Nỗi đau của cô gái mở đường năm xưa
(Dân trí) - Bệnh tật và đói khát gần chục năm trời trong ngôi nhà nhỏ không điện, nước. Cụ bà Đinh Thị Tương - cô gái mở đường ngày xưa nay phải chịu quá nhiều nỗi đau...
Về thôn Phúc Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ cụ Đinh Thị Tương (73 tuổi) và con gái Cao Thị Phòng (40 tuổi). Chứng kiến cảnh hai mẹ con đau ốm chăm sóc nhau không ai khỏi chạnh lòng thương xót.
Chào đón chúng tôi bằng những giọt nước mắt, cụ Tương bắt đầu câu chuyện. Năm 1965, theo tiếng gọi Tổ quốc, cụ đi thanh niên xung phong. Ngày đó, đơn vị TNXP 758P31 của cụ đóng quân ở Cha Lo, Mụ Dạ, Khe Ve... (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình) làm đường cho xe vận chuyển đạn dược, vũ khí, quân vào chiến trường miền Nam đánh giặc.
Trong nhiều năm làm nhiệm vụ, cụ bị bom Mỹ bắn sức ép và bị thương. Hoà bình lập lại, cụ trở về địa phương sinh sống, nhưng số giấy chứng nhận thương binh thì đã mất sạch. Do hoàn cảnh khó khăn nên cụ xin vào làm công nhân Bến Tiêm (nay là nhà máy xi măng Áng Sơn, huyện Quảng Ninh) được 5 năm thì về nghỉ theo chế độ mất sức.
Cuộc đời khổ cực, vợ chồng cụ và người con gái sống trong ngôi nhà nhỏ cách nhà máy xi măng Áng Sơn không xa. Mỗi khi trái gió, trở trời vết thương cũ tái phát lại giằng xé tâm can. Đau đớn hơn, cụ phải trải qua hai lần mổ ở bụng do vết thương nhiễm trùng sau khi sinh.
Ba con người trong gia đình cụ sống hàng chục năm trời như ba ngọn đèn dầu leo lét. Nỗi đau này chưa dứt thì nỗi buồn khác ập xuống, năm 2002, cụ ông qua đời do lâm bệnh nặng vì không có tiền chữa trị. Nhắc đến chuyện xưa, nước mắt cụ lăn dài: “Từ khi ông ấy mất, tinh thần mẹ suy sụp hoàn toàn và dẫn đến căn bệnh thần kinh mãn tính. Vết thương cũ của mẹ tiếp tục tái phát phải vào viện mổ thêm hai lần. Con gái mẹ cũng mắc căn bệnh đại tràng mãn tính hơn tám năm nay rồi...”.
Ông Đoàn Kim Xuyến, trưởng thôn Phúc Sơn cho biết: “Gia đình bà Tương mỗi tháng có hơn 600 ngàn đồng từ chế độ mất sức của bà. Dù chúng tôi dành nhiều sự quan tâm đến gia đình bà, nhưng hai mẹ con còn nhiều vất vả, đói kém do cả hai thường xuyên đau ốm”.
Chị Phòng nay đã hơn bốn 40 tuổi vẫn không dám lấy chồng vì thương mẹ đau ốm. Đồng tiền chế độ ít ỏi của cụ không đủ cho hai mẹ con mua thuốc nên bữa cơm tối của hai “bệnh nhân” thường chỉ có cơm với nước mắm.
Rưng rưng nước mắt, cầm chén cơm trên tay bên ánh đèn dầu le lói, chị Phòng kể: “May hôm trước có người bà con ở xã vào thăm nên mang cho ít gạo. Chứ mấy bữa trước, tôi chỉ dám nấu bát cháo trắng để hai mẹ con ăn cầm chừng”.
Có lẽ hai mẹ con cụ còn rất nhiều điều muốn nói, nhưng đêm đã dần về khuya. Chúng tôi rời nhà cụ khi ngọn đèn hết dầu cháy sắp tắt. Ánh mắt hai mẹ con nhìn xa xăm như đang nghĩ về những chuỗi ngày đau khổ tiếp theo.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Chị Đinh Thị Phòng, thôn Phúc Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 SWIFT Code: ICBVVNVX106 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
|
Điền Bắc - Xuân Vương - Nguyễn Duy