1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Niềm mong muốn của hai chị em nghèo

(Dân trí) - “Con mong có xe đạp để chở chị Thanh đi học chứ trời nắng chị đi bộ không nổi. Ngày mưa thì chị hay bị té, trời nắng lại nóng chân nên hai chị em con phải đi học từ sớm” - cậu bé Cao Văn Bình thổ lộ mong ước trẻ thơ giản dị.

Bất hạnh nối tiếp nhau

Mỗi sáng trên con đường làng, hình ảnh hai chị em Cao Thị Tố Thanh và Cao Văn Bình cùng nhau đi học đã trở nên quen thuộc với người dân ở Quảng Phước (Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế).

Năm 1997, khi mới sinh ra, cô bé Tố Thanh trông cũng như bao đứa trẻ khác nhưng dần dà bố mẹ em phát hiện con mình bị thiểu năng về trí tuệ. Không may cho em nữa là sau đó em bị bệnh sốt rét và teo cả hai tay. Những ngày trời lạnh, thời tiết thay đổi, đôi tay teo của bé Thanh gây cho em bao đau đớn. Thương con, anh Cao Xưởng và chị Hoàng Thị Lan dành dụm được bao nhiêu thì dốc cả vào để chạy chữa cho con.

Khi mẹ sinh em trai Cao Văn Bình, dường như tình thương dành cho em đã giúp bé Thanh ít đau ốm hơn, em hay cười và đùa giỡn với em trai. Bé Thanh dần thoát khỏi cái vỏ bọc lầm lì, ít nói hàng ngày. Hai chị em ở nhà với nhau còn vợ chồng anh Xưởng quá bận với mấy sào ruộng và làm thuê. Anh chị cũng muốn ở nhà để chăm sóc cho con nhưng ở nhà thì lấy gì để nuôi con, lấy tiền đâu mà chăm lo cho chúng.

Chị Hoàng Thị Lan nghẹn ngào nói: “Thấy bé Thanh đau đớn với bệnh tật và hay sốt bất thường, cái tay bị teo hay đau mà cháu lại không ý thức được mình nên làm gì khiến tôi lo lắm. Nhiều bữa muốn ở nhà với cháu nhưng mà không đi làm thì lấy gì mà nuôi cháu. Tôi đành cho cháu ở nhà và gửi hàng xóm trông giùm”. Đi làm mà tâm trí để ở nhà lo cho con, cứ đến lúc nghỉ trưa, chị Lan lại đạp xe về nhà với con, ruộng thì cách nhà khá xa. Những ngày nắng chị lo con đi chơi nắng, những ngày mưa chị lại lo bé Thanh lên cơn đau bất thường.

Niềm mong muốn của hai chị em nghèo - 1

Em Thanh trong giờ học trên lớp. (Ảnh: Ngọc Lành)

Niềm vui đến trường

Khi bé Thanh đến tuổi đi học, vợ chồng anh Xưởng đã không dám cho con đến lớp vì sợ cháu mặc cảm về bệnh tật, tự ti với bạn bè. Nhưng đến lúc em Bình đi học, bé Thanh không chịu ở nhà, em nhất định xin bố mẹ cho đi học. Nhìn đôi mắt khát khao và năn nỉ của bé Thanh, vợ chồng anh đành chấp nhận cho hai chị em đi học chung. Bây giờ hai chị em Thanh đang học lớp 3 trường Tiểu học số 2 Quảng Phước.

Sáng sáng, trên con đường làng quen thuộc, hai chị em lại dắt tay nhau đi chân đất đến trường. Ngày nào Thanh bị đau phải ở nhà thì cậu bé Bình đi học một mình. Nhiều hôm, bé Thanh bị đau nhưng không muốn ở nhà cứ đòi đi học, chị Lan đi làm mà lòng không yên, chốc chốc lại phải chạy lên trường xem con có sao không.

Khi chúng tôi tìm đến trường, hai chị em bé Thanh đang học trong lớp. Nhìn gương mặt vô tư không lo âu của bé Thanh mà chúng tôi không khỏi thương cho em. Tay bị tật khiến em viết khó khăn hơn các bạn khác nhưng Thanh luôn cố gắng theo kịp các bạn. Em viết chữ khá đẹp còn các môn khác thì em học rất chậm. Ban đầu, vì mặc cảm nên Thanh không gần gũi hay chơi đùa với các bạn nhưng sau đó em cũng dần hòa nhập cùng bạn bè.

Thầy Ngô Huế, hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 Quảng Phước, cho biết: “Trước hoàn cảnh hai em Thanh và Bình, nhà trường miễn giảm các chi phí đóng góp, rồi tặng sách vở để khuyến khích các em học tập. Em Thanh tuy bệnh tật nhưng lại rất cố gắng học tập. Đấy là điều đáng khen mà các bạn khác nên học theo”. Thầy cho biết thêm, dù học chậm hầu hết các môn nhưng em Thanh rất cố gắng lắng nghe và ít khi nghỉ học. Còn em Bình học rất tốt, lại hay giúp chị học để theo kịp các bạn.

Khi chúng tôi hỏi “Em có ước mơ gì?”, bé Thanh chỉ cười mà không nói, còn cậu bé Bình thì nhanh nhảu: “Con mong có xe đạp đi học. Có xe, con sẽ chở chị Thanh đến lớp chứ trời nắng chị đi bộ không nổi. Ngày mưa thì chị hay bị té, trời nắng lại nóng chân nên hai chị em con phải đi học từ sớm”.

Ước mơ của hai chị em nghèo thật giản dị. Chúng tôi tin rằng ước mơ ấy sẽ sớm thành hiện thực khi mà quanh ta có rất nhiều tấm lòng vàng muốn giúp đỡ, chia sẻ với những cảnh đời khó khăn.

Ngọc Lành