1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nỗi bất hạnh của một cô giáo nghèo

(Dân trí) - 15 năm qua, chị sống triền miên trong lo lắng và đau khổ. Mọi bất hạnh của cuộc đời cứ lần lượt giáng xuống cái gia đình bé nhỏ của chị. Cả ba đứa con chị đứt ruột đẻ ra đều mắc chung một căn bệnh quái ác Hemophilia (máu không đông).

Nỗi đau mang tên “Hemophilia”

 

Lần theo đia chỉ lá thư kêu cứu, tôi tìm về Trường mầm non 2, xã Quảng Châu, thị xã Hưng Yên vào một ngày cuối năm tiết trời giá rét. Không cần hỏi thăm đến người thứ hai, tôi đã được dẫn tới tận nơi bởi cái tên “cô Động…máu trắng” đã khiến chị trở nên quá “nổi tiếng” ở cái thị xã bé nhỏ này.

 

Buổi trưa, không gian vắng lặng. Người đàn bà ngồi chống tay lên cằm nhìn về phía lũ trẻ đang ngủ say. Thấy động, chị đưa tay lên gạt dòng nước mắt trên má, quay ra. Khuôn mặt khắc khổ, nước da ngăm đen đã làm chị già hơn nhiều so với cái tuổi 44. Hơn hai mươi năm qua chị gắn bó với trường mầm non này. Nhiều học sinh của chị đã khôn lớn trưởng thành. Nhìn lũ trẻ khoẻ mạnh là chị lại ứa nước mắt thương các con của mình.

 

Như bao cô gái khác sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo này, chị Nguyễn Thị Động đã xây dựng gia đình và sinh hạ được 3 người con trai. Những năm đầu, gia đình chị lúc nào cũng ngập tràn hạnh phúc. Thế nhưng “hạnh phúc chẳng tầy gang”… tai hoạ đã ập xuống.

 

Cách đây 15 năm, cháu lớn sau một lần mổ chấn thương ở tay bị chảy máu kéo dài, chạy chữa khắp nơi không khỏi, đưa lên viện Huyết học truyền máu Trung ương thì được phát hiện mắc bệnh Hemopilia (máu khó đông). Học hết cấp 2, do sức khoẻ quá yếu, cháu phải nghỉ học, sau đó học nghề may nhưng nay không thể làm việc được.

 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về theo địa chỉ:

 

1. Chị Nguyễn Thị Động, Thôn 5, xã Quảng Châu, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo điện tử Dân trí - Số 2/48 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: 04. 7366491 (Máy lẻ 403).

Vốn đã nghèo, quanh năm lo tiền chạy chữa cho con khiến kinh tế gia đình trở nên kiệt quệ. Thế nhưng, nỗi bất hạnh không dừng lại ở đó. Năm 2004, cháu thứ ba, 13 tuổi, bị chảy máu ổ bụng nhưng lại bị chẩn đoán nhầm là viêm ruột thừa.

 

Sau khi phẫu thuật bị liệt 2 chân và nguy hiểm hơn cả là sau khi phẫu thuật bác sỹ mới phát hiện cháu cũng bị bệnh giống anh. Kể đến đây, chị Động ứa nước mắt: “Thương lắm bác ơi! Trước khi đến viện, cháu nó vẫn đi lại bình thường, đến khi ra viện hai chân cứ mềm như bún. Từ đó mọi thứ đối với cháu chỉ là con số 0. Học hành dang dở mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ bố mẹ”.

 

Tưởng rằng, đứa con thứ hai khoẻ mạnh sẽ là nguồn động viên cho gia đình, ai ngờ đâu. Năm vừa qua, sau một lần bị ngã, cháu bị chảy máu cơ đáy chậu và cũng được phát hiện mắc bệnh máu chảy không đông giống như anh.

 

Nỗi bất hạnh không buông tha cô giáo nghèo, chồng của chị bị sỏi thận 2 lần mổ, một bên thận bị giãn phải cắt, không đủ sức khoẻ lao động. Giờ đây, cả bốn bố con gần như không làm lụng được gì. Cố lắm cũng chỉ là kẻ đau ít chăm kẻ đau nhiều.

 

Chỉ mong các con được kéo dài sự sống

 

Từ đó đến nay, ngánh nặng gia đình trút hết lên đôi vai của chị, các con bệnh tật, chồng ốm yếu. Đã thế, chị lại luôn phải sống trong sự dằn vặt vì nghĩ mình có tội với gia đình nhà chồng. Chị tâm sự: “Cả 3 đứa con như vậy trong khi chồng tôi là con trai duy nhất của gia đình. Hỏi rằng tôi không lo, không nghĩ làm sao được?”.

 

Thật khó để có thể diễn tả những đau đớn mất mát mà người phụ nữ gầy guộc, nhỏ bé này đã phải gánh chịu suốt những năm tháng qua. Hết cấp cứu con lớn lại đến cấp cứu con bé, nhiều lần cả 3 con đều nằm viện một lúc. Những lúc bệnh nhẹ thì bố con tự chăm nhau, nhưng những khi cấp cứu thì chị phải xin nghỉ làm để chăm con.

 

Mọi thu nhập gia đình chỉ trông vào đồng lương 450.000đ/tháng của chị cộng thêm với sào ruộng cấy và ít hoa màu trên bãi. Trong khi đó, các con chị mỗi lần đi viện đều không dưới tiền triệu. Toàn bộ vốn liếng của gia đình đã dồn hết vào chạy chữa cho các con. Căn nhà cũ nát đã đổ sụp không thể ở, hiện gia đình chỉ phải dọn đến ở nhờ căn nhà của người anh họ bên chồng.

 

Với những người mắc bệnh Hemophilia, sự sống chỉ trông chờ vào máu của người khác. Chính vì thế mà cuộc sống của các con chị gần như gắn chặt với bệnh viện. “Nhiều lúc nhìn con người khác khôn lớn khoẻ mạnh tôi lại ứa nước mắt. Nghĩ mà tủi cho phận mình, người ta nỗ lực, cố gắng là để đạt đến niềm vui hạnh phúc, còn với tôi mọi cố gắng giờ đây cũng chỉ là giúp các con kéo dài thêm sự sống. Tôi thì ngày một già yếu, không biết khi tôi chết đi các con tôi sẽ sống như thế nào”, chị Động than.

 

Hoàn cảnh của chị Động vô cùng khó khăn, rất mong bạn đọc gần xa chia sẻ, hỗ trợ chị Động vượt qua cuộc sống khó khăn này.

 

Thái Bình