Ông già 81 tuổi mưu sinh với tấm thân tàn và bàn tay cụt
(Dân trí) - Sống trong ngôi nhà được dựng lên từ tiền tích cóp lo “hậu sự” của mình, ông Phạm Văn Trường dù tuổi cao sức yếu vẫn ngày ngày phải bươn chải kiếm sống bằng chính tấm thân già bị giày xéo bởi đạn AR15 của địch, lao động trên cánh tay bị cụt mất bàn….
Tuổi xuân cống hiến…
Sinh ra và lớn lên ở Thái Lan, hưởng ứng phong trào “Việt kiều yêu nước” ông lên đường tòng quân cho liên quân Lào Việt năm 1950. Những năm đầu ông hoạt động bí mật với các công tác dân vận, địch vận, trinh sát và xây dựng cơ sở trên đất bạn Lào. Đến khi ra làm công khai thì ông bị địch bắt trong một lần đang nhận súng ở Bản Mặc Nao. Biết mình bị bao vây, ông cùng hai đồng chí nữa chống cự quyết liệt nhưng không thể được. Địch đông hơn, chúng bắn ông bị thương vào cổ tay và chân, ông cố lết chui vào bụi tre trốn được 3 ngày thì cũng bị chúng bắt đưa về Viên Chăn và đưa vào nhà thương cắt luôn bàn tay phải của ông.
Ở cái tuổi gần đất xa trời ông vẫn phải
bươn chải kiếm kế sinh nhai.
Trong quá trình ở quê, ông vẫn làm một số công tác cho xã trong thời gian ngắn. Năm 1960 ông lấy vợ là bà Phạm Thị Lường và đôi vợ chồng trẻ ấy bắt đầu một cuộc sống mới trong hy vọng cho đến “đầu bạc răng long”…
Sống để hy vọng…
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà chắp vá là nơi chui ra chui vào hàng ngày của hai vợ chồng già được xây bằng tiền “lo hậu sự” được vợ chồng ông tích góp hàng chục năm trời. Để mưu sinh, hàng ngày bà lo công việc đồng áng còn ông lang thang đây đó làm nghề thợ mộc với bàn tay phải đã bị cắt cụt. Một năm, hai năm rồi hàng chục năm, đôi vợ chồng trẻ ấy cứ hi vọng, mong mỏi có được đứa con để chăm bẵm nhưng hy vọng rồi thất vọng. Vợ chồng ông chẳng có lấy một mụn con để nương tựa về già. Sống làm gì? nhiều lúc cùng quẫn ông đã uống rượu và có ý định tự vẫn nhưng ông đau một còn bà đau mười. Làm dâu ở nhà ông khi bố mẹ chồng đã mất và ông cũng là con trai một nhưng chẳng thể có được một mụn con nối dõi cho ông. Bà cũng tuyệt vọng nhưng biết làm sao được. Đi đây, đi đó chạy chữa mà vẫn không thể sinh nổi một mụn con…
Đến việc mặc áo ông cũng không thể tự làm được,
nhưng ông vẫn phải cố gắng làm việc để không bị "chết đói" trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Nỗi đau cuối đời…
Năm 1995, hy vọng dâng lên khi người đồng đội cũ thấy hoàn cảnh quá bi đát của vợ chồng ông nên đã hướng dẫn ông làm thủ tục để hưởng chế độ do ông có quá trình công tác tại mặt trận C-K theo nghị định 250 LĐTBXH ngày 30/4/1984. Công trạng của ông đối với cách mạng tuy chưa lớn lắm nhưng sự chịu đựng, hy sinh của ông trong thời gian tham gia kháng chiến cho Đoàn 83 thuộc mặt trận Tây Lào được đồng đội, thủ trưởng xác nhận mong rằng ông được hưởng chế độ để an tâm dưỡng già. Không hiểu sao, nguyên Đoàn trưởng đoàn 83 (trung tướng Nguyễn Hoà) đã xác định những ngày ông hoạt động cho đất nước nhưng cho đến nay, ông vẫn không được hưởng chế độ của nhà nước.
Tấm huy chương của cách mạng Lào trao tặng ông đem ra ngắm nghía và quẳng cho lũ trẻ chơi. Đời ông là hết bởi vì hi vọng cuối cùng nhằm có đồng ra đồng vào để hưởng già đã chấm dứt. Ông tiếp tục cúi mặt và lao động để kiếm sống trên tấm thân già bị giày xéo bởi đạn AR15 của địch, lao động trên cánh tay bị cụt mất bàn…
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Phạm Văn Trường - Xóm 3, thôn Tô Xá, xã Quảng Phương (Quảng Trạch - Quảng Bình)
Hoặc:
Nguyễn Hữu Lực - Trưởng BLL quân tình nguyện Lào tại Quảng Bình Xóm 4 thôn Pháp Kệ xã Quảng Phương (Quảng Trạch - Quảng Bình) ĐT: 0523.517.003 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 Switch Code : ICBVVNVX106 639 Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
|
Lê Vĩnh Quý