1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 197:

Nỗi khốn khó của gia đình toàn những con người bất hạnh

(Dân trí) - Cứ nhớ lại hình ảnh đứa con trai đang hấp hối trong vòng tay với những lời thỉnh cầu tuyệt vọng “bố ơi hãy cứu con, con đang còn trẻ lắm” mà lòng tôi thấy tê tái. Phận làm cha, nhưng tôi không làm được gì để cứu… con”, anh Chuyên nghẹn ngào.

Gặp anh Phạm Văn Chuyên trong căn nhà chật hẹp tại xóm 8, xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Mặc dù biết trước về ngoại hình hơi dị dạng với những cục thịt thừa của anh, nhưng khi gặp tôi vẫn có chút “bất ngờ”.
 
Nỗi khốn khó của gia đình toàn những con người bất hạnh - 1
Trời nắng, những nốt thịt thừa của anh Chuyên lại ngứa ngáy, khó chịu

Rót chén trà nguội đã pha sẵn mời chúng tôi uống, anh Chuyên lặng người đi hồi lâu để lấy lại bình tĩnh rồi anh bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình cùng những chuỗi ngày gian khổ và nỗi đau bệnh tật của những người thân.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, chàng trai trẻ Phạm Văn Chuyên quyết định rời quê hương đi xây dựng vùng kinh tế mới tại xã Nga Tiến vào năm 1964. Thời gian lăn lộn với nghề trồng cói, anh Chuyên quen chị Phạm Thị Viên và rồi hai người kết duyên vợ chồng. Cuộc sống khó khăn, miếng ăn phải chạy từng bữa nhưng hai vợ chồng yêu thương, đùm bọc nhau sống qua ngày.

Chắt chiu từng đồng, vợ chồng anh chị cũng xây được ngôi nhà tạm bợ để lấy chỗ che nắng che mưa. Gọi nhà cho “oách”, chứ thực chất nó chỉ nhỏ bằng một gian bếp thường thấy ở các vùng nông thôn. Bên trong ngôi nhà không có vật gì đáng giá. Vậy mà mấy chục năm qua, 6 con người trong gia đình anh Chuyên vẫn hàng ngày sống lần hồi trong đó. 
 
Nhắc đến vợ và những người con, anh Chuyên rầu rĩ cúi đầu và rồi những giọt nước mắt cứ tuôn chảy làm ướt cả khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông: “Ở cái tuổi 58, nhưng cuộc đời tôi dường như chưa một ngày được vui. Mẹ già ốm đau triền miên, vợ thì bệnh tật quanh năm, lúc ngất lúc tỉnh. Sinh được 3 đứa con, nhưng đứa thì ngớ ngẩn, đứa dở người, còn đứa thì bị bệnh cướp đi mất rồi. Bất hạnh quá!”.
 
Nỗi khốn khó của gia đình toàn những con người bất hạnh - 2
Em Phạm Thị Khuyên suốt ngày lang thang ngoài đường
 
Năm 1983, vợ chồng anh Chuyên sinh con gái đầu lòng, tiếp đến là cô con gái thứ hai rồi tới cậu con trai út. Lúc nhỏ, nhìn đứa nào cũng hồng hào, múp míp, nhưng khi lớn lên thì mỗi đứa một tính. Cô con gái thứ hai bị ngớ ngẩn, suốt ngày chỉ lang thang ngoài đường vui chơi cùng mấy đứa trẻ con rồi la hét om sòm. Đến ăn cơm, mặc quần áo cha mẹ cũng phải “hầu”.
 
Người con gái đầu tuy không bệnh tật, nhưng cũng không được khôn ngoan như bạn bè cùng trang lứa. May mắn có người giới thiệu nên cô đã lấy chồng ở huyện Hậu Lộc và sang định cư tại đó từ năm 2010. 
 
Duy nhất chỉ có cậu con trai Phạm Văn Chính là khỏe mạnh bình thường. Cả gia đình anh Chuyên đặt hết niềm tin và hi vọng về cuộc sống sáng sủa hơn ở cậu con trai.
 
Gia cảnh khó khăn, từ nhỏ Chính đã phải lăn lộn với cuộc sống bên ngoài, làm cật lực để kiếm tiền nuôi bà nội, cha mẹ và hai chị, sao cho hàng ngày không bị đứt bữa. Nhưng, sự bất hạnh đã ập xuống đầu cậu bé khốn khổ khi em đang ở cái tuổi “bẽ gãy sừng trâu”. Thấy trong người khó chịu, sức khỏe ngày một yếu dần, Chính đi khám thì được các bác sĩ cho biết em bị khối u bàng quang đôi ở giai đoạn cuối.
 
Vay mượn được ít tiền đưa con nhập viện với hi vọng “còn nước còn tát”, nhưng đi hết bệnh viện Việt Đức, sang bệnh viện K1, giới thiệu sang bệnh viện K2 vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu của bác sĩ. Đưa con về trong sự đau đớn và tuyệt vọng, anh Chuyên chỉ có một mong muốn có thể gánh bệnh thay con.
 
