăng lên Dân trí rất nhiều bạn bè của em gọi điện, viết thư về chia sẻ. Nghe các bạn kể chuyện em đã khóc rất nhiều, em rất muốn đi dù chỉ là một bước, nhưng điều ước đó không thể anh ạ. Có lẽ cuộc đời em giờ đã tàn phai phải không anh?”, Hương nói đoạn rồi khóc nức nở như chưa từng được khóc. Còn tôi chứng kiến cảnh bà Phượng, chị gái Hương cũng như Hương đang nằm chết lặng trên gười mà lòng nhói đau. Rồi trong tôi tự nhủ, chẳng lẽ cuộc đời này với Hương nói riêng và gia đình bà Phưọng nói chung bất công đến thế chăng?.

“Giờ chỉ mong có bệnh viện nào đó nhận chữa cháu Hương đi được gì tôi cũng làm. Dù có phải bán hết đất đai nhà cửa tôi cũng sẵn sàng để cháu nó được đi bằng chính đôi chân của mình chú à. Nhưng thử hỏi xem căn bệnh của Hương có còn hy vọng nào nữa không”?, bà Phượng nói trong đau đớn.

Được biết, Trương Thị Hương là con út gia đình bà Phượng có 3 anh chị em.Chị gái đầu của Hương bị bệnh thần kinh từ nhỏ, không có khả năng lao động. Bản thân bà Phượng cũng đang bị bệnh tim nặng không có điều kiện để chữa trị. Việc đồng áng và gia đình đều dồn hết vào đôi vai của người anh trai thứ 2 là Trương Công Hùng (23 tuổi). Nhưng điều oái oăm hơn là 3 chị em Hương lớn lên thiếu bàn tay người bố.

Năm học 2009-2010, Hương thi đậu vào Trường Đại học Bình Dương - Khoa quản trị kinh doanh. Hai năm học tại Bình Dương, do hoàn cảnh quá nghèo túng, gia đình không thể đủ sức để chu cấp. Nên sau mỗi buổi đến giảng đường, Hương đã phải đi xin làm phụ hồ mỗi tuần 2 buổi cho một công trình xây dựng ở gần trường.

Nhưng tai họa đã ập đến với Hương. Đó là vào khoảng thời gian giữa tháng 10/2011, trong lúc lao động Hương đã bị ngã từ tầng 9 xuống tầng 8 tại một ngôi nhà cao tầng đang thi công, được mọi người kịp thời đưa đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Bình Dương, sau đó chuyển lên bệnh viện tuyến trên Chợ Rẫy (TP HCM) để chẩn đoán và điều trị.

Tại đây, các bác sỹ đã kết luận em bị gãy xương cột sống, phải chữa trị trong một thời gian dài và tốn khá nhiều tiền của, nếu không sẽ bị tàn phế vĩnh viễn, khả năng đi lại được là rất ít.

Gia đình vốn đã nghèo khó, nay lại rơi vào cảnh túng quẫn. Thương con, bà Phượng đã phải đi vay mượn anh em, làng xóm, kể cả phải bán lúa non để có tiền cứu chữa cho con, nhưng gần một năm qua tốn rất nhiều tiền điều trị, nhưng vết thương của Hương không hề thuyên giảm mà càng nặng thêm. Giờ đây Hương nằm một chỗ và trông chờ vào một phép mầu từ trời cao ban xuống?.

Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm