1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Ông Hoàng “ết”

Không bị bệnh phong, không làm nghề ve chai và không có HIV/AIDS nhưng ông vẫn bị gọi là ông Hoàng "cùi", rồi ông Hoàng "ve chai" và bây giờ là ông Hoàng "ết". Ở tuổi 63, người ta có quyền được nghỉ ngơi, nhưng ông lại tự chuốc lấy việc chăm sóc người có HIV.

Đó là ông Nguyễn Văn Hoàng, số 5/210 Phan Chu Trinh, TP Huế, trưởng nhóm tình nguyện viên. Ban ngày, ông cùng các cộng sự có mặt tại những nơi xét nghiệm HIV và bệnh viện để nhanh chóng tiếp cận, làm quen với những người có HIV mà ông gọi là những người bạn mới.

Theo ông, có mối quan hệ ngay từ đầu với những người có HIV sẽ rất thuận lợi cho những lần tiếp xúc ở cộng đồng sau này. Thực tế cho ông thấy rằng tiếp xúc người có HIV không dễ. Chẳng ai muốn người khác biết mình có HIV. Vì thế mà người có HIV cần ông, người bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS càng cần ông hơn. Dù đường xa, trời mưa hay nắng nếu nhận được "tín hiệu" của những người bạn, nhóm của ông đều có mặt. Với những người bệnh chuyển sang giai đoạn cuối, không tự mình ăn uống được (đặc biệt là những người bị người thân bỏ rơi) thì chính ông và anh em trong nhóm phân công nhau đến với họ, an ủi, chia sẻ, bón từng thìa cháo, muỗng nước...động viên họ.

Trường hợp nào hoàn cảnh quá khó khăn ông báo với Ban quản lý giúp đỡ hỗ trợ kinh phí học nghề, cấp vốn chăn nuôi, lo bàn, ghế, giấy bút cho con cái họhọc tập. Hiện tại, nhóm của ông đang chăm sóc 87 người có HIV và người bệnh AIDS, 67 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Ông Hoàng cho biết: Nếu nhà những người bạn gần nhau thì ngày hôm đó ông tới thăm được nhiều, nhưng có khi những người bạn cách xa nhau đến 40-50 cây số, đi xe máy cả ngàyđường, tới gần 100 km mà chỉ đến được có năm đến sáu nhà. Thời tiết thuận hòa còn đỡ. Gặp hôm trời mưa, đường làng trơn nhão nhoét, nghĩ cũng nản, nhưng ông vẫn đi vì ông nghĩ: Cứ hình dung ra tâm trạng của những người bạn đang ngóng mình, nên không nỡ để họ thất vọng. Vợ con cũng ngại cho tuổi tác của ông nhưng không ngăn được. Thế là chỉ với một chiếc hon-da, một cái túi xách có găng tay, khẩu trang, bông, băng, gạc... và một trái tim đầy ắp tình thương yêu, ông lên đường.

Khuôn mặt trầm buồn, ông tâm sự: Thương nhất là lần đi khâm liệm cho chị L. ở Phong Ðiền. Ông kể: Nghe tin chị bệnh nặng không qua khỏi. Chúng tôi cùng về chăm sóc chị. Chiều hôm đó chị L. tắt thở. Nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi và một người bạn mặc áo mưa, đeo khẩu trang, găng tay lo việc vệ sinh và khâm liệm cho chị.

Công việc của ông là thế. Nhiều người cho ông là con người kỳ quặc. Chỗ nào người ta sợ thì ông lao vào, chia sẻ nỗi đau cùng họ. Cách đây gần 10 năm, cứ tuần một lần, có khi tuần hai đến ba lần ông tình nguyện đến trại phong Hòa Vân (Liên Chiểu - Ðà Nẵng) để sinh hoạt, vui chơi cùng với con em của người bệnh phong ở đây. Ðể đến được trại, ông phải đi hon-da gần trăm cây số tới chân đèo Hải Vân, sau đó đi bộ khoảng dăm cây số nữa theo đường dốc núi. Ở đây ông thường tổ chức các trò chơi, hội trại... tạo ra không khí vui nhộn, hòa đồng và thân thiện cho các em. Ðến khi bệnh phong dần được thanh toán, ông "thất nghiệp" trở về quê nhà năm 2001, đúng lúc địa phương đang tìm người chăm sóc cho những người có HIV và người bệnh AIDS. Không một chút đắn đo, ông tình nguyện đảm nhiệm với các sơ công việc này từ đó.

Lúc đầu ông không hiểu rõ về căn bệnh này lắm. Sau được tập huấn mới thấy được sự nguy hiểm của HIV/AIDS và đường lây của bệnh, ông cũng thấy sợ. Vợ con ông cũng sợ. Nhưng ông Hoàng lại nghĩ ngược lại, nếu không may mình rơi vào tình trạng như họ mình cũng sẽ đau khổ như họ.Và sau này chính vợ và con ông lại là người ủng hộ, động viên và giúp ông tích cực nhất.

Không chỉ dừng lại ở đó, đối tượng mà ông nhắm đến còn là những người nghèo khổ. Bởi thế mà ông đã thành lập ra nhóm "Ve chai" với thông điệp: "Ông bà chính là người cho còn chúng tôi là những người chuyển lại cho người nhận". Hằng tuần, ông cùng các thành viên bớt chút thời gian đi nhặt những phế liệu hư bỏ, bán lấy tiền chia sẻ với người nghèo. Bình quân mỗi tuần cũng thu được khoảng300.000 đồng. Một tháng là 1,2 triệu và một năm cũng khoảng 15 triệu đồng. Các dịp lễ, Tết nhóm còn tham gia phát hành lịch, bưu thiếp... để gây thêm quỹ. Số tiền không lớn nhưng cứ gộp lại cũng thành một khoản lớn để chia sẻ với đồng bào bị bão lụt, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn...

Công việc chiếm hết thời gian trong tuần, trong tháng, trong năm của ông (không kể những lúc có việc đột xuất vào nửa đêm, gà gáy). Ông làm việc không ngơi nghỉ, nhưng không ai có thể tin rằng ông làm những công việc này đều là tự nguyện và không hề có thu nhập. Bù lại,những việc mà ông đã và đang làm đều mang lại niềm vui cho những con người bất hạnh và không may mắn trong cuộc đời.

Theo Thanh Mai
Nhân dân