“Ông mụ vườn” của buôn làng!
(Dân trí) - Sinh năm 1955, thầy giáo A Trũi, người dân tộc Ba Na được phòng giáo dục phân công về xã Đăk Pne công tác, từ đó nơi đây trở thành quê hương thứ 2 của thầy. Và đặc biệt hơn, cái nghiệp "bà đỡ đẻ" rồi nhận nuôi trẻ mồ côi theo ông từ đó.
Thầy A Trũi đang hướng dẫn học sinh trên lớp
Thầy giáo A Trũi kể lại: Cái ngày khi mới lập nghiệp ở đây, trong làng có ca đẻ khó phải đi lên viện cấp cứu nhưng vì đường xá xa xôi nên 2 mẹ con đã chết dọc đường. Hồi đó thầy cứ tiếc mãi là tại sao mình không biết cách đỡ đẻ để đồng bào mình khỏi chết. Vài tháng sau, trong bản lại có 1 ca đẻ khó đã 3 ngày rồi mà đẻ không được, gia đình mời thầy cúng về làm phép để sinh con mà vẫn không được. A Trũi đánh liều lấy tay móc và kéo được đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ. Từ cái đêm đó A Trũi tự nhiên nổi tiếng khắp vùng.
Cũng từ ngày đó, A Trũi tìm hiểu cách đỡ đẻ từ sách báo hoặc "học lóm" các cô hộ sinh mỗi lần công tác trên huyện. Trong vùng, hễ có nhà nào sinh khó là thầy tìm đến để giúp họ đỡ đẻ. Có hôm thầy đang đứng lớp để dạy học sinh mà có ai đẻ khó thầy phải tranh thủ giờ ra chơi hoặc nhờ đồng nghiệp dạy giúp để tìm tới; dù có phải vượt qua mấy con suối, quả đồi thầy cũng tới để giúp cho bằng được. Đến nay, thầy đã đỡ đẻ được trên 40 ca sinh khó. Thầy tự hào: Hầu như các ca do thầy đỡ đẻ, mấy đứa nhỏ đều khoẻ mạnh. Các ca đẻ khó nào là đẻ ngược chân ra trước, rốn ra trước, miệng ra trước hoặc tay ra trước đều được thầy đỡ thành công. Tuy thầy không có bằng cấp gì nhưng chút ít kiến thức của thầy đã giúp được hàng chục gia đình hạnh phúc. Giờ đây, khi nhà nước xây dựng trạm xá thì cái nghề đỡ đẻ của thầy cũng dần mất đi nhưng khi có hộ nào cần mà chưa có hộ sinh tới kịp thì thầy cũng phải trổ tài.
Thời ấy, làng A Trũi còn chưa có trạm xá như bây giờ; nhà này cách nhà nọ có khi phải đi mất ngày trời. Trong làng còn có tục lệ: hễ mẹ mà chết thì phải chôn sống trẻ sơ sinh. Họ cho rằng có nuôi đứa trẻ đó thì mẹ đứa bé thế nào cũng về bắt nó mang đi theo. Theo họ, đã mất công chôn thì chôn 1 lần mà có nuôi thì lấy đâu ra sữa và phải nuôi bằng cách nào. Do vậy, đã có những đứa trẻ vừa mới chào đời chưa được 1 ngày đã phải theo mẹ để được "nuôi dưỡng" ở thế giới khác.
A Trũi nhớ lại, năm 1990 có 1 ca đẻ phải đưa lên huyện, lúc đó thầy còn chưa biết cách lấy nhau như thế nào nên khi tới bệnh viện thì người mẹ chết. Lúc đó thầy động viên mấy người trong gia đình mang đứa con về nuôi nhưng khoảng 1 tháng sau đứa bé cũng bị chôn sống. Sau lần đó, thầy quyết tâm sẽ nhận nuôi những đứa bé đó dù gia đình có khó khăn. Đến năm 1993, khi thầy không đến kịp, bà Y Năm qua đời để lại đứa bé, thầy xin được nhận về nuôi để khỏi phải chôn sống đứa bé. Cũng may thời gian đó, vợ thầy cũng sinh được đứa con nên cho đứa bé uống sữa của chính "bà xã" và mua thêm sữa ngoài. Thầy đặt tên cho nó là A Lý. Rồi đến năm 1995, bà Y Phel ở tận thôn 3 cũng qua đời ngay sau khi sinh được cặp song sinh. A Trũi cũng nhận về nuôi và đặt tên là A Quang và A Vinh. Và cứ như vậy, lần lượt những đứa trẻ A Lý, A Quang, A Vinh, A Trung, A Thu, Y Lý... đều được thầy nhận về nuôi dưỡng tại nhà. Để cho dễ nhớ tên của con mình thầy đặt tên cho bé rất đơn sơ như A Trung và A Thu vì 2 đứa sinh đúng ngày Trung Thu. Hay bé Y Lan được đặt tên cho loài hoa Lan mà vùng núi này lúc nào cũng mọc đầy rẫy.
Bà Y Blin, vợ thầy tâm sự: "Nhà mình nghèo thì nghèo nhưng thấy ông nhận con về nuôi vẫn thích; gia đình tôi cố gắng làm phước được cho ai thì làm và mình cũng thấy vui vui khi có thêm con. Ông Y Thêng, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Pne cho biết: "Thầy A Trũi giúp đỡ bà con trong vùng cho mẹ tròn con vuông và nhận con về nuôi không những là tấm lòng nhân đạo mà còn góp phần đẩy lùi phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nhờ có thầy Trũi mà phong tục này đến nay đã không còn xuất hiện trên địa bàn xã".
Thầy giáo Nguyễn Tiên Phong, phó hiệu trưởng trường tiểu học Đăk Pne nhận xét: "Việc làm của thầy giáo A Trũi được nhà trường đánh giá cao và được nhiều năm liền phòng giáo dục huyện tặng giấy khen. Thầy Trũi nhận nuôi con không phải là vì sau này được nhờ vả hoặc lợi lộc gì mà là vì xuất phát từ tấm lòng. Tấm lòng nhân đạo của thầy Trũi luôn làm tấm gương học tập cho tập thể nhà trường noi theo.
Cũng từ ngày đó, A Trũi tìm hiểu cách đỡ đẻ từ sách báo hoặc "học lóm" các cô hộ sinh mỗi lần công tác trên huyện. Trong vùng, hễ có nhà nào sinh khó là thầy tìm đến để giúp họ đỡ đẻ. Có hôm thầy đang đứng lớp để dạy học sinh mà có ai đẻ khó thầy phải tranh thủ giờ ra chơi hoặc nhờ đồng nghiệp dạy giúp để tìm tới; dù có phải vượt qua mấy con suối, quả đồi thầy cũng tới để giúp cho bằng được. Đến nay, thầy đã đỡ đẻ được trên 40 ca sinh khó. Thầy tự hào: Hầu như các ca do thầy đỡ đẻ, mấy đứa nhỏ đều khoẻ mạnh. Các ca đẻ khó nào là đẻ ngược chân ra trước, rốn ra trước, miệng ra trước hoặc tay ra trước đều được thầy đỡ thành công. Tuy thầy không có bằng cấp gì nhưng chút ít kiến thức của thầy đã giúp được hàng chục gia đình hạnh phúc. Giờ đây, khi nhà nước xây dựng trạm xá thì cái nghề đỡ đẻ của thầy cũng dần mất đi nhưng khi có hộ nào cần mà chưa có hộ sinh tới kịp thì thầy cũng phải trổ tài.
Thời ấy, làng A Trũi còn chưa có trạm xá như bây giờ; nhà này cách nhà nọ có khi phải đi mất ngày trời. Trong làng còn có tục lệ: hễ mẹ mà chết thì phải chôn sống trẻ sơ sinh. Họ cho rằng có nuôi đứa trẻ đó thì mẹ đứa bé thế nào cũng về bắt nó mang đi theo. Theo họ, đã mất công chôn thì chôn 1 lần mà có nuôi thì lấy đâu ra sữa và phải nuôi bằng cách nào. Do vậy, đã có những đứa trẻ vừa mới chào đời chưa được 1 ngày đã phải theo mẹ để được "nuôi dưỡng" ở thế giới khác.
A Trũi nhớ lại, năm 1990 có 1 ca đẻ phải đưa lên huyện, lúc đó thầy còn chưa biết cách lấy nhau như thế nào nên khi tới bệnh viện thì người mẹ chết. Lúc đó thầy động viên mấy người trong gia đình mang đứa con về nuôi nhưng khoảng 1 tháng sau đứa bé cũng bị chôn sống. Sau lần đó, thầy quyết tâm sẽ nhận nuôi những đứa bé đó dù gia đình có khó khăn. Đến năm 1993, khi thầy không đến kịp, bà Y Năm qua đời để lại đứa bé, thầy xin được nhận về nuôi để khỏi phải chôn sống đứa bé. Cũng may thời gian đó, vợ thầy cũng sinh được đứa con nên cho đứa bé uống sữa của chính "bà xã" và mua thêm sữa ngoài. Thầy đặt tên cho nó là A Lý. Rồi đến năm 1995, bà Y Phel ở tận thôn 3 cũng qua đời ngay sau khi sinh được cặp song sinh. A Trũi cũng nhận về nuôi và đặt tên là A Quang và A Vinh. Và cứ như vậy, lần lượt những đứa trẻ A Lý, A Quang, A Vinh, A Trung, A Thu, Y Lý... đều được thầy nhận về nuôi dưỡng tại nhà. Để cho dễ nhớ tên của con mình thầy đặt tên cho bé rất đơn sơ như A Trung và A Thu vì 2 đứa sinh đúng ngày Trung Thu. Hay bé Y Lan được đặt tên cho loài hoa Lan mà vùng núi này lúc nào cũng mọc đầy rẫy.
Bà Y Blin, vợ thầy tâm sự: "Nhà mình nghèo thì nghèo nhưng thấy ông nhận con về nuôi vẫn thích; gia đình tôi cố gắng làm phước được cho ai thì làm và mình cũng thấy vui vui khi có thêm con. Ông Y Thêng, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Pne cho biết: "Thầy A Trũi giúp đỡ bà con trong vùng cho mẹ tròn con vuông và nhận con về nuôi không những là tấm lòng nhân đạo mà còn góp phần đẩy lùi phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nhờ có thầy Trũi mà phong tục này đến nay đã không còn xuất hiện trên địa bàn xã".
Thầy giáo Nguyễn Tiên Phong, phó hiệu trưởng trường tiểu học Đăk Pne nhận xét: "Việc làm của thầy giáo A Trũi được nhà trường đánh giá cao và được nhiều năm liền phòng giáo dục huyện tặng giấy khen. Thầy Trũi nhận nuôi con không phải là vì sau này được nhờ vả hoặc lợi lộc gì mà là vì xuất phát từ tấm lòng. Tấm lòng nhân đạo của thầy Trũi luôn làm tấm gương học tập cho tập thể nhà trường noi theo.
Đại Hòa