1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nỗi bất hạnh của cụ bà không có người thân

(Dân trí) - Thất lạc từ nhỏ không người thân thích, lấy chồng không sinh được con. Giờ đã xấp xỉ tuối 90, cụ vẫn cô độc một mình, lam lũ kiếm sống qua ngày.

Ấy là hoàn cảnh đáng thương của cụ Trần Thị Phúc, xóm Hội Tây, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Dò theo địa chỉ trong lá đơn gửi Quỹ Tấm lòng nhân ái của Báo điện tử Dân trí, chúng tôi có mặt tại xóm Hội Tây, xã Tùng Ảnh. Không khó để tìm đến ngôi nhà tuềnh toàng, chật chội đang ôm ấp tấm thân già cô độc được viết trong lá đơn buồn.

5h chiều, hình ảnh cụ Phúc xấp xỉ tuổi 90 vẫn lật đật cuốc đất, trồng rau kiếm miếng ăn giữa cái rét của đợt gió mùa lạnh lẽo khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Sức yếu nên đã gần một giờ lao động, cụ vẫn chưa cuốc xong luống đất nhỏ trước vườn.
 
Nỗi bất hạnh của cụ bà không có người thân - 1
88 tuổi, công việc hằng ngày của cụ Phúc là làm thuê, cuốc đất kiếm sống (Ảnh: Văn Dũng)
 
Lật bật dẫn khách vào nhà, nghe lời cụ kể thì những chi tiết trong lá đơn của một người hàng xóm viết thay cho cụ gửi chúng tôi không chỉ cám cảnh có thế. Cuộc đời cụ quả là một nỗi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần.
 
Cụ không nhớ mình sinh ra ở xứ nào, chỉ biết, ngay từ nhỏ cụ bị thất lạc gia đình rồi trôi nổi Hà Thành kiếm sống. Cụ Phúc làm giúp việc cho một gia đình ở đất Hà Thành suốt nhiều năm.

Lớn lên tình cờ gặp chàng thợ may xứ Nghệ Phan Văn Chung. Cùng hoàn cảnh nghèo, lạc lõng giữa chốn thị thành sầm uất hai người đem lòng thương yêu, rồi kết nghĩa vợ chồng.

Khoảng năm 1965 do chiến tranh ác liệt, hai vợ chồng cụ Phúc gói ghém đồ đạc trở về làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ sinh sống. Không ruộng vườn, đôi vợ chồng nghèo sống chủ yếu vào đồng tiền công ít ỏi từ nghề khâu vá áo quần. Như bao người phụ nữ khác, khó khăn vất vả về vật chất thì có thể chịu đựng được, nhưng lập gia đình mà không sinh được con là cả một nỗi đau đến khô héo con người.

Cưới nhau suốt mấy chục năm nhưng chưa một lần hai vợ chồng sinh hạ được một người con khiến cụ buồn bã, đau đớn. Nhiều hôm cụ bảo ông Chung đi thêm bước nữa, nhưng vốn thương người, ông không nỡ bỏ rơi cụ mà tái hôn.

Cuộc sống của đôi vợ chồng nghèo, bất hạnh nhưng đầy cảm động cứ thế kéo dài cho đến ngày bất hạnh lại ập đến. Ấy là cách đây hơn 20 năm, căn bệnh ung thư quái ác ập đến đã cướp đi mạng ông. Kể từ đó cụ Phúc sống lặng lẽ, thu thủi một mình trong mái nhà tranh.

Kể từ ngày chồng mất, sức khỏe của cụ Phúc xuống rất nhanh. Cụ thường xuyên bệnh, mà nguyên nhân được xác định từ sự sầu não số phận đầy cám cảnh của mình. Cụ Phúc sợ trời về đêm, bởi mỗi khi bóng tối rủ xuống cụ không thể chợp mắt vì những ám ảnh về số phận bi thương lại hiện về. Ấy cũng là điều mà hàng xóm của cụ đã quá quen với cảnh đêm đêm cụ già ngồi bó gối trước ngọn đèn dầu leo lắt. “Không ít lần nghĩ quẩn tui đã có ý nghĩ tìm đến cái chết để sớm được theo ông nhà tui, nhưng nghĩ vậy mà mô có mần được, đành sống một mình với xóm làng”- cụ Phúc cho biết.
 
Nỗi bất hạnh của cụ bà không có người thân - 2
Không người thân thích cuộc sống của cụ Phúc lặng lẽ trong căn nhà do xóm làng xây cất (Ảnh: Văn Dũng)
 
“Trẻ cậy cha, già cậy con” nhưng với cụ chưa một lần được hưởng niềm hạnh phúc ý nghĩa ấy. Không người thân ruột thịt nên suốt nhiều năm qua người phụ nữ cô độc ấy sống chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của mọi người. “Những lúc khỏe mạnh thì không nói, còn khi đổ bệnh thì nếu không có bà con trong lối xóm chắc đời tui cũng không còn nữa. Nhờ bà con đùm bọc tui mới sống được đến lúc này”- cụ nắm lấy bàn tay của chị Trần Thị Hòa, Bí thư Chi bộ thôn Hội Tây như nói lời cảm ơn với xóm làng.

Còn chị Hòa thì cho biết, “ở đây gần như cả xóm chúng tôi ai cũng có lương hưu, hoặc sống nhờ con cái, còn cụ Phúc thì không. Đời cụ quá bất hạnh. Cái nhà cụ đang ở là tài sản xóm làng đóng góp xây cất cách đây 3 năm, còn trước đó, nhà cụ chỉ là một túp lều tranh thường xuyên ngập nước. Nhiều năm qua, ngoài sự giúp đỡ phần nào của chính quyền địa phương, bà con lối xóm, cụ vẫn lam lũ làm thuê, trồng rau tự kiếm sống”.

Rời xóm Hội Tây khi hoàng hôn lạnh lẽo đã đến, chúng tôi mang theo sự áy náy, xót xa về hình ảnh cụ bà xấp xỉ 90 vẫn ngày ngày cuốc đất, làm thuê kiếm sống.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Cụ Trần Thị Phúc, xóm Hội Tây, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 24 Trương Quốc Dung, P8, Quận Phú Nhuận, TPHCM. Tel: 08.3.294.3896


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Văn Dũng - Bích Phước