Nỗi khốn khó của gia đình toàn những con người bất hạnh - 3
Gian bếp xập xệ của gia đình anh Chuyên
 
“Có nỗi đau nào hơn khi người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh, cháu nó về nhà được hơn hai tháng là ra đi mãi mãi. Trước khi đi, nó còn nói “Con ước khi sang thế giới bên kia, sẽ được thấy gia đình mình đoàn tụ trong ngôi nhà “tử tế” và sáng sủa hơn, bà và mẹ sẽ không còn bị bệnh tật hành hạ vì đã có tiền mua thuốc uống”, anh Chuyên xúc động nhớ lại.
 
Chưa vơi nỗi đau mất con, sức khỏe của chị Viên lại có biểu hiện sa sút. Cuộc sống quá thiếu thốn, đến bơ gạo nấu ăn hàng ngày cũng phải chia làm đôi, ăn uống còn không đủ no nên chị yếu đi trông thấy. Dẫu vậy chị vẫn phải cố gượng chăm sóc mẹ chồng và đứa con bệnh tật.
 
Mấy năm nay, chị Viên cứ ra đồng lúc trời nắng hay thời tiết thay đổi là chị lại ngất xỉu. Mọi người đoán tim chị có vấn đề, nhưng nhà lấy đâu ra tiền để đi khám nên chị đành cứ để liều vậy.

Còn anh Chuyên, suốt thời thanh niên phải xa vợ con, phiêu bạt khắp nơi làm thuê cuốc mướn. Công việc làm quặng vất vả, độc hại đã biến anh từ một thanh niên khỏe mạnh trở nên gầy gò, ốm yếu, toàn thân nổi đầy những cục thịt dị dạng, ai tiếp xúc cũng thấy e ngại. Không những thế, những lúc làm việc nặng nhọc hay những hôm trái gió trở trời, bệnh mất trí của anh lại tái phát, nhiều hôm anh lùa đuổi vợ con đánh đập, phá phách nhà cửa…

Bà Bùi Thị Ngân, người hàng xóm sống cạnh nhà tâm sự: “Tôi chưa thấy có gia đình nhà nào khổ như gia đình nhà này, vợ bệnh, con điên. Quanh năm chỉ trông vào 3 sào cói vụ được vụ không, cái đói, cái bệnh cứ đeo đẳng suốt. Cả năm có 12 tháng thì mất 6 tháng đói ăn, lấy muối đưa cơm hoặc húp canh trừ bữa. Chúng tôi sống gần, thấy thương hoàn cảnh nên thỉnh thoảng cũng giúp nhưng chỉ được chút ít mà thôi”.
 
Nỗi khốn khó của gia đình toàn những con người bất hạnh - 4
Bà Hiệp luôn đau đớn vì căn bệnh khớp hành hạ
 
Người dân sống quanh xóm 8 không còn lạ lẫm với những tiếng kêu la, rên rỉ của bà Đỗ Thị Hiệp đã gần 100 tuổi. Nhiều năm nay bà bị căn bệnh thần kinh, bệnh khớp hành hạ nên hai chân sưng to, đau nhức, khiến bà đi lại rất khó khăn. Trái gió trở trời là bệnh lại tái phát, cắn dứt trong từng khớp xương khiến bà không đêm nào an giấc.

Nhìn vào hoàn cảnh gia đình anh Phạm Văn Chuyên mà người dân trong xã ai cũng thương. Không có đất ruộng cấy lúa, 4 miệng ăn của gia đình chỉ trông chờ vào vài sào cói nên cái đói, cái khổ chưa năm nào buông tha. Bữa cơm hàng ngày mơ được no đủ còn khó chứ nói gì đến tiền dư thừa mà khám hay chữa bệnh.

“Tuy khổ nhưng tôi vẫn chịu được. Giờ tôi chỉ ước có ít tiền để mua thuốc cho mẹ, đưa vợ đi khám bệnh và sửa sang lại ngôi nhà cho đỡ chật chội, dột nát vào những ngày mưa gió thôi”, anh Chuyên tâm sự. Nhưng điều ước giản dị đó thật khó thực hiện khi cuộc sống gia đình anh vẫn luôn bị cái đói đeo bám như thế này.
 

 Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 

1. Anh Phạm Văn Chuyên: Xóm 8, xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn  

3. Tài khoản Ngân hàng (Báo Khuyến học & Dân trí)

* Tài khoản VNĐ tại ABBANK
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0111.028.722.008
Tại: Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Hà Nội. 

*Tài khoản USD tại ABBANK

Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 0111.028.723.004
Bank Name: An Binh Bank (ABBANK) - HaNoi Branch
Swift code: ABBKVNVX 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công 

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) 

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm 

4. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

 Lan Anh - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm